Báo hiếu ngày nay

09/06/2012 08:40 GMT+7

Bộ phim A Separation của đạo diễn người Iran Asghar Farhadi kể về một lựa chọn đầy khó khăn của một đôi vợ chồng khi người vợ Simin muốn ra nước ngoài với mong muốn có tương lai tốt đẹp hơn cho cô con gái, thì người chồng Nader chỉ muốn ở lại quê hương để tiện việc chăm sóc ông bố bị mắc chứng bệnh quái ác Alzheimer.

Kết quả của cuộc chọn lựa là quyết định ly dị và vô số hệ lụy khác.

Chuyện của vợ chồng D. cũng gần giống thế ở việc nên về quê ở với cha, hay đành để cha sống một thân một mình ở quê nhà. Số là mẹ D. đã mất, em D. ở nước ngoài, cha D. thì quen cuộc sống ở quê nhà nên chỉ lên thành phố ở với D. một thời gian rồi nhất quyết đòi về với lý do không hợp. Để ba ở lại một thân một mình thì thấy không yên tâm, không đúng đạo làm con, nhưng bỏ hết mọi thứ để về quê sống với ba lại là một lựa chọn bất khả thi... khi đó còn là tương lai của vợ chồng D., của con cái sau này.

D. đem chuyện mình tâm sự với nhóm bạn là những cặp vợ chồng son vẫn thường cùng tụ tập ăn uống. Câu chuyện xem ra nhận được nhiều đồng cảm, nhưng làm D. đau đầu hơn.

Vợ chồng X. bảo: Nên mừng vì được ở riêng, chứ không mất công có những đụng chạm, nhất là người già thường khó tính, khắt khe, người trẻ lại không muốn ràng buộc, gò bó. X. thậm chí còn chia sẻ rất thẳng thắn: hồi mới ra trường, cô xin ra ở riêng luôn để tự do bay nhảy. Chuyện báo hiếu thì cứ hằng tháng gửi tiền cho ba mẹ, lâu lâu nhớ thì về thăm, những dịp lễ quan trọng thì quà cáp. Chồng X. nói: giờ là thời dịch vụ, quà cáp còn có thể nhờ công ty đưa giùm. Cha mẹ bệnh nên nhờ người chăm sóc, có khi còn chu đáo hơn.

Câu chuyện nghe ra có gì đó không ổn. Cha mẹ nào chỉ đợi quà cáp, hay chỉ đợi gửi tiền. Nhưng phải thừa nhận X., cũng có cái lý: sống chung biết đâu sinh chuyện rắc rối, bực mình bởi cái khoảng cách thế hệ, chênh lệch tuổi tác... Ấy là chưa kể càng già mẹ cha có thể sẽ như con nít. Con cái thì còn nạt nộ được chứ ba mẹ, không lẽ...

Q. góp chuyện bằng ví dụ của chính mình: Hai vợ chồng Q. sống chung với ba mẹ chồng. Áp lực lớn nhất hai vợ chồng đang gặp phải là ba mẹ chồng cứ đòi có cháu bồng trong khi vợ chồng Q. chưa muốn. Ba chồng bảo: thằng Q. có con mới được coi là đã báo hiếu cha mẹ.

H. nghe kể vậy bèn giỡn (mà chuyện giỡn dường như đang phổ biến trong đời sống các gia đình trẻ hiện nay): Vậy sinh con đi để coi như có ông bà nội chăm cháu, thay vì phải thuê người. Nhưng không lẽ làm cha mẹ cực thân ở tuổi hưởng nhàn lại là cách báo hiếu?

Báo hiếu, hiểu một cách đơn giản là phụng dưỡng mẹ cha, vậy với cách của X. đã là phụng dưỡng mẹ cha? Liệu những món quà đúng ngày lễ, dịp tết là đã đủ để thể hiện được tình yêu thương của con cái dành cho cha mẹ? Hay báo hiếu là làm cha mẹ vui lòng, vậy giờ không lẽ vợ chồng Q. phải cấp tập sinh con khi chưa muốn? Rồi điều của X. nói cũng không phải không có lý: Đừng nghĩ cứ phải sống chung với cha mẹ mới là có hiếu, mới là chăm sóc cha mẹ. Chuyện hiếu thảo bằng cách chăm cho cha mẹ già từng thìa cơm, muỗng sữa là chuyện của ngày xưa. Ngay cả bây giờ, nếu cần thiết đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc thường xuyên, cũng xem là cách báo hiếu.

Và D. ngổn ngang suy nghĩ: báo hiếu thời nay nên hiểu thế nào?

Theo Tam Hữu / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.