Bài báo lưu ý rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 16.12.2024 đã không loại trừ khả năng sẽ rút lại quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Trump cho rằng đó là quyết định rất tồi tệ.
Theo các quan chức NATO, cho đến nay, tên lửa đã phát huy hiệu quả trong một số trường hợp nhưng không làm thay đổi cục diện cuộc chiến.
Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, cho biết các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Nga bằng tên lửa ATACMS đã làm hư hại nghiêm trọng một số nhà máy sản xuất vũ khí và kho đạn dược ở Nga. Ông cho rằng điều này buộc Nga phải di chuyển nhiều cơ sở hậu cần ra xa mặt trận nhất có thể, hậu quả là ảnh hưởng đến khả năng tiến quân.
Báo The New York Times cho rằng những gì đã xảy ra với ATACMS cũng tương tự kết quả với các loại vũ khí phương Tây khác mà Ukraine đã nhận được từ phương Tây. Những bổ sung này dù mạnh mẽ nhưng không làm thay đổi cục diện chiến trường vì ở thời điểm tiếp nhận, Ukraine đã tổn thất nhiều lãnh thổ hơn.
Các quan chức phương Tây cũng phát biểu rằng Ukraine “phụ thuộc quá nhiều” vào sự hỗ trợ của phương Tây nhưng chưa có đủ nỗ lực tự thân, đặc biệt là về việc huy động quân.
Các quan chức Mỹ cho biết vào mùa xuân năm 2024, chính quyền ông Joe Biden đã gửi cho Ukraine khoảng 500 tên lửa ATACMS lấy từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc. Ở thời điểm đó, Mỹ chưa bật đèn xanh để Ukraine dùng ATACMS tấn công sâu vào đất Nga. Tuy nhiên lực lượng Kyiv đã sử dụng hiệu quả loại vũ khí này để tấn công các kho vũ khí, sở chỉ huy và các mục tiêu khác tại các vùng lãnh thổ Nga giành được kiểm soát.
Hai quan chức Mỹ cho biết đến ngày 17.11, khi Ukraine được phép tấn công các mục tiêu của Nga bằng vũ khí phương Tây, nước này chỉ còn lại khoảng 50 tên lửa ATACMS. Theo các quan chức, Ukraine “không có cơ hội nhận được nhiều hơn”.
Bộ Quốc phòng Nga báo cáo đã xảy ra ít nhất là 6 cuộc tấn công bằng tên lửa sử dụng ít nhất 31 tên lửa ATACMS và 14 tên lửa Storm Shadow. Cả Mỹ và Ukraine đều không bác bỏ những báo cáo này.
Các quan chức Mỹ cho biết, bất chấp những lời đe dọa công khai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng hành động thận trọng để đáp trả các hoạt động của Ukraine. Phía Mỹ tin rằng Moscow có thể sẽ tránh đáp trả các cuộc tấn công của ATACMS đến mức độ có thể kéo Washington vào cuộc chiến hoặc đặt chính quyền mới của ông Trump vào thế khó.
Giới chức Mỹ cũng nói thêm rằng Moscow có thể gia tăng các cuộc tấn công mạng hoặc hoạt động phá hoại ở châu Âu, nhưng khó có khả năng nhắm trực tiếp vào lợi ích của Mỹ.
Theo một số nhà phân tích, Ukraine đã giảm sử dụng tên lửa của Mỹ vì ban đầu họ nhắm vào các mục tiêu Nga mà Kyiv đã đặt vào tầm ngắm từ lâu. Giờ đây, với số lượng tên lửa có sẵn ít hơn, Ukraine đang sử dụng một cách thận trọng hơn.
Bình luận (0)