TNO

Báo Mỹ: Ấn Độ sẽ bán tên lửa diệt hạm BrahMos cho Việt Nam

04/06/2016 08:00 GMT+7

(Tin Nóng) Trang tin của Học viện Hải quân Mỹ (USNI News) ngày 1.6 cho biết Ấn Độ đang đàm phán bán loại tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos cho Việt Nam, sau khi đã đạt được thoả thuận với Nga.

(Tin Nóng) Trang tin của Học viện Hải quân Mỹ (USNI News) ngày 1.6 cho biết Ấn Độ đang đàm phán bán loại tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos cho Việt Nam, sau khi đã đạt được thoả thuận với Nga.

Tên lửa diệt hạm BrahMos phóng thử nghiệm từ tàu ngầm

BrahMos là loại tên lửa hành trình diệt hạm có tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh (Mach 3, khoảng 3.400 km/giờ), tầm bắn 290 km, do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất dựa trên mẫu tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Onyx của Nga (bản xuất khẩu là Yakhont).

Hai năm trước, Ấn Độ đàm phán bán loại tên lửa diệt hạm siêu thanh này cho Việt Nam nhưng không được Nga đồng ý, lý do là vấn đề bản quyền. Mới cuối tháng 5 qua, Nga và Ấn Độ mới đồng ý được về việc xuất khẩu loại tên lửa này sang một số nước, trong đó có Việt Nam, UAE, Nam Phi, Chile…

Trang tin Jane’s Defense Weekly ngày 1.6 dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cho biết trong tháng 6 này Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar sẽ thăm Việt Nam, đi cùng là 15-20 thành viên của ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

"Đoàn đại diện quốc phòng Ấn Độ sang Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc hợp tác phát triển và sản xuất các thiết bị quân sự như vũ khí cỡ nhỏ, các hệ thống tên lửa và thiết bị hàng hải", nguồn tin công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cho IHS Jane's biết.

USNI News nhận xét rằng tên lửa diệt hạm BrahMos sẽ giúp nâng cao sức chiến đấu của Hải quân Việt Nam trước sự bành trướng trên Biển Đông của Hải quân Trung Quốc.

Tên lửa diệt hạm BrahMos có các phiên bản phóng từ biển, từ đất liền và từ trên không - Ảnh: Reuters

Tên lửa diệt hạm BrahMos đã được Ấn Độ thử nghiệm phóng đi từ tàu mặt nước, từ tàu ngầm, giàn phóng trên đất liền và đang chuẩn bị phóng thử nghiệm từ tiêm kích Su-30MKI (BrahMos loại dùng cho máy bay thì nhẹ và ngắn hơn, nhưng tầm bắn vẫn đạt 290 km). Do vậy BrahMos sẽ tương thích với các tàu ngầm Kilo của Việt Nam, theo USNI News.

Jane’s Defense Weekly cũng cho biết thêm từ năm 2008 Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam hơn 5.000 phụ tùng thiết bị cho các tàu hộ tống tên lửa lớp Petya (Liên Xô trang bị), tân trang tiêm kích MiG-21 và xe tăng T-55. Tháng 10.2014, Ấn Độ còn cung cấp tài chính ưu đãi 100 triệu USD cho Việt Nam mua 4 tàu tuần tra của Ấn Độ.

Tên lửa hành trình diệt hạm BrahMos do liên doanh Nga - Ấn BrahMos Aerospace sản xuất. Liên doanh này thành lập năm 1998, đối tác Ấn Độ là công ty của Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng (DRDO) và phía Nga là công ty NPO thuộc Tập đoàn Tên lửa chiến lược.

BrahMos là loại tên lửa 2 tầng, dùng nhiên liệu rắn, dài 9 - 10 m, đường kính 0,7 m, nặng 3,9 tấn, có tầm bắn tối đa 290 km, tốc độ gấp 2,8 lần âm thanh (3.400 km/giờ), trang bị radar dò mục tiêu. Loại tên lửa hành trình bay nhanh nhất thế giới này có thể bay cao tới 15 km hoặc bay là là cách mặt biển 10 m, mang đầu đạn thông thường từ 200 - 300 kg.

BrahMos loại phóng từ tiêm kích Su-30MKI chuẩn bị được thử nghiệm - Ảnh: TASS

Theo trang tin PopularMechanics ngày 2.6, BrahMos có 2 tầng, tầng đầu tiên dùng nhiên liệu rắn để tăng tốc cho BrahMos với tốc độ siêu âm. Tầng thứ hai dùng động cơ phản lực ramjet (nhiên liệu lỏng), tăng tốc độ của loại tên lửa này lên đến Mach 2,8 (3.400 km/giờ).

Do BrahMos có khả năng bay thấp cỡ 10 m trên mặt biển, kết hợp với tốc độ siêu thanh của nó khiến cho BrahMos rất khó bị đánh chặn. Hầu hết các tàu chiến phát hiện các tên lửa khi nó xuất hiện ở đường chân trời ở khoảng cách 16 dặm (30 km), và chỉ có 28 giây để theo dõi và bắn hạ tên lửa.

Thậm chí nếu không có đầu đạn, tên lửa BrahMos cũng có thể phá huỷ mục tiêu do động năng cực lớn của nó. PopularMechanics dẫn lại vụ tàu hộ tống USS Stark của Hải quân Mỹ hồi năm 1987 bị tên lửa diệt hạm Exocet (Pháp sản xuất) phóng từ máy bay Iraq đánh trúng, tuy đầu đạn không nổ nhưng tàu Stark vẫn bị thiệt hại đáng kể do động năng lớn của tên lửa gây ra.

Nga và Ấn Độ dự kiến nghiên cứu sản xuất BrahMos loại bội siêu thanh (tốc độ Mach 6, tức khoảng 7.400 km/giờ) từ năm 2022 trở đi, theo TASS.

Xem clip giới thiệu tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos (nguồn: BrahMos Aerospace):

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.