Bão Kompasu mạnh lên cấp 10, giật cấp 12 trước khi vào Biển Đông

11/10/2021 15:29 GMT+7

Bão Kompasu đang gây gió mạnh cấp 10, giật cấp 12, tăng 1 cấp so với thời điểm sáng sớm nay, 11.10, và đang tiến sát Biển Đông.

Cập nhật mới nhất về bão Kompasu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 13 giờ chiều nay, 11.10, tâm bão Kompasu cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 110 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 10, tức là từ 90 - 100 km/giờ, giật cấp 12.

Bão số 8 giật cấp 12 đang tiến nhanh về Biển Đông và sẽ còn mạnh thêm

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Trong khoảng đêm nay đến rạng sáng mai, 12.10, bão Kompasu sẽ đi vào Biển Đông, trở thành bão số 8 và mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của bão Kompasu, vùng biển bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8 - cấp 9. Bắt đầu từ đêm nay, gió mạnh tăng lên cấp 10 - cấp 11, giật cấp 13, sóng biển cao 4 - 6 m, biển động rất mạnh.

Dự báo đến 13 giờ ngày mai, 12.10, tâm bão Kompasu cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570 km về phía đông đông bắc. Cường độ bão mạnh lên cấp 11, tức là từ 100 - 120 km/giờ, giật cấp 13.

Bão Kompasu đang di chuyển nhanh và tiếp tục mạnh lên trước khi vào Biển Đông

Trung Tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Kompasu sẽ đạt cường độ mạnh nhất khi hoạt động trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Khi tiến vào ven biển các tỉnh bắc và trung Trung bộ, bão Kompasu sẽ tương tác với không khí lạnh và ma sát địa hình nên giảm 2 - 3 cấp trước khi đổ bộ vào đất liền.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết bão Kompasu là cơn bão rất mạnh khi ở trên biển và có tốc độ di chuyển rất nhanh. Chỉ cần 2 ngày tính từ khi vào Biển Đông, bão Kompasu đã ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh bắc và trung Trung bộ.

Theo ông Năng, một diễn biến đáng quan lại khác là cơn bão này tiếp tục gây ra đợt mưa lớn ở các tỉnh bắc và trung Trung bộ trong các ngày 13 - 15.10. Đây cũng là khu vực từng xảy ra mưa lớn liên tiếp trong các cơn bão số 6, số 7 vừa qua.

"Ngay từ bây giờ, các địa phương cần chủ động ứng với với lũ lụt, ngập úng ở vùng đồng bằng; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi", ông Năng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.