Bạo lực học đường (BLHĐ) tại bang miền Đông Philadelphia (Mỹ) được phơi bày với những sự thật gây sửng sốt qua loạt bài 7 kỳ của tờ Philadelphia Inquirer vừa giành giải cống hiến giải thưởng Pulitzer báo chí.
|
Năm phóng viên đã dành trọn 1 năm để điều tra về BLHĐ trong 268 trường công (không bao gồm trường tư), thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với các giáo viên, học sinh, nhà quản lý, gia đình, quan chức địa phương, cảnh sát, toà án và chuyên gia. Ngoài các clip, tờ Inquirer còn xây dựng được cơ sở dữ liệu của hơn 30.000 vụ BLHĐ – từ hành hung, cướp giật tới hãm hiếp xảy ra trong 5 năm qua. Tờ Inquirer cũng hợp tác với ĐH Temple thực hiện một cuộc khảo sát độc lập với 13.000 giáo viên và trợ giảng. Tờ báo thu thập được nhiều văn bản của chính quyền địa phương về các vụ BLHĐ...
Sự thật tồi tệ
Tờ báo dẫn số liệu của Cục điều tra liên bang (FBI) cho biết Philadelphia là một trong những nơi có số vụ bạo lực lớn nhất nước Mỹ những năm qua, đặc biệt là trong trường học. Tính trung bình mỗi ngày có ít nhất 25 giáo viên, học sinh và các nhân viên nhà trường bị đánh, xâm hại tình dục hoặc các hình thức bạo lực khác. Trong hơn 30.000 vụ BLHĐ, có tới gần 20.000 vụ tấn công (65%); 14% sử dụng vũ khí; 7% liên quan đến rượu, ma tuý; gần 1.200 vụ cướp; 94 vụ bắt cóc...
Điều tra cho thấy, BLHĐ tồi tệ đến mức xảy ra cả trong trường mẫu giáo; các vụ trẻ em từ 5 – 10 tuổi tấn công bạn học, nhân viên nhà trường xảy ra ở hầu hết trong số 177 trường tiểu học trong 5 năm qua; một số vụ xâm hại tình dục...
Mặc dù trong năm 2009 – 2010 có tới 2.100 vụ BLHĐ được ghi nhận, nhưng chính quyền chỉ chú ý tới 183 vụ sau khi cảnh sát thực hiện cuộc bắt giữ. Chỉ 183 vụ này được đưa ra ánh sáng. Theo điều tra của phóng viên, số vụ BLHĐ trên thực tế còn lớn hơn nhiều do cố ý che đậy hoặc không được thông báo. Nhà trường hoặc chính quyền thường chỉ quan tâm tới các vụ giáo viên, nhân viên bị tấn công, trong khi phần lớn BLHĐ lại xảy ra giữa học sinh với nhau. Thậm chí, nhiều vụ cô giáo bị học sinh lớp 7 sàm sỡ cũng không được báo cáo. Hàng ngàn vụ mất trộm, trấn lột, đe doạ, sàm sỡ ...xảy ra từ cấp tiểu học tới trung học đã không được thông báo. Theo Inquirer, trong năm 2009-2010, số vụ tấn công trong trường học được báo cho cảnh sát ở đều thấp hơn nhiều so với thực tế, thậm chí nhiều trường ở mức 33 – 50%.
Điều đáng nói là chính quyền luôn tô vẽ rằng BLHĐ đang giảm, trong khi giáo viên và cảnh sát khẳng định họ đối mặt nhiều hơn với vấn nạn này. Theo điều tra, các trường không thông báo hoặc báo cáo không đúng sự thật về BLHĐ là do sức ép từ quan chức địa phương và các cơ quan quản lý. Nhiều trường thậm chí đưa ra những báo cáo gây ngạc nhiên về việc giảm BLHĐ, nhưng tờ báo đã chứng minh ngược lại không chỉ bằng con số mà từ câu chuyện cụ thể về nỗi ám ảnh khủng khiếp của học sinh, phụ huynh, giáo viên...về môi trường sống trong trường học.
Bất lực?
BLHĐ trở thành vấn đề nóng bỏng từ lâu, chính quyền đã triển khai hàng loạt chương trình quy mô lớn và tốn kém nhằm hỗ trợ học sinh, ngăn chặn bạo lực, thậm chí cả giáo dục kỹ năng để đối phó với BLHĐ. Tuy nhiên, các chương trình hầu hết thất bại do không phù hợp với tâm lý lứa tuổi, thiếu tính thực tế, không có sự tham gia đồng bộ của toàn xã hội cũng như gia đình.
Chính quyền hiện triển khai nhiều biện pháp mới được cho là hữu hiệu hơn như chương trình Hành động phục hồi (RP), Kết nối nhóm (PGC), Ủng hộ thái độ tích cực (PBS)...Riêng PBS đang được thí điểm ở 10 trường tiêu tốn 600.000 USD. Với việc hướng vào từng nhóm học sinh cụ thể, PBS đã cho kết quả khi số vụ BLHĐ ở các lớp áp dụng chương trình đã giảm hẳn. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, mỗi chương trình chỉ phù hợp với cấp học, thậm chí khu vực, trường học cụ thể. Cũng theo chuyên gia, để thực sự giảm được BLHĐ là cả cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội.
Cuộc điều tra của Inquirer giúp chính quyền địa phương xác định được 46 trường công thuộc diện rắc rối, trong đó 19 nguy hiểm kéo dài và khơi dậy phong trào cải cách học đường, để trường học thực sự trở thành môi trường lành mạnh cho giới trẻ. Theo báo cáo đầu tháng 5 của chính quyền, với tác động mạnh mẽ từ loạt bài trên và sau khi triển khai nhiều biện pháp, BLHĐ tại các trường học công ở Philadelphia đã bắt đầu giảm. |
Theo Tiền Phong
>> Xả súng tại trường học Mỹ, 7 người chết
>> Mỗi năm 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em
>> Hàn Quốc mạnh tay với bạo lực học đường
>> Báo động hành vi bạo lực trong học sinh
>> Kỷ luật 100 học sinh gây gổ đánh nhau
>> Xác định nữ sinh trong clip "Nữ sinh Hà Tĩnh đánh nhau
>> Bạo lực học đường tràn lan ở Philippines
Bình luận (0)