Bảo quản nông sản bằng vỏ tôm và trái thanh long

21/01/2018 07:40 GMT+7

Không chất hóa học, hoàn toàn tự nhiên nhưng bảo quản được thực phẩm từ 15 - 20 ngày là những gì mà BIO chitosan có thể làm được.

Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, với mong muốn giải quyết được bài toán bảo quản nông sản đang làm hạn chế tiềm năng xuất khẩu, từ đó tránh được tình trạng phải giải cứu nông sản vào những vụ mùa tại VN.
Mới đây, với những ưu điểm nổi trội, dự án đã giành được giải ba trong cuộc thi Đổi mới sáng tạo sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao 2017 do Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức.
“Cứ đến mùa là chúng ta lại phải chạy vạy với bài toán giải cứu nông sản, trăn trở mãi nên cuối cùng tụi mình nghiên cứu ra chế phẩm sinh học chitosan, giúp bảo quản nông sản hiệu quả hơn”, Trần Lê Anh Khoa (trưởng nhóm) giãi bày.
Theo đó, Khoa đã tận dụng nguồn glucozơ từ trái thanh long để nghiên cứu. Khoa kết hợp giữa trái thanh long và vỏ tôm có sử dụng chủng men để lên men. Sau đó rửa, tách để cho ra chitosan tinh khiết.
Với chế phẩm chitosan này, nông sản có thể được nhúng trực tiếp vào dung dịch đã pha hoặc sử dụng chế độ phun sương. Sau 3 - 5 phút nông sản sẽ khô và tạo lớp màng bọc bảo quản bên ngoài. Chế phẩm này sẽ giúp ngăn sự tiếp xúc giữa trái cây và môi trường, ngăn chặn sự phát triển của các loại bệnh, hạn chế sự thoát hơi nước, giúp thoát khí axetylen nhiều hơn, nhờ đó trái cây được giữ tươi lâu hơn.
“Điều đặc biệt là chế phẩm không chất hóa học và mang tính tự nhiên cao đồng thời còn có khả năng tự phân hủy sinh học trong môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các loại hóa chất bảo quản khác, thông thường sẽ có tác dụng bảo quản do thấm trực tiếp vào trái cây. Còn màng chitosan chỉ là lớp màng bao quanh và không hề thấm vào trái cây nên rất an toàn”, Khoa chia sẻ.
Cũng theo Khoa, tất cả các loại nông sản đều được bảo quản. Tuy nhiên, nông sản có vỏ tương đối hoặc dày sẽ được bảo quản tốt hơn.
Là một trong những dự án xuất phát từ chiến dịch giải cứu nông sản do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm phát động, đến nay Khoa tự hào về những gì mà nhóm đã làm được. Đây là tin vui cho bà con nông dân, đặc biệt là nông dân những vùng chuyên trồng thanh long.
“Sản phẩm của nhóm mình không sử dụng những trái thanh long đạt chuẩn mà sẽ tận dụng nguồn thanh long không đạt chuẩn, thông thường thương lái sẽ không thu mua, khiến các hộ trồng phải mang đổ bỏ. Chính vì thế, dự án của nhóm góp phần hạn chế rủi ro tối thiểu cho người trồng thanh long, tận dụng tối đa nguồn thanh long không đạt chuẩn đồng thời nâng cao giá trị trái xuất khẩu bằng việc tăng thời gian bảo quản những trái đạt chuẩn nhờ chế phẩm chitosan”, Khoa phân tích.
Hiện nhóm đã cho ra sản phẩm nhưng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tối ưu quá trình thu hồi sản phẩm đồng thời nghiên cứu từng loại nồng độ phù hợp cho từng loại nông sản. Bên cạnh đó, nhóm tiếp tục mở rộng nghiên cứu ứng dụng của chế phẩm chitosan cho các lĩnh vực khác như y học, mỹ phẩm và cả phục vụ nghiên cứu khoa học…
Theo nhóm nghiên cứu, chế phẩm này trong y học sẽ là chất chữa bỏng, tái tạo da, xương nhân tạo, trong sinh học là công nghệ mô và nuôi cấy tế bào, còn trong mỹ phẩm sẽ là các sản phẩm làm đẹp tự nhiên an toàn, thân môi trường hay ứng dụng vào phát triển khoa học với công nghệ nano chitosan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.