Bão qua, ta sửa lại nhà…

15/10/2013 20:53 GMT+7

(TNO) Miền Trung cứ vào tháng 9 hằng năm là người dân bắt đầu chống chọi với bão lũ. Những con số thống kê về thiệt hại cứ dồn dập từ cơ sở lên tới tỉnh, trung ương.

(TNO) Miền Trung cứ vào tháng 9 hằng năm là người dân bắt đầu chống chọi với bão lũ. Những con số thống kê về thiệt hại cứ dồn dập từ cơ sở lên tới tỉnh, trung ương. Tuy nhiên không vì rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo mà ai cũng quỵ ngã, nản lòng.

Ở xã Lộc Vĩnh, vùng đất thuộc H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) bị cơn bão số 11 tàn phá nặng nề. Ngay sau khi cơn bão giảm độ hung hãn, một trong những người chúng tôi gặp đầu tiên là dì Lê Thị Duyên (62 tuổi, ở thôn Bình An 2). Nhà dì Duyên nằm ở khu vực đầu sóng ngọn gió, lại là nhà bán kiên cố. Cùng với cả thôn Bình An 2, năm 2006 nhà dì cũng bị quất tả tơi bởi cơn bão Xangsane. Nhưng rồi xong, dì và chồng con dựng lại nhà, lợp từng mái lợp.


Nhiều người dân chủ động lợp lại ngôi nhà của mình đã bị cơn bão số 11 tàn phá

Còn lần này thì quả thật oái ăm. Ngôi nhà dì Duyên bị hất văng mái lợp, cửa ngõ xiêu vẹo, phên vách rung rinh…, trong khi người chồng bị tai biến nằm một chỗ mấy năm nay.

“Biết làm răng chừ, mình tự cứu lấy mình trước. Còn nước còn tát mà”, vừa đi gom những tấm lợp bị hất văng để tái sử dụng, dì Duyên vừa nói.

Người lớn có sự can trường của người lớn, người trẻ có sự can trường của chất trẻ. Cũng ở trong cái thôn nghèo Bình An 2 ấy, tôi gặp lại anh Trần Đình Hải (35 tuổi), người đã từng có nhà bị đánh sập bởi bão Xangsane năm 2006.

Hải là đảng viên, Thôn đội trưởng phụ trách công tác đoàn của thôn nhiều năm nay.

Nhà Hải bị cơn bão số 11 làm tốc mái hoàn toàn, đi tránh bão trở về thì nhà không thể ở nên vợ con phải gửi sang nhà hàng xóm. Ấy thế mà anh vẫn tất bật đi giúp những gia đình khác trong thôn, từ việc sơ tán tránh bão đến việc chằng chống lại nhà cửa sau bão.

Trò chuyện với anh, cái chất tươi trẻ, nhiệt huyết vẫn còn như cách đây 4 năm khi anh cùng ba thanh niên khác tham gia cứu sống bốn thầy trò ở ĐH Huế gặp nạn trên biển.

Sau nghĩa cử cứu người gặp nạn, Hải đã được Trung ương Đoàn tặng bằng khen…

Khi tôi hỏi Hải định làm gì với ngôi nhà của mình hiện tại để vợ con sớm trở về, Hải cười tự tin: “Mình tự khắc phục thôi, mình có bản lĩnh của người đàn ông, của tuổi trẻ. Có hay không việc trợ giúp của xã hội, nhà nước thì mình chưa nghĩ tới. Tất nhiên nếu có sự hỗ trợ quan tâm là điều rất quý. Nhưng mình luôn tự lực để giải quyết cuộc sống, đối phó với những rủi ro”.

Trên đường trở về TP.Huế, chúng tôi còn gặp nhiều người bắt tay vào việc lợp lại mái nhà ngay sau khi bão qua. Có người thì căng tấm bạt che tạm, có người đi nhặt từng tấm tôn để lợp lại nhà.

Ở ngay phía bắc chân đèo Phước Tượng, chúng tôi dừng lại quan sát khá lâu trước ngôi nhà anh Võ Văn Quốc (30 tuổi, ở thôn Trung Phước, xã Lộc Trì). Ngôi nhà cấp 4 vừa mới xây năm ngoái nay bị bão hất văng toàn bộ tấm lợp. Dưới nền nhà, phía sau chái những tấm lợp fibro xi măng văng tứ tung, vỡ vụn.

Ngày ngày anh Quốc đi phụ thợ nề, chị Đặng Thị Mười vợ anh ở nhà vá xăm, thay xăm xe máy cho khách.

Tằn tiện hai vợ chồng xây được ngôi nhà nhỏ gần chân đèo nhưng lại bị bão đánh tả tơi. Hỏi chuyện khắc phục nhà cửa sau bão, cũng chất giọng rắn rỏi, Quốc tự tin: “Cũng phải lợp ngay lại thôi anh à. Tối nay tạm thời cả nhà sống dưới nhà bếp, sáng mai vợ chồng tui đi mua nợ tấm lợp về lợp lại. E cũng phải 35 tấm, chừng 2 triệu đồng lận đó…”.

Bài, ảnh: Đình Toàn

>> Làm 'đầy tớ cho dân' giữa mùa mưa bão
>> Bão số 11 khiến thí sinh Vietnam Idol vừa thi vừa lo
>> Bão số 11: Nhiều đê kè bị sóng biển đánh sập
>> Sau Xangsane, Đà Nẵng lại tan hoang, xác xơ với bão số 11
>> Bão số 11 càn quét miền Trung: 2 người mất tích, 11 người bị thương
>> Đà Nẵng tan hoang sau khi bão số 11 quét qua

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.