Bão tàn phá đảo Phú Quý

04/12/2006 10:47 GMT+7

* Tường trình của phóng viên Thanh Niên từ các vùng bão sẽ đi qua * Cảnh báo lũ trên các sông Trung và Nam Trung Bộ Theo bản tin bão khẩn cấp (cơn bão số 9) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 5/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ vĩ bắc, 107,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre khoảng 50km về phía đông nam.

Sáng nay 5/12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau

Theo bản tin bão khẩn cấp (cơn bão số 9) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 5/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ vĩ bắc, 107,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre khoảng 50km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật trên cấp 11.

Cảnh báo lũ trên các sông Trung và Nam Trung Bộ

Do ảnh hưởng mưa của không khí lạnh kết hợp với bão số 9, dự báo hôm nay 5/12 mực nước các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Đăk Lăk, Lâm Đồng có khả năng lên mức BĐII-BĐIII, có nơi lên trên mức BĐIII; các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên lên mức BĐI-BĐII, có nơi lên trên mức BĐII; các sông khác ở Trung Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên dưới mức BĐI.
Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ và ngập lụt ở vùng đồng bằng ven sông.

Lúc 4 giờ sáng 5/12, tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã đo được gió mạnh cấp 5, giật cấp 7, tại Hàm Tân (Bình Thuận) đo được gió mạnh cấp 5, giật cấp 9. Các tỉnh từ ven biển Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa đo được trong 3 giờ qua (từ 2 giờ đến 4 giờ) như sau: Quảng Ngãi 47mm; Phan Thiết (Bình Thuận) 20mm; Hàm Tân (Bình Thuận) 84mm; Phú Quý (Bình Thuận) 29mm...

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 30km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 150 km. Bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Khoảng sáng 5/12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau. Đến 4 giờ ngày 6/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,5 độ vĩ bắc; 103,8 độ kinh đông, trên vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào vùng vịnh Thái Lan. Đến 4 giờ ngày 7/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,3 độ vĩ bắc; 100,5 độ kinh đông (phía tây vịnh Thái Lan).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11, sóng biển cao từ 7 đến 9 mét. Biển động dữ dội. Các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Từ sáng 5/12, các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, cần đề phòng gió mạnh lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Từ sáng sớm ngày 6/12, vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 mét và sóng biển cao từ 5 - 7 mét.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cần khẩn trương chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình xây dựng, đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.(M.G)

Dự báo của TTKTTV TƯ về đường đi của bão số 9 lúc 5h30 sáng 5/12 (đường màu đỏ):
4h ngày 5/12: 10,2 độ vĩ Bắc, 107,7 độ kinh Đông, cấp 11
16h ngày 5/12: 9,85 độ vĩ Bắc, 105,75 độ kinh Đông, cấp 10
4h ngày 6/12: 9,5 độ vĩ Bắc, 103,8 độ kinh Đông, cấp 9
4h ngày 7/12: 9,3 độ vĩ Bắc, 100,5 độ kinh Đông, cấp 8

Bình Thuận: Họp khẩn cấp trong đêm

Lúc 21 giờ ngày 4/12, bão số 9 đã đổ bộ vào huyện đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận. Theo ông Huỳnh Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý - sức gió khu vực đảo đang ở cấp 12. Cho đến 23 giờ đêm 4/12, toàn bộ hòn đảo Phú Quý của Bình Thuận đã mất liên lạc hoàn toàn với đất liền.

Cho đến 23 giờ đêm 4/12, toàn bộ hòn đảo Phú Quý của Bình Thuận đã mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Máy điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành đã không thể nào liên lạc được với Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý. Hệ thống trụ điện trên đảo trước đó chỉ 15 phút (khi còn liên lạc được) đã bị gãy đổ hoàn toàn trước sức gió của tâm bão đi qua là cấp 11, 12, giật trên cấp 12. Lúc 23 giờ, một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập để nắm bắt tình hình bão tại Bình Thuận.


