Bạo lực leo thang, Bangladesh đóng cửa toàn bộ trường học

Khánh An
Khánh An
17/07/2024 07:31 GMT+7

Các trường học trên cả nước đóng cửa cho đến khi có thông báo mới, sau nhiều tuần biểu tình leo thang nhằm phản đối một chính sách về tuyển dụng công chức.

Bạo lực leo thang, Bangladesh đóng cửa toàn bộ trường học- Ảnh 1.

Hai phe sinh viên đụng độ tại Đại học Dhaka ở Bangladesh hôm 15.7

AFP

Chính quyền Bangladesh vừa ra lệnh đóng cửa vô thời hạn đối với các trường phổ thông và đại học trên cả nước, sau khi 6 sinh viên thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và lực lượng bán quân sự được điều động để giữ trật tự.

Theo AFP, lệnh được đưa ra hôm 16.7 buộc các trường học trên cả nước đóng cửa cho đến khi có thông báo mới, sau nhiều tuần biểu tình leo thang nhằm phản đối chính sách về tuyển dụng công chức.

Bạo lực leo thang mạnh vào ngày 16.7 khi những người biểu tình đụng độ với các nhóm sinh viên ủng hộ chính phủ, khi họ tấn công nhau bằng gậy gộc và ném đá khiến cảnh sát phải giải tán bằng hơi cay và đạn cao su.

Người phát ngôn Bộ Giáo dục Bangladesh M. A. Khair cho hay lệnh đóng cửa được ban hành vì "an toàn của học sinh".

Ít nhất 6 người thiệt mạng vào ngày 16.7 khi biểu tình tiếp diễn tại nhiều thành phố trên cả nước, bất chấp lời kêu gọi trước đó của Thủ tướng Sheikh Hasina và tòa án tối cao rằng họ nên trở lại lớp học.

Một bệnh viện ở Chittagong cho hay có 3 người thiệt mạng với dấu hiệu bị thương do đạn bắn, bên cạnh 35 người bị thương trong các cuộc đụng độ ở thành phố cảng.

Hai người khác thiệt mạng ở Dhaka, nơi các nhóm sinh viên đối địch ném gạch vào nhau và chặn đường ở một số địa điểm quan trọng khiến giao thông ở siêu đô thị 20 triệu dân bị tê liệt.

Thanh tra cảnh sát Bacchu Mia xác nhận các con số tử vong trên, đồng thời cho biết một người đã chết vì vết thương ở đầu, bên cạnh ít nhất 60 người bị thương.

Tại thành phố Rangpur phía bắc, cảnh sát cho hay một sinh viên đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Cảnh sát chưa thông tin chi tiết nhưng cho biết lực lượng này đã bắn đạn cao su và hơi cay để giải tán người biểu tình.

Các cuộc biểu tình diễn ra hầu như hằng ngày trong tháng này nhằm yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch vốn dành hơn một nửa số vị trí công chức cho các nhóm cụ thể, trong đó có con của các cựu chiến binh trong cuộc chiến giải phóng đất nước năm 1971.

Những người biểu tình cho rằng chính sách này có lợi cho các nhóm ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Hasina, người thắng cử nhiệm kỳ thứ 5 hồi tháng 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.