Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết, cho đến 4 giờ sáng nay 14.9, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 15,9 độ vĩ bắc và 113,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía đông nam. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 10, tức là từ 90 - 100 km/giờ, giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và mạnh lên. Cho đến 4 giờ ngày 15.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc và 108,8 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị khoảng 190 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, tức là từ 135 - 150 km/giờ, giật cấp 15. Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa sẽ có gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - 13, giật cấp 15 khiến biển động dữ dội.
Trao đổi với Thanh Niên sáng nay 14.9, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, ở thời điểm hiện tại, cơn bão số 10 đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm và đây là lần đầu tiên cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4 được áp dụng trong cơn bão này. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải cho biết, đây không phải là cơn bão mạnh nhất nếu so sánh trong quá khứ.
Ông Lê Thanh Hải giải thích, từ năm 2014 cơ quan chức năng áp dụng quy định mới để đưa ra thông tin
cảnh báo thiên tai, khác với cách cảnh báo trước đây. Cụ thể là quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15.8.2014 đã quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.
Theo quyết định này, rủi ro thiên tai đã được phân cấp với từng loại thiên tai, căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.
Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai. Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ. Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình. Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn. Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn. Cấp 5 màu tím là thảm họa.
Đối với bão, rủi ro ở cấp độ 4 áp dụng trong các trường hợp: Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam bộ. Bão rất mạnh từ cấp 12 - cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc bộ, Trung bộ. Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, áp dụng quy định mới này thì liên tiếp các năm 2015 - 2016 không có bão mạnh cấp 12 - 13 đổ bộ, chỉ áp dụng cảnh báo rủi ro ở cấp độ 4. Nhưng không có nghĩa là nó là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay, như thông tin trên một số cơ quan truyền thông, bình luận trên mạng xã hội sẽ khiến người dân hoang mang.
Ông Hải dẫn chứng, nếu áp dụng phân cấp cảnh báo này cho các cơn bão trước năm 2014 thì có nhiều cơn bão phải áp dụng cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 5 là thảm hoạ. Cụ thể,nếu áp dụng phân cấp này trong năm 2013 sẽ có 2 cơn bão phải cảnh báo cấp độ 4, đặc biệt là cơn bão Haiyan phải áp dụng cảnh báo rủi ro ở cấp 5, cấp độ thảm hoạ. “Cơn bão số 10 chỉ là cơn bão mạnh nhất trong vòng gần 3 năm trở lại đây thôi chứ không phải là cơn bão mạnh nhất nếu so sánh các cơn bão từng đổ bộ đất liền trong quá khứ”, ông Hải nói.
Chia sẻ tại cuộc họp Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT
Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, cơ quan dự báo phải thường xuyên cập nhật tin tức, có thể tham khảo thông tin từ các đài dự báo quốc tế để có thông tin chính xác, kịp thời để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó bão số 10.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông phối hợp thông tin về cơn bão đến với người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh. “Cung cấp thông tin đến người dân phải đầy đủ, cập nhật thường xuyên nhưng đảm bảo chính xác, kịp thời là để người dân không có tâm lý chủ quan, lơ là trong ứng phó với cơn bão nhưng tránh gây lên tâm lý hoang mang trong dư luận”, ông Cường nói.
Bình luận (0)