Cuộc họp khẩn của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận với đại diện Quân khu 7 lúc 23 giờ đêm 4.12

Cùng dự họp với Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bình Thuận đêm 4/12, Đại tá Nguyễn Văn Mạnh - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7 đã lập tức liên lạc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bằng mọi cách phải liên lạc với huyện đảo Phú Quý, nhưng 15 phút sau, Phòng tổng chỉ huy của tỉnh vẫn không nhận được thông tin gì mới. Trước đó, toàn đảo Phú Quý đã có 4 ngôi nhà bị bão giật sập, Văn phòng UBND huyện đảo cũng bị tốc mái; 7 tàu cá loại 20 CV đã bị nhấn chìm. Ông Nguyễn Ngọc Hai - Phó trưởng ban thường trực Ban PCLB-TKCN tỉnh báo cáo trong cuộc họp khẩn, trên đảo chỉ có khoảng hơn 200 chiến sỹ cả biên phòng và bộ đội đang giúp dân chống bão. Ông Nguyễn Ngọc Hai cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh có kiến nghị xin trực thăng cứu trợ khi tính đến khả năng bão sẽ hoành hành hòn đảo này suốt đêm nay.

Nhưng theo đại tá Nguyễn Văn Mạnh thì máy bay không thể vào được đảo Phú Quý vì ở đó sức gió giật trên cấp 12, chỉ có thể nhờ tàu cứu hộ của Hải quân mới có thể tiếp cận được. Lúc 23 giờ khuya đêm 4.12 ông Huỳnh Văn Tí - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận yêu cầu UBND tỉnh và các cấp các ngành phải bảo vệ dân đến cùng và ưu tiên lo cho dân nếu bão đổ bộ vào Phan Thiết đêm nay. Ngay lúc 23 giờ đêm 4/12, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết  Đặng Đình Hiếu cho biết, nước sông Cà Ty đã dâng vượt mức báo động 1 và đã tràn vào nhà dân ở Phường Phú Tài.

Trong khi đó, tại huyện Tuy Phong, Chủ tịch UBND huyện Hàn Đắc Thuận cho biết gió ở thị trấn Liên Hương đã đo được ở cấp 8, cấp 9. Bờ kè Hàm Thạnh nước biển đã đánh tan tành. Toàn thị trấn Liên Hương của huyện Tuy Phong chìm trong bóng tối vì không có điện. Trong khi đó, huyện Hàm Tân, tỉ lệ dân di dời theo lệnh của Chủ tịch tỉnh chỉ đạt 30%. Tất cả 9 đội thanhn niên xung kích của tỉnh với xe cộ đã sẵn sàng cho công tác cứu dân, Bí thư Tỉnh uỷ Huỳnh Văn Tí chỉ đạo: “Ưu tiên cứu giúp dân là nhiệm vụ số 1”. Đêm 4/12 một đêm không ngủ của Bình Thuận.

* Trước đó, lúc 21 giờ ngày 4/12, bão số 9 đã đổ bộ vào huyện đảo Phú Quý cuả tỉnh Bình Thuận (cách bờ biển TP Phan Thiết 58 hải lí). Theo ông Huỳnh Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý - sức gió khu vực đảo đang ở cấp 10, giật đến cuối cấp 11.

Đến thời điểm hiện nay có 3 căn nhà bị sập, 7 thuyền công suất 20CV đang neo đậu ở bãi ngang xã Ngũ Phụng bị gió nhấn chìm, 2 lồng cá mú nuôi trên biển ở xã Long Hải bị bể. Một tàu có công suất 60 CV trên đường tránh bão bị chìm, rất may không xảy ra nguy hiểm với ngư dân đi trên con tàu này. Tất cả người dân trên đảo Phú Quý đều an toàn cho đến giờ phút này. Theo số liệu thống kê của Ban PCLB - TKCN thì cho đến 17h30 ngày 4/12, Bình Thuận đã di dời được 4.754 hộ với 14.976 người.

Phần đông người dân ý thức được việc phải di dời khi bão đến, nhưng một bộ phận thấy trời yên, biển lặng không có gió nên không chịu di dời, các lực lượng chức năng của tỉnh phải dùng biện pháp mạnh để đưa hết số hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Cho đến 21 giờ 30 ngày 4/12, các huyện đã di dân đạt kết quả từ 85% trở lên. Riêng huyện Hàm Tân, việc di dời dân cho đến 21 ngày giờ 4/12 mới chỉ đạt 29,79%.

Lê Hân

Đảo Phú Quý: “Mưa to dữ lắm!”

