Báo Mỹ: Nhiều người Trung Quốc không quan tâm Biển Đông, chỉ lo kinh tế

14/04/2016 21:52 GMT+7

Chính phủ Trung Quốc đang lái người dân nước này sang câu chuyện Biển Đông để che đậy sự thật kinh tế đang bị suy giảm. Tuy nhiên với nhiều người, Biển Đông thì xa mà nỗi lo cơm áo thì trước mắt.

Chính phủ Trung Quốc đang lái người dân nước này sang câu chuyện Biển Đông để che đậy sự thật kinh tế đang bị suy giảm. Tuy nhiên với nhiều người, Biển Đông thì xa mà nỗi lo cơm áo thì trước mắt.

Người dân Trung Quốc không bận tâm đến vấn đề chủ quyền Biển Đông mà chỉ lo nỗi lo cơm áo gạo tiền, theo đài NPR (Mỹ) - Ảnh: ReutersNgười dân Trung Quốc không bận tâm đến vấn đề chủ quyền Biển Đông mà chỉ lo nỗi lo cơm áo gạo tiền, theo đài NPR (Mỹ) - Ảnh: Reuters
Ông Ma Sijin (66 tuổi), một công nhân nghỉ hưu sống tại Thượng Hải, giọng đầy tự hào dân tộc khi nói đến Biển Đông, vui mừng vì Trung Quốc có thể đương đầu với các cường quốc như Mỹ trong việc kiểm soát vùng biển chiến lược này, theo đài NPR (Mỹ) ngày 13.4.
Nhắc lại lời chủ tịch Mao Trạch Đông, ông Ma dõng dạc: “Mọi người Trung Quốc giờ đã đứng lên. Khi tất cả cùng lên tiếng và hành động, thì ai cũng biết những quần đảo đó thuộc về ai. Nó thuộc về Trung Quốc” (?).
Các nhà phân tích nhận định rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc như ông Ma đang làm mát lòng giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong bài phân tích mới đây của Hội đồng quan hệ quốc tế (CFR, một viện nghiên cứu về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, trụ sở tại Mỹ), các chuyên gia cảnh báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang sử dụng lòng yêu nước để đánh lạc hướng người dân khỏi những thực tại khó khăn về kinh tế trong nước.
Tác giả bài viết của CFR gồm ông Kurt M. Campbell, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương và ông Robert D. Blackwill, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kế hoạch chiến lược dưới thời cựu tổng thống George Bush.
Theo 2 nhà phân tích, những nguy cơ bất ổn chính trị trong nước tại Trung Quốc có thể đang dẫn dắt chính sách đối ngoại của nước này. Theo đó, ông Tập Cận Bình rất có thể sẽ kích thích, tăng cường chủ nghĩa yêu nước tại Trung Quốc để bù lại việc nền kinh tế đang phát triển chậm, gây ảnh hưởng đến chính trị.
Chính phủ Trung Quốc dùng chuyện Biển Đông để cố lái mối quan tâm người dân khỏi tình hình kinh tế khó khăn trong nước - Ảnh: Reuters
Biển Đông thì xa, nỗi lo cơm áo thì trước mắt
Học sinh Trung Quốc được dạy bằng những tấm bản đồ với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) ôm gần hết Biển Đông. Dù cho chính quyền nước này chưa bao giờ định nghĩa hay chứng minh được cái đường đó, nhưng tác dụng của nó thì có thể nhận thấy rõ.
Giống như nhiều thanh niên Trung Quốc khác, Qin (24 tuổi), một cử nhân khoa tâm lý tại đại học sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải ủng hộ quan điểm chính phủ nước này đưa ra.
Người này cho rằng “dù điều chính quyền nói có đúng hay không, rằng những quần đảo đó là của chúng tôi, thì nếu có người đến xâm chiếm, việc đó sẽ gây tổn hại đến lòng tự hào dân tộc của chúng tôi”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị chính sách đánh lạc hướng của chính phủ Trung Quốc tác động. Nhiều sinh viên đại học không còn quan tâm đến những thông điệp đó.
Một sinh viên ngành thần kinh học tên Wang cho rằng những người sống tại Thượng Hải chẳng quan tâm đến những câu chuyện tại Biển Đông, hai nơi cách nhau hơn 2.000 km: “Tôi không hề chú ý tới. Tôi có đọc tin tức trên truyền thông nhưng quên ngay lập tức”.
Sinh viên này cho rằng người Trung Quốc không hề quan tâm đến vấn đề Biển Đông, thay vào đó là những bận tâm về những vấn đề khác trong sinh hoạt, từ bữa ăn đến tiền thuê ở trọ.
Đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa, ảnh chụp ngày 8.1.2016 - Nguồn: AMTI
Một số người khác thì thẳng thừng phản đối chính sách của chính phủ. Li Yougen, một công nhân đã nghỉ hưu, thừa nhận rằng những tuyên bố và hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông là vô lý.
“Tôi nghĩ điều đó không công bằng. Bạn không thể đơn giản chỉ nói những quần đảo đó là của bạn từ thời xa xưa. Cần phải kể rõ cho những người dân Trung Quốc biết làm thế nào mà những quần đảo đó lại thuộc về chúng ta”, ông Li nói.
Ông cho rằng vấn đề cần phải được giải quyết qua con đường ngoại giao, “Còn không, nó sẽ được giải quyết bằng luật rừng”.
Đài NPR cho biết một công ty Trung Quốc nhiều năm trước đã tiến hành một cuộc khảo sát công khai hiếm hoi về vấn đề Biển Đông. Theo đó, có 57% người ủng hộ việc đàm phán để giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi tỏ ra thận trọng trước những tuyên bố hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp trên Biển Đông với Philippines và Việt Nam.
Người trẻ Trung Quốc tỏ ra thận trọng trước những tuyên bố chủ quyền cũng như thái độ hung hăng của Trung Quốc với các nước ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Andrew Chubb của đại học Tây Úc, người chuyên nghiên cứu các bình luận của người dân Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, cho rằng kết quả cuộc khảo sát này đi ngược với chủ nghĩa dân tộc có xu hướng chiếm ưu thế trên các diễn đàn mạng. Theo ông Chubb, có một đại bộ phận người Trung Quốc không quan tâm đến ý tưởng chiến tranh tại Biển Đông.
Chuyên gia Cheng Li, nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không hề muốn chiến tranh, một phần vì khả năng quân sự của nước này chưa đủ để giành chiến thắng. Trong khi đó, một cuộc chiến tại Biển Đông cũng chẳng được người dân ủng hộ vì hầu hết người Trung Quốc giờ tập trung vào các vấn đề trong nước. Theo ông Li, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chỉ muốn sự ổn định mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.