Trong 6 giờ vừa qua, bão số 1 đã đổi hướng di chuyển lên phía Bắc. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hiện bão đang áp sát đất liền, chỉ còn cách bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định khoảng 30km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, 11 (từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, 13.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư vừa diễn ra, ông Lê Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, bão đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.
Tại đảo Bạch Long Vĩ gió bão mạnh cấp 13, giật tới cấp 17. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa to, mưa rất to. Lượng mưa đo được tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lên đến 128mm, Quảng Bình là 122mm.
Theo ông Hải, đây là cơn bão mạnh, mắt bão rất rộng, ảnh hưởng tới một vùng rộng lớn. Khi đổ bộ vào đất liền nó sẽ gây ra các tâm mưa: Thanh Hóa đến các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, khu đông bắc, tây bắc.
Cụ thể: các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có mưa 100 - 200mm, trong đó ven đồng bằng Bắc Bộ (Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam), kể cả Hà Nội, Hòa Bình và Sơn La có mưa 200 - 300mm, vùng núi mưa lớn hơn, trên 300mm.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư cho biết hiện đã cứu được 6/10 lao động của Quảng Ngãi được cho là mất tích trước đó tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Đến 16 giờ chiều nay, các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành công tác sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tổng cộng có 18.371 người dân đã được di chuyển đến nơi an toàn. Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã huy động 3.531 cán bộ chiến sĩ và hàng trăm phương tiện tham gia hỗ trợ người dân chống bão và sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Ông Trần Quang Hoài - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư yêu cầu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để sơ tán dân kịp thời.
Ông Hoài cũng đề nghị các địa phương rà soát lại một lần nữa công tác di dời dân trước khi bão vào, đảm bảo không để dân ở lại vùng nguy hiểm của mưa bão. Các tỉnh tập trung lực lượng và sẵn sàng chống ngập úng ở khu vực sản xuất nông nghiệp và trong đô thị.
Người dân và các cấp chính quyền tại khu vực miền núi cần đặc biệt quan tâm phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. "Mưa lớn sẽ gây ra lũ quét, ngập lụt, nhiều nơi sẽ bị chia cắt, nên cần phải chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, lương thực và các nhu yếu phẩm khác", ông Hoài nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác trước các diễn biến tiếp theo của bão số 1. "Phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng, bão lại đổ bộ vào ban đêm, các tỉnh không được chủ quan", ông Tám lưu ý.
Quang Duẩn
Bình luận (0)