Lúc 21 giờ 30 đêm 4/12, chúng tôi liên lạc với Tổng đài Viễn thông huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Anh Tứ Đứng cho biết, từ sáng trên 10 anh em viễn thông trên đảo đã tập trung hết về tổng đài, lo gia cố chằn chống, bảo vệ trang thiết bị viễn thông. Anh nói: “Từ 21 giờ mưa rất to trên đảo, gió cỡ cấp 8. Hồi chiều nhiều thuyền nhỏ đã được kéo lên bờ, một số tàu to chạy đi nấp bão nơi khác”. Anh cho số điện thoại của Ban PCLB của huyện nhưng chúng tôi không gọi mãi không thấy ai trả lời. Sau đó, TNO đã gọi được ông Văn Thanh Hùng, ngư dân thôn 6 xã Tam Thanh. Qua điện thoại, tiếng mưa gió thét gào rất rõ. Nhà ông có 4 người đang tập trung phòng bão. Điện vẫn sáng nhưng đến 23 giờ 30 sẽ cúp.

 

Theo ông, từ chiều giờ “khói” từ biển theo gió cấp 8, cấp 9 thốc mạnh vào nhà. Chiếc thuyền nhà ông đã được kéo lên bờ 10 ngày nay. Ông có nghe tin tức gì chưa? Ông Hùng: “Giờ thì chịu, trời tối mịt. Sáng ra mới biết”. Ông Nguyễn Hạnh, ở thôn 4 Lạc Chùa, nhà cách biển 500m nên ông nghe tiếng sóng rất rõ. Ông nói trong tiếng gió: “Cả ngày nín gió mà từ 19 giờ bắt đầu mưa. Càng mưa càng gió. Tới bây giờ mưa to dữ lắm! Chưa biết có ai bị gì không”. Tình hình phòng tránh bão trên đảo thế nào? Ông tiếp: “Mấy ghe to thu mua cá mực đã chạy hết vô đất liền tránh bão, ngoài đảo chỉ còn lại ghe 45CV đổ xuống thôi. Dân trên đảo hơn 30.000 người, chủ yếu làm nghề biển. Hai bữa nay họ chạy vô cũng nhiều...” Còn sóng gió? “Hồi chiều sóng cao cỡ 3m. Giờ thì chắc cao hơn nhiều...”. Ông đang nói bỗng đường dây bị tắt. Tôi nhìn đồng hồ, đã 22 giờ. Đ.N.K

 

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: "Không để dân đói trong lúc tránh bão"

 

Lúc 20h tối nay (4/12), các thành viên Phân Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trên toàn quốc đã cùng tham dự cuộc họp giao ban trực tuyến qua cầu truyền hình do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì. Đến thời điểm này (20h), khi tâm bão đã cận kề đất liền, tình hình từng địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng của cơn bão đều đang được kiểm soát tốt.

 

Tại cuộc họp giao ban này, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nghe Đài Dự báo khí tượng thủy văn TƯ và các thành viên trong Phân Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão - đang trực chiến chỉ huy tại các địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão - báo cáo nhanh tình hình triển khai công tác chỉ đạo phòng chống bão số 9.

 

Theo Đài Khí tượng thủy văn TƯ cho biết: Đến thời điểm hiện nay, hướng di chuyển cũng như diễn biến của cơn bão số 9 rất bất thường và chưa thể nắm bắt được. Theo đó, tính đến thời điểm này (hơn 20h ngày 4/12), cơn bão chưa đổ bộ vào đất liền mà tiếp tục di chuyển chệch xuống hướng nam và có nhiều khả năng trượt dọc các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa cho đến vùng biển Kiên Giang, Cà Mau, hoặc có thể chuyển hướng đi qua các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Hiện, sức gió của bão ở các khu vực gần bờ đang ở cấp 8, giật trên cấp 9, vùng biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận có sóng to, biển động rất mạnh. Hiện các địa phương này vẫn chưa có báo cáo về thiệt hại do cơn bão gây ra. Riêng khu vực đảo Phú Quý - tỉnh Bình Thuận gió đang ở cấp 7, và đã có 4 chiếc thuyền đánh cá nhỏ bị chìm. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ như: Đồng Nai, Bình Dương, và TP.HCM trời đang chuyển gió rất mạnh và nhiều khả năng có mưa to đến mưa rất to kèm theo lốc xoáy vào đêm nay.

