TNO

Bao nhiêu hãng đang dùng máy bay A350-900

24/04/2016 10:54 GMT+7

(Tin Nóng) Vietnam Airlines dự kiến bán 3 siêu máy bay A350 đã có lịch giao trong năm 2016 - 2017, đồng thời thuê lại chính 3 máy bay A350 trên. Ngoài hãng bay của Việt Nam, thế giới có bao nhiêu hãng hàng không đang sở hữu loại siêu máy bay này?

(Tin Nóng) Vietnam Airlines dự kiến bán 3 siêu máy bay A350 đã có lịch giao trong năm 2016 - 2017, đồng thời thuê lại chính 3 máy bay A350 trên. Ngoài hãng bay của Việt Nam, thế giới có bao nhiêu hãng hàng không đang sở hữu loại siêu máy bay này?

A350-900 của Vietnam Airlines - Ảnh: Airbus

Các hãng nào đang khai thác A350-900?

Gần ngày lễ Giáng sinh 2014, Qatar Airways trở thành hãng bay đầu tiên trên thế giới nhận máy bay mới A 350-900 về khai thác thương mại. Hơn nửa năm sau, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên của châu Á và là hãng thứ hai trên thế giới khai thác dòng máy bay hiện đại này khi nhận chiếc A350-900 đầu tiên vào cuối tháng 6.2015, dự kiến sẽ bán và thuê lại chính máy bay này.

Trong những tháng sau đó của năm 2015 đã có thêm Finnair của Phần Lan và TAM Airlines của Brazil nhận A350-900.

Đầu tháng 3.2016, Singapore Airlines trở thành hãng hàng không thứ 5 trên thế giới  có máy bay A350-900. Còn tính đến trung tuần tháng 4.2016, nhà sản xuất Airbus đã giao máy bay thân rất rộng này cho 5 khách hàng, gồm Qatar Airways 7 chiếc;  Vietnam Airlines 4 chiếc (hiện sử dụng ở các đường bay TP.HCM-Paris; Hà Nội-Seoul; Hà Nội-Paris; TP.HCM-Thượng Hải); Finnair 4 chiếc; TAM Airlines 4 chiếc và Singapore Airlines 1 chiếc.

Đây là loại máy bay hoàn toàn mới, có tầm hoạt động xa (hai động cơ phản lực) và rất tiết kiệm nhiên liệu. Nhờ thân được tạo bằng loại vật liệu chắc bền là sợi carbon tổng hợp rất nhẹ nên máy bay giảm mức tiêu thụ nhiên liệu được đến 25% so với các loại máy bay thân rộng khác hiện nay. Hơn thế, với chiều ngang rộng hơn, trần cao, cửa sổ rộng lớn; hệ thống lọc không khí tiên tiến cung cấp nguồn khí tươi mát cứ mỗi 3 phút kèm với hệ thống đèn LED có thể thay đổi hàng triệu dạng màu sắc đậm, lợt khác nhau, A350-900 còn gíup hành khách khỏi bị mệt mỏi, giảm jet-lag sau chuyến bay xa kéo dài hơn chục tiếng đồng hồ.

A350-900 của Singapore Airlines

Ngoài Qatar Airways thì Singapore Airlines chính là hãng hàng không châu Á sẽ sử dụng nhiều máy bay A350 nhất, tổng cộng 67 chiếc thuộc ba phiên bản. Chiếc A350-900 mà hãng này mới nhận về hồi đầu tháng 3 và đang thực hiện những chuyến bay thương mại dành cho phi hành đoàn làm quen với máy bay mới ở một số tuyến bay khu vực Đông Nam Á thuộc phiên bản thứ nhất với 253 ghế (gồm 42 ghế-giường ở hạng thương gia theo thiết kế 1-2-1 ghế/hàng; 24 ghế hạng phổ thông đặc biệt theo thiết kế 2-4-2 ghế/hàng và 187 ghế hạng phổ thông theo thiết kế 3-3-3 ghế/hàng). Tất cả ghế ở ba hạng đều là những kiểu ghế mới được hãng triển khai thời gian gần đây trên các chiếc bay tầm xa B777-300ER.

Phiên bản thứ hai gồm khoảng 30 chiếc A350-900 sử dụng ở những đường bay khu vực dưới 8 tiếng với số ghế hạng thương gia ít hơn nhưng nhiều ghế hơn ở hạng phổ thông. Những chiếc này sẽ thay thế đội máy bay A330-300 hiện nay. Phiên bản thứ ba là 7 chiếc A350-900 ULR (tắt của Ultra long range, có tầm hoạt động đến 16.000 km) với thiết kế chỗ dự kiến khoảng 170 ghế, chủ yếu hạng thương gia mà hãng bay Singapore đã đặt mua để có thể tái khai thác những đường bay non-stop dài nhất thế giới, từ sân bay Changi đến New York, kéo dài 19 tiếng và Singapore-Los Angeles.

Nhưng các chuyến bay cực xa, cực dài ấy sẽ chỉ diễn ra từ năm 2018 trở đi, còn từ ngày 9.5.2016 tới, Singapore Airlines sẽ dùng máy bay mới A350-900 nối Singapore với Amsterdam, một hành trình bay dài 13 tiếng và đến ngày 21.7.2016 thì khai trương đường bay non-stop mới từ Changi đến Dusseldorf, tần suất 3 chuyến/tuần. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Hãng hàng không 5 sao này sẽ nhận về 11 chiếc A350-900. 

