(Tin Nóng) Việt Nam đang quan tâm việc mua lại các máy bay tuần biển và săn ngầm P-3C Orion của Nhật Bản đã qua sử dụng, theo báo Nikkei Asian Review ngày 26.6.
Một máy bay tuần biển và săn ngầm P-3C Orion của Nhật Bản - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Việt Nam đang gia tăng củng cố năng lực phòng thủ, nhất là mới đây Mỹ đã chính thức bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất là giá vũ khí Mỹ rất đắt, và Việt Nam đng tìm kiếm khả năng thay thế vũ khí Mỹ bằng cách tìm mua các máy bay tuần biển và săn ngầm đã qua sử dụng của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF), theo Nikkei Asian Review.
Lâu nay Việt Nam quan tâm các máy bay tuần biển và săn ngầm để nâng cao khả năng phòng thủ biển, và các chuyên gia nghĩ rằng Việt Nam sẽ mua máy bay loại P-3C Orion sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ được bãi bỏ. Tuy nhiên Nhật Bản đang nổi lên như một nhà cung cấp tiềm năng.
Theo một quan chức Nhật Bản, hồi đầu năm 2016, Hải quân Việt Nam đã đề nghị không chính thức về việc mua lại các máy bay P-3C Orion đã nghỉ hưu của Nhật Bản.
Máy bay P-3C Orion của Nhật Bản bay tuần tra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters |
Máy bay P-3C Nhật Bản do tập đoàn Kawasaki Heavy Industries sản xuất theo giấy phép của Lockheed Martin (nhà sản xuất P-3 Orion). P-3C Nhật Bản có khả năng trinh sát tìm kiếm lớn và khả năng dò tìm tàu ngầm tốt, theo Nikkei. Hiện MSDF được cho là đang sở hữu 80 máy bay loại này.
Năng lực về tàu ngầm và chống ngầm của Việt Nam còn hạn chế khi chỉ có 6 tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga, so với Trung Quốc có đến ít nhất 70 chiếc. Việc có thêm một phi đội máy bay tuần tra biển sẽ giúp củng cố và tăng khả năng chống ngầm của Việt Nam.
Khu trục hạm Nhật Bản thăm Cam Ranh, tháng 5.2016 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản |
Hồi đầu tháng 6, hãng tin Reuters cho hay Việt Nam dự kiến đề nghị Lockheed Martin báo giá và thông tin cho đơn hàng khoảng 4 - 6 máy bay tuần biển P-3 Orion. Một chiếc P-3 mới toanh có giá ít nhất 80 triệu USD, và Việt Nam chỉ có khả năng mua được 1 chiếc trong hiện tại.
Tuy nhiên tiền bạc không phải là lý do chính khiến Việt Nam quay sang tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế từ Nhật Bản. Đầu tiên là Nhật Bản có nhiều máy bay P-3C có thể chuyển giao ngay, vì nước này đang chuyển sang dùng máy bay thay thế là loại P-1 (lớn hơn, dùng động cơ phản lực thay vì cánh quạt phản lực) từ năm 2013.
Máy bay P-3C Orion của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng tháng 2.2016 - Ảnh từ clip đài NHK |
Ngoài ra Việt Nam cũng hy vọng được Nhật hỗ trợ huấn luyện kèm với máy bay. Ví dụ phi công P-3C phải có khả năng nhận ra tàu ngầm của địch trong số các tàu khác nhờ vào âm thanh của chân vịt phát ra dưới lòng biển, và phi công của MSDF được cho là khá xuất sắc trong lĩnh vực này. Việt Nam dự kiến sẽ học hỏi kỹ năng này nhanh hơn từ Nhật Bản do hai nước có mối quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi.
P-1 Kawasaki, máy bay thay thế loại P-3C Orion mà Nhật Bản đang sử dụng - Ảnh: Wikipedia |
Thêm nữa, Việt Nam còn có thể nâng cao kỹ năng qua các cuộc thao diễn chung với MSDF. Các máy bay P-3C của Nhật Bản những năm gần đây thường bay đến thăm Đà Nẵng, và năm 2016 này hai bên còn tổ chức diễn tập chung về tìm kiếm và cứu hộ bằng P-3C. Với việc này, MSDF có cơ hội thực hiện công tác về nhân đạo, còn phía Việt Nam có thêm kinh nghiệm huấn luyện với máy bay P-3C.
Bình luận (0)