 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Tại những nơi xung yếu, dứt khoát phải di dời dân đến nơi ở an toàn, đảm bảo an ninh lương thực không để dân tránh bão bị đói”. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, kiên quyết triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão của Chính phủ. Ngọc Thọ

Bão đánh chìm 9 tàu đánh cá

Tối 4/12, bão số 9 đã đổ bộ vào đảo Phú Quý, cách đất liền (tỉnh Bình Thuận) 62 hải lý (khoảng 120 km). Đến thời điểm này, theo tin ban đầu, bão đã đánh chìm 9 tàu đánh cá loại nhỏ (công suất 15 CV) và cuốn trôi 2 lồng bè nuôi tôm hùm trên biển. Hiện chưa tính được tổng giá trị thiệt hại.

Như vậy là trái với dự báo ban đầu, đường đi của Bão số 9 đã thay đổi. Thay vì đổ bộ vào huyện Tuy Phong (như dự báo), bão số 9 lại ập vào đảo Phú Quý, khiến ngư dân ở đây bị thiệt hại nặng. TTXVN

Bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Sóc Trăng

Theo bản tin bão khẩn cấp (cơn bão số 9) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 21h30 ngày 4/12, hồi 19 giờ ngày 4/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ vĩ bắc, 109,5 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bình Thuận khoảng 90km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật trên cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 - 250 km. Như vậy, bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Sóc Trăng. Khoảng sáng 5/12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh. Đến 19 giờ ngày 5/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ vĩ bắc; 106,2 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền qua các tỉnh miền tây Nam Bộ và trở thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực vịnh Thái Lan.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Sóc Trăng có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, sóng biển cao từ 6 đến 8 mét. Biển động rất mạnh. Các tỉnh ven biển từ Phú yên đến Sóc Trăng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Từ sáng 5/12, các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Sóc Trăng cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 mét và sóng biển cao từ 5 - 7 mét.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cần khẩn trương chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình xây dựng, đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. M.G

Bão số 9 mạnh cấp 9, cấp 10

Theo dự báo của TTDBKTTV TƯ, bão số 9 mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/h), giật trên cấp 10 đang từ từ tiến vào đất liền, hiện bão chỉ còn cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận khoảng 100km về phía đông.

Như vậy, với tốc độ di chuyển khoảng hơn 15km/h, dự đoán chiều tối nay bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Phú Yên đến Sóc Trăng.

Theo bản tin của TTDBKTTV TƯ phát lúc 17h30 chiều nay: Hồi 16h ngày 4/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ vĩ bắc, 110,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận khoảng 120km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/h), giật trên cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 - 250km. Như vậy, bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Sóc Trăng. Khoảng đêm 4/12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Đến 16h ngày 5/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,5 độ vĩ bắc; 106,4 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh đồng bằng Nam Bộ. 

Dự báo của TTKTTV TƯ về đường đi của bão số 9. Ảnh từ TTDBKTTV TƯ

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới phía nam Campuchia - Việt Nam.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Sóc Trăng có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, sóng biển cao từ 6 đến 8m. Biển động rất mạnh. Các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Sóc Trăng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Các tỉnh nam Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Sóc Trăng cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4m và sóng biển cao từ 5 - 7m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh. Đ.Huân

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ bị kỷ luật nếu để xảy ra tai nạn mất người do bão

Sáng nay 4/12, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo tiền phương về phòng chống cơn bão số 9 (bão Durian), với những chỉ đạo hết sức khẩn trương và quyết liệt.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải kiên quyết di dời, sơ tán dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Các tỉnh từ Bình Định - Bình Thuận phải sơ tán dân xong ngay trưa hôm nay; còn các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP.HCM, miền Tây Nam Bộ phải sơ tán dân trước 18 - 20h tối nay. Địa phương nào để xảy ra tai nạn, mất người, mất của, tai nạn xảy ra không cứu chữa kịp thời thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phải chịu kỷ luật. Mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho dân, tài sản được bảo vệ và ứng cứu, khắc phục kịp thời sau bão.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (bìa phải hàng đầu) tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương vào sáng nay. Ảnh M.V

