(TNO) Trong khi Mỹ và các cường quốc trên thế giới đang tìm cách kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân của Iran thông qua các vòng đàm phán, có đến năm quốc gia đối địch tại Trung Đông đã có kế hoạch cho chương trình hạt nhân của riêng mình.
Phái đoàn đàm phán Iran do Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif (giữa, đeo kiếng) đang trao đổi sau phiên thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Thụy Sĩ hồi hôm 19.3 - Ảnh: AFP
|
Trong bài viết đăng tải ngày 23.3, tạp chí TIME (Mỹ) cho biết một trong những lý do lớn nhất lý giải vì sao Mỹ phải cố đạt được thảo thuận về hạt nhân với Iran là vì một trái bom hạt nhân của Tehran sẽ làm bùng lên một cuộc chạy đua hạt nhân ở Trung Đông.
“Trong khi các vòng đàm phán vẫn đang diễn ra ở Thụy Sĩ, các quốc gia đối địch với Tehran trong vùng đã âm thầm cụ thể hóa tham vọng hạt nhân của riêng mình”, TIME bình luận.
Ai Cập vào tháng 2 đã thông báo sẽ thuê Nga xây một lò phản ứng hạt nhân gần thành phố Alexandria, miền bắc Ai Cập, tạp chí Mỹ cho hay.
|
Ngoại trừ Israel, quốc gia chưa bao giờ thừa nhận có sở hữu vũ khí hạt nhân, không có quốc gia Trung Đông nào ngoài Iran có chương trình hạt nhân - dù là cho mục đích hòa bình hay mục đích gì khác - cho đến khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bắt đầu xây một lò phản ứng hạt nhân vào tháng 7.2012, theo TIME.
Theo thống kê của TIME, danh sách các nước sở hữu năng lượng hạt nhân tại Trung Đông hiện tại gồm có Iran, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Ả Rập Xê Út. Hồi năm 2014, Ả Rập Xê Út công bố kế hoạch xây 16 nhà máy điện hạt nhân trong 20 năm tới.
“Không chỉ vì năng lượng hạt nhân được xem như là bước đầu hướng tới lựa chọn về vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, còn có yếu tố về danh tiếng - đó là bắt kịp với các nước láng giềng”, TIME dẫn lời ông Mark Fitzpatrick, cựu chuyên gia hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Fitzpatrick đang điều hành chương trình giải trừ và hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London.
TIME bình luận ngoài Iran, những quốc gia Trung Đông nói trên có thể có những lý do hợp pháp để đầu tư vào năng lượng hạt nhân.
Chẳng hạn như Jordan gần như không có dầu dạng lỏng và hầu như không có nước để làm thủy điện. Ả Rập Xê Út và UAE sở hữu một trữ lượng dầu thô khổng lồ, nhưng đang có nguy cơ bị tổn thất về doanh số xuất khẩu dầu thô vì 2 nước này phải đốt dầu để tạo điện, nên đã quyết định đầu tư vào năng lượng hạt nhân.
Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù rất có tiềm năng về thủy điện, nhưng nước này vẫn đang phải nhập khẩu dầu và khí đốt.
“Tuy nhiên, tất cả những lý do nói trên đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Cái thay đổi trong những năm gần đây là năng lực hạt nhân của Iran, một quốc gia Hồi giáo dòng Shiite mà lãnh đạo các nước Hồi giáo dòng Sunni trong khu vực luôn xem là một mối đe dọa lớn”, tạp chí TIME cho hay.
Vua Abdullah II của Jordan từng có lời cảnh báo nổi tiếng về tình trạng “trăng lưỡi liềm Shiite”, ám chỉ ảnh hưởng của Iran lan sang một khu vực trải dài từ Địa Trung Hải đến Vùng Vịnh.
Ả Rập Xê Út cũng đã tuyên bố công khai rằng họ sẽ có vũ khí hạt nhân nếu Iran sở hữu loại vũ khí này.
Cơ sở hạt nhân Bushehr của Iran - Ảnh: Reuters
|
Iran và 6 cường quốc thế giới - gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức - đang đàm phán về một thỏa thuận, theo đó Iran sẽ giảm bớt quy mô của chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này nhằm đổi lấy sự gỡ bỏ các lệnh cấm vận từ phương Tây.
TIME nhận định cuộc đàm phán đang diễn ra tại Thụy Sĩ không chỉ là để ngăn cản Iran sở hữu bom hạt nhân mà còn nhằm thuyết phục các quốc gia láng giềng của Iran rằng lựa chọn hạt nhân sẽ không được bàn thêm nữa.
Giới phân tích ngoại giao bình luận nếu cuộc đàm phán kết thúc với một thỏa thuận trông có vẻ là một thắng lợi cho Iran, các quốc gia lân cận với nước này sẽ tăng tốc chương trình phát triển hạt nhân của mình.
“Nếu hiệp ước đạt được không đủ vững chắc, các quốc gia trong vùng sẽ nói rằng nó không đủ nghiêm túc, nên chúng tôi cũng sẽ chế tạo vũ khí hạt nhân”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói với đài phát thanh Europe 1 vào ngày 21.3.
Bình luận (0)