Bảo hiểm tiền gửi không phải để 'an ủi'

28/10/2017 06:02 GMT+7

Mức chi trả bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng/người/tổ chức tín dụng trong dự thảo luật Các tổ chức tín dụng đã không nhận được sự đồng tình của hầu hết các ý kiến.

Cũng dễ hiểu, ngân hàng chỉ là tổ chức trung gian, huy động vốn từ người dân cho doanh nghiệp vay đầu tư làm ăn.
Người dân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng đầu tiên để hưởng lãi. Chẳng thế mà mỗi lần giảm lãi suất, các ngân hàng (NH) cũng lo sốt vó sợ hụt nguồn vốn huy động. Sau này thì thêm lý do an toàn. Két của nhà băng chắc chắn an toàn hơn tủ trong buồng. Chứ dân ta truyền thống là “đồng tiền đi liền khúc ruột”, phải giữ trong tủ, nắm trong tay mới yên tâm. Nhưng mấy năm gần đây, tình trạng nợ xấu, mất thanh khoản, cán bộ NH thụt két... diễn ra thường xuyên khiến người gửi tiền bất an.
Đó là lý do, bảo hiểm tiền gửi ngày càng được quan tâm. Và đó cũng là lý do khiến mức chi trả tối đa 75 triệu đồng bị phản đối. Đặt trường hợp với những người cả đời tích cóp được ít tiền, phần chênh lệch giữa bảo hiểm với tiền gửi là cả vấn đề lớn lao. Còn với những người gửi tiền tỉ, vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng mà chỉ nhận được 75 triệu đồng thì đúng là không đủ để “an ủi”. Vì vậy, NH Nhà nước lo ngại nếu áp dụng biện phá sản tổ chức tín dụng thì mức bảo hiểm này có thể khiến người dân rút tiền về bỏ trong tủ cho an tâm. Mà nếu điều này xảy ra thì hết sức nguy hiểm vì hệ thống tín dụng đang là động mạch chính, đảm nhiệm tới 85% tổng số máu cần thiết cho cơ thể nền kinh tế.
Vậy bảo hiểm tiền gửi bao nhiêu là thỏa đáng? Ở một số nước, trong trường hợp đặc biệt ví dụ như đối phó với khủng hoảng thì áp dụng chi trả 100% bảo hiểm tiền gửi. Nhiều nước lại có mức chi trả thấp hơn; nhiều nước thì phân loại mức độ rủi ro của từng NH từ đó áp dụng tính bảo hiểm tiền gửi. NH yếu kém, thanh khoản thấp thì bảo hiểm cao và ngược lại...
Nếu nhìn vào những mức chi trả trên, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng/người/tổ chức tín dụng của dự thảo luật nói trên là quá thấp, không đảm bảo được niềm tin của người gửi tiền khi biến cố xảy ra. Mức chi trả này cũng không “bảo đảm việc thực hiện phá sản tổ chức tín dụng nhưng không làm đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, không ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội” như chủ trương của Bộ Chính trị.
Nhưng nếu không có chính sách phù hợp, việc áp dụng biện pháp mạnh là cho phá sản tổ chức tín dụng yếu kém khó mà thực hiện. Khi đó, “cục máu đông” trong hệ thống NH lại chảy từ chỗ này sang chỗ khác, như mấy năm qua chứ khó "nhấc" dứt điểm nó ra khỏi cơ thể các tổ chức tín dụng để vốn lưu thông vào nền kinh tế như mong muốn và mục tiêu của chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.