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lưu ý các tỉnh, thành phố Nam Bộ rằng, khi bão vào, thiệt hại sẽ nặng nề hơn, vì người dân Nam Bộ không có nhiều kinh nghiệm phòng chống bão, lại dễ chủ quan, lơ là. Do vậy, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt hơn, vừa làm vừa chạy, vì thời gian không còn nhiều. Các cuộc họp ngày hôm nay, nếu không cần thiết thì dừng lại để tập trung lo chống bão. “Tôi thấy, TP.HCM mới chỉ lo ở huyện Cần Giờ là chưa đủ, trong khi các nhà lụp xụp ven sông ở nội thành chưa thấy làm gì. Ở TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ, bão mạnh cấp 7, cấp 8 là đã nguy hiểm rồi” - Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu. Mai Vọng

Quảng Nam: Di dời 200 hộ dân tại khu vực Sông Tranh

Tuy chỉ trong vùng bị ảnh hưởng, nhưng do mưa quá to và trên diện rộng, kèm theo gió lớn từ tối 3/12, nhiều tuyến giao thông lên các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã bị sạt lỡ nặng. Riêng tuyến đường độc đạo lên huyện vùng cao nam Trà My do mưa quá lớn, nước lũ từ núi cuồn cuộn đổ về gây ngập cầu ngầm Sông Trường, khả năng trong đêm nay đường lên huyện này sẽ bị cắt đứt nếu mưa lớn tiếp tục. Đặc biệt, tại các xã nằm trong khu vực xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. Lãnh đạo huyện bắc Trà My đã cử cán bộ theo dõi chặt chẽ và báo cáo liên tục về tình hình mưa lũ. Theo ông Đặng Phong - PCT UBND huyện, do việc thi công thủy điện nên dòng chảy Sông Tranh bị thu hẹp hơn; nếu mưa lớn liên tục như ngày hôm nay 4/12 thì nước sông sẽ dâng lên rất nhanh, dẫn đến hàng trăm ngôi nhà trong khu vực sẽ bị ngập sâu. Do vậy phương án của huyện là trực chiến cứu hộ cho khu vực này bất kể ngày đêm.

Ngay trong sáng ngày 4/12, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đi về các huyện ven biển và miền núi, trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão lũ tại các địa phương. Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết: dù chỉ bị ảnh hưởng nhưng không một cán bộ nào, cấp nào, ngành nào của tỉnh được lơ là trong công tác phòng chống bão lũ. Nhờ chủ động các phương án và chỉ đạo triển khai cụ thể quyết liệt, đồng thời người dân đã ý thức cao sau các đợt bão lũ, nên các biện pháp ứng phó với cơn bão số 9 ở Quảng Nam khá chu đáo.

250 phương tiện tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam đánh bắt trên biển đã vào bờ từ chiều ngày 1/12. Lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã hướng dẫn bà con ngư dân cách neo đậu an toàn, tránh va đập của trên 1.000 tàu thuyền tại các âu thuyền, vùng vịnh khuất gió. Tỉnh đã cấp thêm 2.000 áo phao, phao cứu sinh về các địa phương, trang bị cho các bến đò ngang và lưu ý các địa phương chỉ cho chủ đò hoạt động khi thời tiết trở lại bình thường và tuân thủ nghiêm ngặc các quy định về an toàn giao thông đường thủy, xử lý thích đáng các trường hợp vi phạm. Phương án di dời dân ven sông suối và vùng ven núi có nguy cơ sạt lở nặng đã được phê duyệt và đang sẵn sàng triển khai khi có sự cố. Hiện nay, các địa phương ở Quảng Nam cũng đã tích trữ lương thực dự phòng tại các kho để đưa xuống dân khi có tình huống xấu xảy ra. Tại các hồ chứa nước như hồ Phú Ninh, Vĩnh Trinh, Cao Ngạn, Việt An, Trà Cân, Thạch Bàn, Phước Hà, sau gần 1 ngày đêm mưa lớn, dung tích các hồ đã chứa gần đủ nước. Ngành nông nghiệp đã cử cán bộ  trực 24/24 để chuẩn bị triển khai phương án xả lũ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ lưu. Hồ Trọng

Phú Yên: Ứng trực 24/24, không để tắc giao thông trên Quốc lộ 1A tại đèo Cả và Cần Lương

