Như vậy, sau 14 tháng phát động, cuộc thi truyện ngắn "Người lao động hôm nay năm 2018 – 2019" do Báo Người Lao động tổ chức, nhằm tôn vinh hình tượng người lao động, cổ vũ tình yêu nghề, trí sáng tạo, lòng nhân ái, góp phần làm phong phú và đa dạng thêm đời sống văn học đã thành công tốt đẹp.
|
Hơi thở cuộc sống từ những truyện ngắn
GS.TS Huỳnh Như Phương, đại diện ban giám khảo nhận xét: “Đọc những tác phẩm có thể nhận thấy hơi thở cuộc sống từ những truyện ngắn này dường như cũng hấp thu chất thời sự nóng hổi của báo chí: sự suy thoái của môi trường sinh thái, nỗi bất trắc từ những dự án thu hồi đất, nạn cờ bạc, nạn làm bằng giả… rồi được truyền thêm chất văn chương vào các dòng chữ in. Thật sự là không có gì lỗi nhịp với đời sống trong những truyện ngắn được tuyển chọn. Người đọc cũng điềm tĩnh hơn trong nhận thức và lý giải nguồn cơn của thực tế đó. Bóng tối đáng sợ nhất không phải là bóng tối của xã hội mà là bóng tối trong lòng người…”.
|
|
Tác phẩm "Dưới ánh sáng thiên đường" của nhà báo Trịnh Thị Phương Trà (Báo Phú Yên) giành giải nhất là sự khắc họa hình ảnh người thầy thuốc nhân hậu đã chạy đua với thời gian để làm hồi sinh những trái tim đang kiệt sức. Sử dụng khéo léo một số từ ngữ chuyên môn, dồn nén thời gian trong không gian nhỏ hẹp của phòng mổ, tác phẩm đánh thức sự đồng cảm với những lương y giàu lòng hy sinh trong bối cảnh xã hội đang có biểu hiện sa sút về y đức. Để rồi cuối cùng chợt nhận ra những phù hoa nhào nhoáng trong đời sống, những danh vọng và sự nổi tiếng mà nhiều người sục sôi tìm kiếm thật ra nhỏ bé và tầm thường biết bao.
Cùng niềm vui với truyện ngắn của Trịnh Thị Phương Trà, tác phẩm "Mùa đông đã về" của tác giả Nguyễn Lê Vân Khánh (Đà Nẵng) không đề cập trực diện đến lao động nghề nghiệp nhưng bày tỏ một cách ứng xử của con người với đời sống, cuối cùng đi tìm sự bình an của tâm hồn qua công việc yêu thích nơi một quán nhỏ miền quê xa, nhận được giải nhì (20 triệu đồng).
Nếu truyện ngắn "Bốn cái vỏ xe" của tác giả Đặng Chương Ngạn (TP HCM) cài đặt những chi tiết trong một cấu trúc chặt chẽ dẫn đến kết thúc đau đớn thì "Phỏng vấn" đồng giả ba (12 triệu đồng/giải) của tác giả Kiều Bích Hương (Hà Nội) lại đặt ra vấn đề lòng trung thực và năng lực. Thì ra ở đâu trên trái đất này, người lao động yêu nghề cũng xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm mà thành đạt cả.
Ngoài ra, năm tác phẩm đoạt giải khuyến khích (7 triệu đồng/giải) cũng được trao cho "Cuộc gặp" của Trúc Thiên (TP.HCM), "Phượng" của Dương Bình Nguyên (TP.HCM), "Mình sẽ đi đâu?" của Lê Quang Trạng (An Giang), "Chiếc muỗng" của Huỳnh Trọng Khang (TP.HCM) và "Trước giờ đi thật xa" của Khánh Liên (Ninh Thuận).
|
|
|
Nhân dịp này, Báo Người Lao động cũng trao giải Nét đẹp lao động cho các tác phẩm ảnh: "Đồng muối Cần Giờ" (Nguyễn Ngọc Hải) giải nhì (không có giải nhất), Niềm vui của bà (Nguyễn Ngọc Luân) và Cuộc chiến không khoan nhượng (Lư Thế Phương) giải ba. Các giải khuyến khích thuộc về các tác phẩm: Phơi chân hương (Nguyễn Quốc Huy), Truyền nghề (Phan Thị Khánh), Nụ cười (Đặng Hồng Long), Nhuộm lác (Vũ Hiếu Minh) và Khơi sáng cho công nghệ (Nguyễn Lâm Triều).
Bình luận (0)