Thêm ba nhà khai thác máy bay mới

Từ nay đến cuối năm 2016 sẽ có ba hãng hàng không châu Á nhận A350-900 về khai thác. Nếu nhà sản xuất loại ghế hạng thương gia Zodiac Aerospace kịp giao hàng thì vào khoảng đầu tháng 6.2016 Cathay Pacific sẽ là hãng bay thứ 6 khai thác loại máy bay này.

Theo những thông tin công bố  trên AirlineRoute, những chuyến bay có chở khách và dành cho tiếp viên làm quen với máy bay mới sẽ được sử dụng ở các đường bay từ Hồng Kông đi Manila, Đài Bắc, Bangkok và TP. Hồ Chí Minh trước khi Cathay Pacific đưa A350-900 bay thương mại đến London (sân bay Gatwick) và Dusseldorf vào tháng 9.2016. Cathay Pacific đã đặt mua 22 chiếc A350-900 với thiết kế chỗ cho 38 ghế hạng thương gia; 28 ghế hạng phổ thông đặc biệt và 214 ghế hạng phổ thông. Ngoài ra hãng cũng mua 26 chiếc phiên bản A350-1000.

A 350-900 đầu tiên của Thai Airways ra khỏi xưởng sơn, nhà máy Airbus, Toulouse - Ảnh:  Airbus

Kế đến là Thai Airways International (THAI) với kế hoạch sử dụng ở đường bay truyền thống nối Bangkok với Melbourne kể từ tháng 7.2016 (hiện nay, mỗi ngày THAI cung ứng hai chuyến bay ở tuyến bay xa này, khai thác bằng loại Boeing 777). THAI đã đặt mua và thuê tổng cộng 12 chiếc loại này.

Và cũng trong tháng 7.2016 đến lượt China Airlines của Đài Loan nhận máy bay mới. Hãng bay này cho biết từ tháng 12 năm nay sẽ sử dụng A350-900 ở các đường bay nối Đài Bắc với Amsterdam, Hà Lan (4 chuyến/tuần), Rome, Ý (2 chuyến/tuần) và Vienne, Áo (3 chuyến/tuần). China Airlines quảng cáo rằng cabin trong các chiếc A350-900 của mình sẽ hội đủ những yếu tố phù hợp với năm giác quan mà tạo nên cho hành khách một trải nghiệm bay trong “Phong thái châu Âu”, từ hương thơm trong cabin đến hương vị ẩm thực.

Tháng 7.2016, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, hãng TAM bắt đầu dùng A350-900 ở đường bay kết nối Sao Paulo với thành phố New York.

Airbus dự kiến năm 2016 bàn giao 50 chiếc A350-900 cho các hãng khách hàng. Sang tháng 1.2017 sẽ đến lượt hãng Lufthansa nhận loại máy bay mới này với thiết kế chỗ 48 ghế hạng thương gia; 21 ghế phổ thông đặc biệt và 224 ghế phổ thông. Hãng hàng không Đức cho biết sẽ sử dụng sân bay quốc tế Munich làm căn cứ chính của đội A350-900 và tuyến bay Munich-Delhi sẽ là đường bay xa đầu tiên của hãng sử dụng máy bay này, thay cho các chiếc bốn động cơ A340-600 đã đến lúc nghỉ hưu. Sau đó Lufthansa dùng A350-900 bay đến Boston.

Sẽ có A350-900 cực mạnh

Airbus gần đây cho biết sẽ thỏa mãn nhu cầu sử dụng những chiếc A350-900 cực mạnh của những khách hàng có nhu cầu đặc biệt. Cụ thể là từ năm 2020 Airbus có thể giao chiếc A350 XWB có trọng lượng tối đa 280 tấn lúc cất cánh (MTOW), tức 12 tấn nhiều hơn phiên bản A350-900 đang bay với một số hãng.

Phiên bản 280 tấn sẽ được trang bị hai động cơ Rolls-Royce Trent XWB-84 có thay đổi vài chi tiết. Nếu thiết kế chỗ cho 325 hành khách ở ba hạng ghế, phiên bản này có thể bay xa thêm 500 dặm. Hiện nay Airbus đã phát triển phiên bản A350-900 có MTOW 278 tấn dành cho Philippine Airlines sử dụng ở các đường bay xuyên Thái Bình Dương đến Mỹ.

Ghế hạng thương gia trong A350-900 của Qatar Airways - Ảnh: Airliners.Net

Bắt đầu lắp ráp A350-1000

Trung tuần tháng 2.2016, Airbus đã bắt đầu chương trình lắp ráp phiên bản mới của dòng 350 XWB. Đó là kiểu A350-1000 cũng trang bị hai động cơ Rolls-Royce Trent XWB nhưng có chiều dài toàn thân lên đến 74 m. Nếu thiết kế theo chuẩn bình thường thì chiếc A350-1000 có chỗ cho 366 hành khách, tầm hoạt động 8.000 dặm và đặc biệt là có thể chở đến 21 tấn hàng hòa bay chặng đường dài, chẳng hạn từ Hồng Kông đến Los Angeles.

Theo lịch sản xuất thì chiếc A350-1000 thứ nhất sẽ cất cánh bay thử trước khi năm 2016 kết thúc với mục tiêu giao hàng kể từ giữa năm 2017. Tính đến nay đã có 10 hãng đặt mua chính thức 181 chiếc A350-1000, đáng kể là Qatar Airways (37 chiếc), Cathay Pacific (26 chiếc), Etihad Airways (22 chiếc), Japan Airlines (13 chiếc), Asiana Airlines (10 chiếc)... Rất có thể Vietnam Airlines cũng sẽ là khách hàng đặt mua phiên bản máy bay thân rất rộng và rất dài này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.