Chiều 4/12, ông Trần Quang Lân, Phó giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên cho biết: đơn vị đã chủ động triển khai gia cố, ứng cứu để tránh trường hợp sụt lún, sạt lở đường rất nhiều khả năng lại tiếp tục xảy ra trên Quốc lộ 1A tại đèo Cả (Phú Yên-Khánh Hòa) và thôn Cần Lương (xã An Dân, Tuy An, Phú Yên) trong cơn bão số 9. Theo ông Lân, mặc dù tiến độ nâng cấp gia cố toàn diện Quốc lộ 1A qua đèo Cả có chậm nhưng các nhà thầu hiện đang cố gắng đảm bảo tốt nhất cho xe lưu thông và có đủ khả năng để khôi phục thông tuyến nhanh khi có sự cố tắc đường xảy ra. Riêng 2 điểm lún sụp tại Cần Lương, Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã điều động trên 10 phương tiện xe-máy cùng lực lượng công nhân của 2 Hạt quản lý đường bộ Tuy An-Sông Cầu ứng trực 24/24, tiến hành đổ đá cấp phối để gia cố các điểm lún sụp; vì thế Quốc lộ 1A qua 2 đoạn này hiện vẫn lưu thông khá an toàn với điều kiện… xe qua từng chiếc một.

Được biết, Quốc lộ 1A qua đèo Cả và Cần Lương là 2 điểm đã bị lở núi, lún sụp nặng nề liên tục làm “đứng bánh” lưu thông nhiều ngày vào cuối năm 2005 và đầu năm 2006, gây thiệt hại nặng nề vế kinh tế. Hùng Phiên

Hiện trạng Quốc lộ 1A qua An Dân (Phú Yên)

Lâm Đồng: Tăng cường lực lượng chằng néo nhà cửa cho dân vùng trọng điểm

Theo thông tin chúng tôi vừa nhận, hiện nay 12/12 huyện, thị, thành phố Đà Lạt đã triển khai, rà soát các phương án phòng chống lụt bão đã lập, nhất là với những vùng trọng điểm phòng chống lụt bão của tỉnh như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đơn Dương. Đặc biệt các địa phương đã chỉ đạo các xã triển khai phương án chằng néo nhà cửa và dùng bao cát để đề phòng gió mạnh hoặc lốc xoáy gây đổ, tốc mái nhà.

Các phương tiện thông tin đại chúng như đài PTTH tỉnh và các đài địa phương tăng cường phát các bản tin về bão số 9 và công tác chỉ đạo của UBND tỉnh để nhân dân chủ động ứng phó và phòng tránh đảm bảo an toàn tính mạng và giảm mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Tại các nơi như thị trấn Đam Ri và xã Đoàn Kết (huyện Đạ Huoai) thường bị xảy ra lũ quét khi có mưa lớn, nên UBND huyện đã di dời 47 hộ lên các vị trí cao, an toàn hơn. Các huyện thường xuyên bị ngập lụt khi có mưa lũ lớn đã chuẩn bị phương án di dời lên vùng cao khi có lũ lớn. Các hồ chứa nước trong tỉnh đã tích nước đến mực nước dâng bình thường... Các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi đã tăng cường kiểm tra, phân công cán bộ theo dõi diễn biến các hạng mục công trình, nhất là các hồ chứa để có phương án điều tiết nước hợp lý nhằm đảm bảo an tòan tuyệt đối cho các công trình và nước phục vụ sản xuất và đời sống. Lê Hân

Ngành y tế chuẩn bị sắn sàng lực lượng phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 9

Để chủ động giảm nhẹ thiệt hại do Bão số 9 gây ra, Bộ Y tế đã có công điện khẩn yêu cầu lực lượng y tế ở các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong vùng ảnh hưởng của bão khẩn trương làm ngay các việc sau:

