Vừa rồi đọc báo tôi được biết Luật Phòng chống BLGĐ có các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn, cấm tiếp xúc... Vậy để áp dụng các biện pháp này tôi phải có các điều kiện và thủ tục nào? (hoahong@...)
- Luật Phòng, chống BLGĐ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008) quy định nhiều biện pháp để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, trong đó biện pháp quan trọng nhất là cấm tiếp xúc (cấm người có hành vi BLGĐ đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân).
Theo điều 20 của luật này thì chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện sau:
+ Có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ;
+ Hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân BLGĐ;
+ Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.
Chậm nhất 12 giờ, kể từ khi nhận được đơn yêu cầu, chủ tịch UBND cấp xã xem xét quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Quyết định này có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho người có hành vi BLGĐ, nạn nhân BLGĐ, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân BLGĐ.
Ngoài ra, người có hành vi BLGĐ vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị tạm giữ hành chính (từ 12 giờ đến 24 giờ), bị xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
Bình luận (0)