Hết đề nghị cấm nhập khẩu đường để... bảo vệ sản xuất trong nước, đến bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng xăng dầu của 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất; Hết chỉ định ngân hàng ép buộc các đơn vị phải giao dịch, đến “lệnh” phải uống bia này mà không được uống bia kia...
Dường như các cơ quan nhà nước đang lạm dụng mệnh lệnh hành chính tạo lợi ích cục bộ, tạo ra các tiền lệ rất xấu.
Chưa nói đến chuyện luật Cạnh tranh không cho phép các cơ quan nhà nước đưa ra các chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm “lái” người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó, thì việc tại sao người dân và doanh nghiệp không thể có quyền lựa chọn hàng hóa tiêu thụ một cách chính đáng trong nền kinh tế thị trường là câu hỏi rất đáng suy nghĩ. Phải chăng chính những chỉ đạo phi thị trường như thế này đang khiến cho nền kinh tế thị trường của chúng ta bị méo mó, phải chăng chính những suy nghĩ cục bộ như thế này khiến cho nền kinh tế của chúng ta chậm phát triển hơn tiềm năng nó vốn có?
Nếu cứ cấm nhập đường để bảo hộ sản xuất trong nước, trong bối cảnh giá đường trong nước cao gấp rưỡi, gấp đôi giá đường nhập khẩu thì ngành sản xuất trong nước mãi mãi không lớn được. Nếu bây giờ chúng ta quy định phải mua trước sản phẩm của lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, với mức giá cao hơn giá nhập khẩu sẽ là không công bằng với các doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu giá bán trong nước thấp hơn, thì chả cần nhà nước yêu cầu, các doanh nghiệp cũng sẽ mua xăng dầu trong nước.
Chúng ta đã từng có bài học về sự cạnh tranh và lớn lên của sản xuất trong nước đầu những năm 1990. Chính sự xâm nhập mạnh mẽ của xe máy Trung Quốc và bia Trung Quốc thời kỳ đó đã giúp cho xe máy và bia sản xuất trong nước nâng cao chất lượng, hạ giá thành, phù hợp với nhu cầu và khả năng của người tiêu dùng VN. Và sản phẩm trong nước đã chiếm lĩnh thị trường một cách thuyết phục bằng chính giá thành hợp lý và chất lượng cao chứ không phải nhờ bất kỳ mệnh lệnh hành chính nào.
Hỗ trợ sản xuất trong nước là đúng, nhưng nếu hỗ trợ không đúng cách sẽ làm cho tình trạng độc quyền thêm trầm trọng và vô hình trung làm mất năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Bảo hộ sự trì trệ, yếu kém của doanh nghiệp, ép buộc người dân và cả nền kinh tế phải tiêu dùng những sản phẩm giá thành cao, chất lượng không tương xứng, là cách hành xử không khôn ngoan. Đặc biệt khi VN đã ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do thì thay vì dùng các mệnh lệnh hành chính để bảo hộ sản xuất trong nước, các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ về mặt chính sách để các doanh nghiệp đầu tư nâng cao năng lực, giảm giá thành để cạnh tranh. Đó cũng là cách lành mạnh để nâng cao năng lực canh tranh quốc gia nói chung.
Bình luận (0)