Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 19 giờ ngày 16.7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 19,5 độ vĩ bắc; 114,6 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) 470 km về phía đông - đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103 - 117 km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo, bão số 1 tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây - tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 17.7, bão số 1 ở vào khoảng 20,5 độ vĩ bắc - 110,8 độ kinh đông trên vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 330 km, cách Hải Phòng khoảng 390 km về phía đông - đông nam, mỗi giờ đi được 15 - 20 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
KHẨN CẤP: Bão số 1 (bão Talim) đã vào vịnh Bắc Bộ, gió giật cấp 14
Khoảng 19 giờ ngày 18.7, bão số 1 hoạt động trên đất liền khu vực đông bắc Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, mỗi giờ di chuyển 15 - 20 km và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của bão số 1, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7 - cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - cấp 10, sau tăng lên cấp 11 - cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Từ chiều và tối 17.7, bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm H.đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 6 - cấp 7, sau tăng lên cấp 8 - cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10 - cấp 12, giật cấp 15.
Trên đất liền, từ gần sáng 18.7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6 - cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9 - cấp 10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía đông Bắc bộ có gió mạnh cấp 6 - cấp 7, giật cấp 9.
Đáng chú ý, từ đêm 17 - 20.7, ở khu vực Bắc bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 400 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to 100 - 200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm.
Mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa giông và nắng nóng liên tiếp vừa qua kết hợp mưa trong những ngày tới khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng cao từ ngày 18.7 ở khu vực Bắc bộ, trong đó nguy cơ cao tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Cơ quan khí tượng lưu ý, các vị trí sạt lở và lũ quét cụ thể thường rất khó cảnh báo. Vì vậy, cơ quan khí tượng kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo lực lượng xung kích ở các địa phương thường xuyên rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để thông báo cho các hộ dân lưu ý, phòng tránh.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang: Tự cho mình có kinh nghiệm sẽ dễ mất cảnh giác với bão số 1
Bình luận (0)