Thông qua cuộc thi, Báo Phụ nữ TP.HCM và CLB Doanh nhân Sài Gòn mong muốn lan tỏa truyền thống hiếu đạo trong gia đình, lòng trung hiếu đối với đất nước cùng văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng, để thế hệ trẻ học hỏi và áp dụng trong chính cuộc sống của mình, từ đó góp phần phát triển nền tảng văn hóa hiếu đạo và xây dựng hạnh phúc gia đình. Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 - 13.10.2024).
Cuộc thi nhằm tôn vinh vị trí, vai trò quan trọng của doanh nhân trong xã hội, không chỉ giỏi kinh doanh, đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước, mà còn biết trân trọng giá trị gia đình, đặc biệt là với bậc sinh thành và người thân.
Bà Lý Việt Trung, Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM cho hay, trong cuộc đời mỗi doanh nhân, lòng hiếu thảo với gia đình và lòng trung hiếu với đất nước là hai giá trị song hành và tương hỗ lẫn nhau. Lòng hiếu thảo là nền tảng của đạo đức, thúc đẩy doanh nhân luôn hướng về cội nguồn, tri ân công lao của cha mẹ, và dùng tình yêu thương làm kim chỉ nam trong mọi quyết định.
"Từ lòng hiếu thảo ấy, doanh nhân nhận ra rằng trách nhiệm không chỉ dừng lại ở gia đình, mà còn mở rộng ra xã hội và đất nước. Lòng trung hiếu đối với quốc gia chính là sự cam kết cống hiến hết mình để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Khi doanh nhân kết hợp được hai giá trị này, họ không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần xây dựng một đất nước thịnh vượng, công bằng và bền vững", bà Trung nói.
Tiến sĩ Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn chia sẻ, lâu nay, các doanh nhân thường chỉ được nhìn thấy ở góc độ kinh doanh.
"Mỗi doanh nhân cũng đều có gia đình và sẽ có những câu chuyện khác nhau. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nhân mải mê kinh doanh, ít có thời gian dành cho gia đình, chia sẻ với người bạn đời, chăm sóc và nuôi dạy con nên người, đặc biệt là dành thời gian ở bên cạnh các bậc sinh thành. Vì thế, thông qua cuộc thi viết Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình, chúng tôi mong muốn cùng với Báo Phụ nữ TP.HCM lan tỏa giá trị của gia đình", ông Vũ cho biết.
Thông qua những câu chuyện về lối sống tốt đẹp của người doanh nhân không chỉ biết hoặc giỏi kinh doanh, mà còn biết trân trọng giá trị gia đình, đặc biệt là với bậc sinh thành, với người thân và biết chia sẻ, gánh vác trách nhiệm xã hội, tạo ra nếp sống tốt đẹp. Khi người doanh nhân biết xây dựng văn hóa trân trọng gia đình ngay tại doanh nghiệp, sẽ chính là tấm gương để người lao động noi theo, đồng thời góp phần phát triển nền tảng văn hóa hiếu đạo và hạnh phúc trong cộng đồng.
Thể lệ cuộc thi
Ban tổ chức cuộc thi bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động 15.11.2024 - 15.5.2025. Thời gian tổng kết và trao giải cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra vào Ngày gia đình Việt Nam năm 2025 (28.6.2025). Bài dự thi gửi về địa chỉ email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn (điện thoại 0966182727).
Mọi công dân Việt Nam sinh sống ở Việt Nam và nước ngoài, kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài hoặc tạm trú để kinh doanh, làm việc tại Việt Nam đều được tham gia cuộc thi.
Nội dung các bài viết tham dự cuộc thi viết Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và các quốc gia khác.
Bài viết thể hiện lối sống của người doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình giúp người doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.
Tác phẩm dự thi là những bài viết chưa từng tham gia tại các cuộc thi khác, các bài chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác.
Mỗi tác phẩm dự thi từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt, có ngôn ngữ trong sáng, phù hợp thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung bài viết (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả của ảnh minh họa).
Ban tổ chức không giới hạn số lượng tác phẩm dự thi của các tác giả. Tác phẩm dự thi phải ghi rõ thông tin cá nhân gồm: Họ và tên tác giả, giới tính, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi công tác, số điện thoại, căn cước công dân của tác giả và thông tin liên hệ của nhân vật được nêu trong bài viết dự thi gồm: họ và tên nhân vật, chức danh của nhân vật tại doanh nghiệp (nếu đang hoạt động), thông tin liên hệ (số điện thoại, email).
Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.
Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi gồm 1 giải đặc biệt (20 triệu đồng); 1 giải nhất (15 triệu đồng); 2 giải nhì (10 triệu đồng/giải); 3 giải ba (5 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (1 triệu đồng/giải).
Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được tặng giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi. Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).
Bình luận (0)