Do ảnh hưởng của bão số 1, từ đêm 17 - 20.7, ở khu vực Bắc bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 400 mm, cục bộ trên 500 mm. Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, từ 100 - 200 mm, cục bộ trên 300 mm.
Mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa giông vừa qua kết hợp mưa trong những ngày tới khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng cao từ ngày 18.7 ở khu vực Bắc bộ, trong đó nguy cơ cao tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang: Tự cho mình kinh nghiệm sẽ dễ mất cảnh giác với bão số 1
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đã khoanh vùng được vị trí có thể gây sạt lở đất và lũ quét, tuy nhiên vị trí cụ thể thì rất khó dự báo.
"Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 166 vị trí có thể bị lũ quét và sạt lở đất, Lạng Sơn có 114 vị trí, Cao Bằng 54 vị trí, Bắc Kạn 307 vị trí, Hà Giang 88 vị trí, Tuyên Quang 92 vị trí, Lào Cai 207 vị trí và Yên Bái 335 vị trí", ông Khiêm thông tin.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, khi gặp lũ quét và sạt lở đất, người dân cần chạy thật nhanh ra khỏi khu nguy hiểm, đến các vị trí cao hơn. Tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, không được lội qua sông, suối, ngầm, đập tràn, những khu vực bị ngập, không đi qua cầu cống khi nước chảy mạnh; thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi thấy dấu hiệu về lũ quét.
Bên cạnh đó, người dân cần luôn luôn cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét (mưa lớn kéo dài), kể cả ban đêm; thường xuyên theo dõi cảnh báo mưa, lũ quét; sẵn sàng sơ tán theo phương án của chính quyền bởi tính mạng là quan trọng nhất.
Người dân không đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông khi có mưa lớn hoặc thấy dấu hiệu bất thường như nước chuyển từ trong sang đục dần.
KHẨN CẤP: Bão số 1 (bão Talim) đã vào vịnh Bắc Bộ, gió giật cấp 14
Về lâu dài, người dân không nên xây nhà tại những nơi thường có lũ xảy ra, nơi gần dòng chảy, có độ dốc cao, tìm hiểu nơi mình ở xem đã xảy ra sạt lở đất chưa, di dời nhà cửa đến vùng đất an toàn; tham gia các cuộc họp để biết thông tin và các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
Chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống và các vật dụng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày; hướng dẫn cho những người trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh; không phá rừng đầu nguồn hoặc khai thác gỗ bừa bãi, trồng cây gây rừng.
Bình luận (0)