Bạo lực học đường: Không lẽ “ngậm bồ hòn làm ngọt”?!

05/04/2010 01:26 GMT+7

Gần đây, số vụ bạo lực học đường diễn ra dày đặc, khiến phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của con em mình. Tuy nhiên, cả phụ huynh và nhà trường lại không thể có biện pháp tối ưu bảo vệ học sinh bị hại. Nghe đọc bài

Khi được hỏi về nạn bạo lực học đường, hầu như các hiệu trưởng và giáo viên đều ngại nói. Chỉ khi nào lớn chuyện phải nhờ đến công an hoặc nạn nhân vào bệnh viện thì các trường mới công nhận. Trong khi đó, hầu hết các học sinh (HS) là nạn nhân hay người chứng kiến đều ngại kể với cha mẹ, thầy cô vì lo sợ sẽ bị trả thù.

Dung dưỡng cái sai?!

Tối 2.4, chị S. - phụ huynh có con học lớp 11 tại một trường THPT dân lập ở TP.HCM, kể cho PV Thanh Niên biết chuyện con trai mình bị bạn đánh bầm tím cả một vùng lưng và vai. “Chỉ vì một vài câu nói qua lại mà con tôi bị một HS học chung lớp vác cây đánh từ phía sau tới. Khi biết chuyện, tôi đã suy nghĩ cả đêm không biết phải xử lý thế nào để con mình an tâm tiếp tục học mà không bị bạn trả thù. Ngày hôm sau, khi dẫn con vào trường gặp giám thị và HS kia, tôi quyết định ngậm bồ hòn làm ngọt và kêu con mình phải bắt tay làm hòa với người đã đánh mình. Sau khi về nhà, con tôi hỏi một câu mà tôi không biết trả lời ra sao: “Con bị bạn ấy đánh, mà cũng đâu có lỗi gì sao mẹ bắt con xin lỗi bạn ấy?”, chị kể, rồi nói tiếp: “Tôi biết làm vậy con tôi sẽ không phục và bị thiệt thòi, nhưng nếu tôi làm lớn chuyện chắc gì HS kia bị kỷ luật? Rồi trong suốt những ngày tới, con tôi lại sẽ bị các bạn trả thù”.

Việc đánh nhau trong trường học là một thực tế nhưng nhà trường phải giải quyết trong một thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều vội kết luận, quy lỗi cho ngành giáo dục là không đúng
Ông Nguyễn Hoài Chương Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Anh Trần Văn T. - phụ huynh trường THCS Hồng Bàng, Q.5 (TP.HCM) thì khẳng định từng nhiều lần nghe con kể về việc ẩu đả giữa các nhóm trong trường. “Những vụ đánh hội đồng hay đánh nhau trước mặt HS trong lớp mà không ai dám lên tiếng là do hầu hết HS chứng kiến đều cùng băng nhóm với người đánh hoặc không dám nói vì sợ bị trả thù”, anh nói rồi thừa nhận: “Sau những vụ đánh nhau, phụ huynh của nạn nhân quá bức xúc đến trường khiếu nại, nhà trường ghi biên bản, rồi đâu cũng vào đó” .

Chính thực trạng này mà phụ huynh thà chịu nhịn nhục còn hơn để con mình mãi là nạn nhân của bạo lực học đường. Chị S. tâm tư: “Con cái chúng ta đang được giáo dục như thế nào để chúng thờ ơ thấy bạn mình bị đánh mà chỉ dám đứng nhìn, còn chúng ta - những người lớn lại dung dưỡng những cái sai ấy!”.

Không thể đuổi học vì đánh nhau!

Nhiều giáo viên cho biết nếu HS đánh nhau đến bể đầu thì chẳng hiệu trưởng nào dám đuổi học em đó vì quy định của ngành hạn chế tối đa trường hợp lưu ban bỏ học. Biết được điều này, nhiều HS thậm chí còn lớn tiếng thách đố thầy cô.

Hầu hết các vụ HS đánh nhau trong thời gian gần đây đều được các trường xử lý nhẹ nhàng, chủ yếu chỉ cảnh cáo nhắc nhở. Như vụ nữ sinh lớp 10 của trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đánh nhau, quay video clip tung lên mạng cũng chỉ bị kỷ luật đuổi học “treo” 1 năm. Vụ Nguyễn Cẩm Ly - HS lớp 10 trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) đánh bạn cũng với hình thức quay clip tung lên mạng nhưng vẫn chỉ dừng lại ở hình thức bị cảnh cáo, hạ bậc hạnh kiểm và ghi vào học bạ...

Khi được hỏi về những biện pháp xử lý các vụ HS đánh nhau, ông Ngô Đức Bình, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lai, Q.8 (TP.HCM) - nơi xảy ra vụ nữ sinh bị đánh ngất xỉu phải nhập viện, đã rất trăn trở. Ông cho biết: “Không thể đuổi học vì nếu nhà trường có đuổi thì đến hè, UBND phường lại tổ chức vận động, thuyết phục HS ra lớp. Đâu cũng vào đó!”.

Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thừa nhận: “Việc đánh nhau trong trường học là một thực tế nhưng nhà trường phải giải quyết trong một thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều vội kết luận quy lỗi cho ngành giáo dục là không đúng. Những biện pháp kỷ luật đối với HS cũng là một hình thức giáo dục chứ không phải xử lý như tội hình sự, nên nếu em nào giáo dục mãi không được thì phải đuổi học. Quy định của Bộ GD-ĐT về việc xử lý kỷ luật HS có quy định rõ tùy theo mức độ sẽ bị đuổi học, nhưng vấn đề giáo dục vẫn là chủ yếu. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào vị trí của phụ huynh HS cá biệt mới thấy thông cảm. Chẳng cha mẹ nào muốn con bị xử lý kỷ luật cả. Dù sao các em cũng là trẻ con...”.

Một số vụ bạo lực học đường gần đây

* Ngày 3.3, HS Phạm Tường Vi đánh Nguyễn Quỳnh Anh - cùng học lớp 10A13, trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội.

* Ngày 13.3, HS Un Giang San của trường THCS Nguyễn Văn Linh (Gia Lai) đã lôi kéo 2 bạn khác đánh Lê Viết Lợi học cùng trường.

* Ngày 16.3, một vụ hỗn chiến bằng hung khí giữa HS trường THCS Sông Hương và THCS Cù Chính Lan tại khu vực Công viên Thanh Quảng, TP Thanh Hóa.

* Ngày 21.3, Nguyễn Cẩm Ly, HS lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) đánh bạn Phạm Thanh Giang cùng trường rồi quay clip đưa lên mạng.

* Chiều 27.3, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, L.Đ.Hiến, HS lớp 10C8 trường THPT dân lập Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), đã dùng dao thủ sẵn trong người đâm bạn học cùng lớp là Lưu Thanh Tú ngay trước cửa lớp. Do vết dao đâm xuyên tim, Tú đã chết tại bệnh viện.

* Ngày 30.3, Võ Thanh Thảo, HS lớp 8A3 trường THCS Lê Lai, Q.8 (TP.HCM) đã bị 2 người bạn cùng lớp đánh đến ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

* Ngày 31.3, Dương Quốc Bảo, HS lớp 7A2 trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) bị nhóm bạn nam đánh hội đồng ngay tại lớp.

Tiếng nói người trong cuộc

“Riết rồi tôi không biết có nên tin tưởng nhà trường để cho cháu tôi tiếp tục đến lớp hay không? Nó mới lớp 8 nhưng đã nhiều lần bị đánh như vậy mà nhà trường không có biện pháp xử lý hay ngăn chặn thì sao gia đình yên tâm được” (Bà Bùi Thị Xuyến – phụ huynh em Thảo, nạn nhân của vụ đánh hội đồng tại trường THCS Lê Lai, Q.8)

“Tôi có con đang học lớp 12, nhiều lần con tôi về nhà với những vết bầm tím trên tay chân do bị các bạn đánh. Nhưng gặng hỏi thế nào cháu cũng không nói, chỉ nói là nếu nhà trường biết thì lại tiếp tục bị đánh. Xót xa cho con, nhưng đành phải ngậm miệng để cháu yên thân học hết lớp 12” (Chị Lê Ánh Nguyệt - hẻm 129 Bến Vân Đồn, P.8, Q.4)

“Ngày nay, nếu gặp một HS cá biệt quá lì lợm, nhiều giáo viên chỉ cần vụt nhẹ vào tay thì phụ huynh đã đâm đơn kiện, rồi giáo viên bị kỷ luật. Riết rồi giáo viên chúng tôi đâm nản nên đành buông xuôi” (Giáo viên chủ nhiệm lớp 9 một trường THCS tại Q.Phú Nhuận)

“Có thể là sự quản lý của nhà trường chưa sát với thực tế, chương trình học còn quá hàn lâm, nặng nề. Đôi khi do người thầy chưa thật sự gương mẫu, chưa đủ để HS tin cậy, chia sẻ những bất đồng nảy sinh trong các mối quan hệ với bạn bè. Ngoài ra, đội ngũ giám thị của các trường chưa được đào tạo bài bản nên khi xảy ra sự cố thường có những xử lý nóng vội khiến HS không phục” (Ông Nguyễn Văn Vượng - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Gia Thiều,  Q.Tân Bình)

“Nền giáo dục của chúng ta hướng đến đào tạo ra những cá nhân hoàn thiện nhưng chương trình học thì dường như ngược lại. Môn Đạo đức, Lịch sử, Địa lý … vẫn bị cho là các môn phụ, mà môn phụ thì học cũng được, không học cũng chẳng sao. Thậm chí dạy môn Văn để giúp học sinh làm người, thẩm thấu được cái đẹp nhưng vẫn dạy một cách máy móc” (TS Nguyễn Kim Dung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Thiên Long - Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.