Đến 22 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc và 116,8 độ kinh đông, cách Hồng Kông khoảng 330 km về phía đông đông nam. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 12, tức là từ 115 - 135 km/giờ, giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km. Đến 22 giờ ngày 23.8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,4 độ vĩ bắc và 111 độ kinh đông trên đất liền phía tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 11, tức là từ 100 - 115 km/giờ, giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão số 6, từ chiều tối 23.8, ở vịnh Bắc Bộ có gió tây nam mạnh dần lên cấp 6; riêng phía bắc vịnh Bắc bộ, bao gồm huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ từ gần sáng 24.8 có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 - 3 m. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, từ chiều tối và đêm 23.8 đến ngày 25.8 ở các tỉnh Bắc bộ có mưa vừa, mưa to; các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa to đến rất to. Đợt mưa lớn này sẽ khiến khu vực vùng núi phía bắc xảy ra hiện tượng thiên tai lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Vùng đô thị tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn... có khả năng ngập úng cục bộ do mưa lớn.
Chiều 22.8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các tỉnh miền núi phía bắc, tăng cường thông tin dự báo bão, thông báo và liên lạc các phương tiện trên biển để di chuyển tránh xa vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 6. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo và lồng bè nuôi trồng hải sản, thủy sản. Các tỉnh miền núi phía bắc rà soát triển khai ứng phó với mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất và sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong mưa lũ.
* Ngày 22.8, Bộ Y tế đã có công điện gửi sở y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các tỉnh miền núi phía bắc; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung và nam Trung bộ về việc triển khai công tác y tế ứng phó khẩn cấp bão Hato.
Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa bão; lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất...
Bình luận (0)