Chiều nay 14.10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp ứng phó cơn bão số 11.
Hai khả năng di chuyển của bão số 11
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, cho biết từ chiều 14.10, bão số 11 có xu hướng dịch chuyển theo hướng tây bắc. Cường độ bão hiện ở cấp 10, giật cấp 13. Nhưng khi đi vào vịnh Bắc bộ, bão sẽ tương tác với không khí lạnh rồi di chuyển chếch xuống tây nam.
Theo ông Cường, đây cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp và hiện các dự báo về hướng đi, cấp độ bão giữa các đài khí tượng trên thế giới còn khác nhau. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định có 2 khả năng về hướng di chuyển và cường độ bão.
Ở khả năng cao nhất, bão số 11 sẽ mạnh nhất khi vào quần đảo Hoàng Sa, với gió mạnh cấp 12 - cấp 13, giật cấp 16. Nhưng trước khi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão sẽ suy yếu, rồi sau đó nó sẽ tương tác với không khí lạnh và tiếp tục giảm xuống cấp 8 - cấp 9. Cho đến khi vào vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị chỉ còn gió cấp 7.
Nếu theo khả năng này, toàn bộ vịnh Bắc Bộ từ đêm mai (15.10) sẽ có gió cấp 7 - cấp 8, giật cấp 10. Mưa trên đất liền bắt đầu từ ngày 16 - 17.10, trong đó vùng mưa nguy hiểm nhất có các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực nam đồng bằng Bắc bộ. Dự báo lượng mưa phổ biến khoảng 100 mm, riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa 100 - 200 mm.
Còn theo khả năng thứ 2, khi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), cơn bão này có thể sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc, sau đó ngược lên Trung Quốc. Ở khả năng này, bão cũng có thể tan sau khi đi qua đảo Hải Nam. Tuy nhiên, các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La sẽ có mưa to, lượng mưa phổ biến khoảng 50 - 70 mm.
Đảm bảo an toàn cho hàng trăm hồ chứa xung yếu
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi ( Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ hầu hết đã tích đầy nước. Trong đó, khu vực Bắc bộ có 138 hồ chứa xung yếu (64 hồ lớn và 74 hồ nhỏ). Còn ở khu vực bắc Trung bộ đang có 83 hồ chứa xung yếu (15 hồ lớn và 68 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ phải đặc biệt cảnh giác khi có mưa lớn.
Còn theo thông tin từ Vụ Quản đê điều (Tổng cục Thủy lợi), tính đến sáng 14.10, lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố về điều. Ngoài 197 trọng điểm đê điều tại 19 tỉnh có đê, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, qua đã ghi nhận xảy ra 143 sự cố đê điều.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh, thành theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 11 và mưa lũ, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đối với các địa phương có hồ chứa, đê điều xung yếu, phải kiểm soát chặt chẽ, tăng cường tuần tra canh gác, phát hiện các sự cố hư hỏng các điểm xung yếu ở các công trình hồ, đập, đê điều, đặc biệt là các tỉnh đang chịu ảnh hưởng của
mưa lũ, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi xảy ra sự cố.
Bình luận (0)