Các sở y tế phân công cán bộ thường trực phòng chống bão, chỉ đạo các cơ sở y tế khẩn trương di dời, sơ tán, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có nguy cơ sập đổ, ngập lụt do bão và tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dụng và cấp cứu nạn nhân do bão, lũ gây ra không được thu bất cứ khoản kinh phí nào. Các đội cấp cứu cơ động tại các tỉnh, các quận, huyện trọng điểm và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong vùng ảnh hưởng của bão kết hợp chặt chẽ với quân y các đơn vị trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng người và thuốc men, phương tiện để tham gia cứu hộ, cứu nạn. Sở Y tế phân công cán bộ thường trực phòng chống bão và cử cán bộ tới các khu vực xung yếu để trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị tại các cơ sở y tế, có phương án tăng cường cán bộ, bổ sung thuốc và thiết bị y tế cho các khu vực có nguy cơ bị chia cắt, ngập lụt do bão, lũ. Các đơn vị y tế cơ sở cần có phương án bảo vệ các phương tiện, máy móc, các kho thuốc, hóa chất không để bão, lũ gây hư hỏng hoặc phát tán gây ô nhiễm môi trường; có kế hoạch cụ thể triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường ngay sau bão, không được để bất cứ nạn nhân nào tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã yêu cầu các công ty Dược, Thiết bị y tế Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, thiết bị và các phân đội y tế cơ động để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Trưa nay (4/12), Thanhnien Online đã nhận được 1 email của bạn đọc ở Đà Nẵng (nơi mà cách đây không lâu cơn bão Xangsane đã đi qua) gửi về đóng góp ý kiến chia sẻ một số kinh nghiệm với những người dân ở vùng mà bão số 9 chuẩn bị đi qua. Thanhnien Online xin đang nội dung email này để bạn đọc tham khảo: "Tôi là một người dân Đà Nẵng đã từng đi qua bão Xangsane. Tôi thấy mọi người nên hết sức chú ý lúc tâm bão đi qua. Mọi rủi ro chủ yếu xảy ra vào lúc đó. Đó là giờ phút nguy hiểm nhất của cơn bão. Ở Đà Nẵng đã từng bị như vậy, sau 10 phút trời yên, gió mạnh đột ngột lên rất nhiều khiến nhiều người sửa nhà bị thiệt mang. Phần lớn nhà cửa bị bay tôn, tốc mái ở những phút đó, cần phải che chắn cửa số hết sức cẩn thận, nhất là cửa kính".

Phú Quốc: Thời tiết "đẹp" đến... đáng sợ

Theo dự báo thì ngày 5/12, bão số 9 có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang, đuôi bão có thể quét qua Phú Quốc và suy yếu dần trước đổ bộ vào Campuchia. Vào lúc 14h30 ngày 4/12, nối liên lạc với vùng đảo Phú Quốc được ông Trịnh Công Phát, Chủ Khu du lịch Vườn Táo cho biết: “Hiện nay, thời tiết nơi này “đẹp” hơn bao giờ hết. Trời xanh trong, nắng tốt, ngoài khơi biển lặng, trong bờ gió thổi hiu hiu. Và theo kinh nghiệm của tụi tôi thì đây lại là tín hiệu… đáng sợ. Hồi năm 2000, trước khi cơn bão số 5 đổ bộ vào Phú Quốc thì thời tiết cũng đẹp như vầy nè”.

Được biết, hiện nay không riêng gì hãng rượu sim của ông Phát mà các nhà thùng nước mắm cũng đang lo che chắn, giằng níu lại kho bãi để chống bão. Ngoài ra, họ còn lên phương án di dời hàng hóa, tài sản lên cao vì khi bão đến thường kèm theo lũ từ thượng nguồn đổ về sông Dương Đông gây ngập lụt cho khu vực thị trấn. Các chuyến hàng hóa gửi từ đất liền theo tàu vào lịch trình ngày 5.12 đa phần đã được các đại lý, chủ hàng tại Phú Quốc báo hoãn. Hồng Hạnh 

Ninh Thuận: Người dân vẫn thờ ơ trước cơn bão đang cận kề

10h sáng nay (4/12), UBND tỉnh Ninh Thuận có Công điện khẩn cấp đến 6 huyện, thị xã; Thường trực Ban PCBL; các ban ngành đoàn thể, yêu cầu: Tập trung sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Sau 12h cùng ngày, nếu người dân không chịu di dời thì kiên quyết cưỡng chế, không được để người dân còn nằm trong vùng nguy hiểm. Ngay sau giờ “giới nghiêm” này, phóng viên Thanh Niên đã có mặt tại các phường Đông Hải, Mỹ Đông, Văn Hải, Mỹ Hải (thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) để ghi nhận việc người dân đi sơ tán đến nơi an toàn.

