Tối ngày 10.12, tại Quảng trường 28.3, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ”.
Cảnh diễn chương trình “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ” |
G.B |
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc, cho biết, chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ” là một trong 9 chương trình chính của Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022. Là sự kiện văn hóa quan trọng của TP.Bảo Lộc nhằm tôn vinh những người trồng, chế biến trà và nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc, giới thiệu về vùng đất và con người Bảo Lộc thân thiện, hiền hòa, mến khách. Đây cũng là dịp để nhân dân TP.Bảo Lộc chào đón các vị khách quý thưởng thức hương vị đặc sắc của trà B’Lao và sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc được sản xuất từ chính con người nơi đây; cùng cảm nhận một cách sâu sắc văn hóa trà trong đời sống hằng ngày và về nghề tơ lụa nơi phố núi B’Lao.
Bảo Lộc, với sự ban tặng của thiên nhiên về khí hậu, cảnh quan, cùng với sự cần cù, lao động sáng tạo của nhiều thế hệ trên mảnh đất đầm ấm tình người. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của TP.Bảo Lộc, thương hiệu trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc đã dần trở thành một nét văn hóa đặc trưng và trở nên nổi tiếng trong nước và thế giới, tạo nên bản sắc đô thị Bảo Lộc - Lâm Đồng xưa và nay.
Cũng theo ông Phương, với chủ đề “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ”, chương trình nghệ thuật này là điểm nhấn nằm trong chuỗi các sự kiện hoạt động chào mừng Festival hoa Đà Lạt năm 2022. Chương trình được xây dựng theo dạng sử thi, gắn liền với nội dung tái hiện về mảnh đất, con người B’Lao xưa và Bảo Lộc ngày nay. Thủ phủ trà - tơ lụa Bảo Lộc trong suốt chặng đường phát triển, không những mang ý nghĩa đặc biệt là tôn vinh các giá trị về trà, tơ lụa, nghề và người trồng, chế biến trà, ươm tơ, dệt lụa, mà còn tác động thiết thực trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trà, tơ lụa của TP.Bảo Lộc và của tỉnh Lâm Đồng; góp phần thu hút du khách, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
TP.Bảo Lộc cách TP.Đà Lạt khoảng 120km về phía Nam và đây cũng là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Lâm Đồng. Nếu như Đà Lạt nổi tiếng với rau và hoa, thì trà và tơ lụa chính là 2 sản phẩm làm nên thương hiệu cho phố núi B’Lao.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng dự chương trình |
G.B |
Cây trà (chè) bắt đầu được trồng tại Bảo Lộc từ trước năm 1930, với các giống chính: trà Trung du và Shan. Lúc đầu, diện tích trà được phát triển tập trung là các đồn điền trà của người Pháp và từ năm 1975 trở về sau, diện tích trà mới phát triển mạnh ở quốc doanh, các trang trại, các rẫy trà và được trồng trong các hộ gia đình. Trà là cây công nghiệp lâu năm, có chu kỳ kinh tế dài, cho sản phẩm thu hoạch quanh năm và rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bảo Lộc.
Trong khi đó, khoảng năm 1965, người Nhật sang Việt Nam tìm hiểu về thổ nhưỡng, thời tiết trồng thử giống dâu, nuôi thử giống tằm tại khu vực Bảo Lộc và năm 1968 bắt đầu xây dựng Trung tâm tằm tang Bảo Lộc. Sau năm 1975, Trung tâm tằm tang Bảo Lộc được xây dựng và chuyển thành trại giống tằm Bảo Lộc để sản xuất cả giống cấp I, cấp II cung cấp cho cả nước. Hiện nay, Bảo Lộc có gần 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ lụa, sản xuất hơn 1.100 tấn tơ và khoảng 5 triệu mét lụa mỗi năm. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Lào… đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình luận (0)