Bộ đội giúp dân đưa thúng nghề lên bờ (Ảnh Thiện Nhân, chụp lúc 13h ngày 4/12)

Theo báo cáo của 4 phường ven biển trên, đến thời điểm 12h trưa ngày 4/12, đã có 1.000/4.000 người dân đến nơi cư trú tại các trường học, công sở. Thị xã Phan Rang – Tháp Chàm đã huy động lực lượng Cong an, bộ đội, dân quân tự vệ tiếp tục cưỡng chế những người dân chưa ra khỏi vùng được báo động cực kỳ nguy hiểm. Chứng kiến sự thờ ơ của người dân trước cơn bão đang kề cận chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Lực lượng đi cưỡng chế phải đưa xe vào tận nhà dân, dìu từng người ra xe đưa đến nơi trú bão. Thượng sĩ Hoàng Thị Thu, Công an phường Đông Hải cho biết, cơn bão đang cận kề mà người dân hầu như không biết gì. Họ nói trời chưa có mưa, gió lớn làm gì có bão đến mà đi cư trú. Giải thích mãi người ta mới hiểu được mức độ nguy hiểm và sự lo lắng của cấp ủy chính quyền địa phương. Ngoài việc “cưỡng chế” tỉnh Ninh Thuận đã huy động lực lượng xung kích đến các vùng tâm điểm mà bão số 9 đi qua để bảo vệ tài sản, cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng. Thiện Nhân

Không di dời thì phải "cưỡng chế" thôi (Ảnh Thiện Nhân, chụp lúc 13h ngày 4/12)

 

Tường trình từ vùng tâm bão Cam Ranh - Nha Trang

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ vừa cho biết: Vào khoảng 15 giờ hôm nay 4/12, hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị xã Cam Ranh. Tối nay, tâm bão sẽ tiếp cận đất liền. Thị xã Cam Ranh là một trong những vùng nguy hiểm mà cơn bão sẽ tàn phá. Trời ở đây bắt đầu mưa và gió mạnh dần. Tuy nhiên, việc di dời dân ở lồng bè, vùng nguy hiểm đến nơi an toàn vẫn chưa xong. Theo báo cáo của UBND thị xã, sáng nay, nhiều ngư dân từ trong bờ đã ra lại lồng, bè nuôi thủy sản ngoài biển, trái với chỉ đạo của tỉnh. Đến 9 giờ sáng, còn hơn 100 ngư dân ở lại lồng bè. Tại vùng trũng của xã Cam Thịnh Đông, đến trưa 4/12, trong số hơn 100 hộ với khoảng 300 người mới có 30 hộ di dời đến nơi an toàn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo tại cuộc họp sáng 4/12 ở Nha Trang

Làm việc với lãnh đạo thị xã Cam Ranh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi đã chỉ đạo: “Đến 10 giờ, toàn bộ dân trên biển phải được đưa vào bờ. Đến 11 giờ, toàn bộ dân ở vùng nguy hiểm phải sơ tán hết. Thị ủy Cam Ranh và các cơ quan khác phải phối hợp với UBND thị xã thành lập các tổ công tác với đầy đủ phương tiện xuống cơ sở bám trụ cho đến khi hết bão”. Hiện lực lượng công an địa phương đang giúp dân vùng nguy hiểm di chuyển đến nơi an toàn và sẵn sàng cưỡng chế đối với những người không chịu đi. Chiều nay, tổ công tác của tỉnh Khánh Hòa tại thị xã Cam Ranh sẽ kiểm tra lại việc di dân trên các lồng bè và vùng nguy hiểm.

Người dân và du khách ven biển Nha Trang xem diễn biến bão số 9 sắp vào bờ lúc 6 giờ 30 sáng 4/12

Trẻ em và người già lên xe đến nơi an toàn tránh lũ quét khi bão đến

Trước đó, tại Nha Trang, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo: Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa phải chú trọng đến 3 vùng nguy hiểm là thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh và huyện Vạn Ninh. Đến sáng nay, tại các địa bàn này vẫn còn hàng nghìn ngư dân chưa di dời đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã lập tức chỉ đạo: Ngành y tế thành lập ngay các toán cứu thương. Ngành du lịch tạm ngưng việc đón khách, khuyến cáo du khách không được tắm biển hoặc đến những nơi sóng lớn; Lực lượng thanh niên xung kích sẵn sàng cưỡng chế những người tắm biển. Những cần cẩu cao tầng tại Nha Trang phải được tháo dỡ hoặc chằng dây thép và hàn chặt vào vị trí vững chãi. Với những cần cẩu gần khách sạn, nếu không đảm bảo các biện pháp trên, ngành du lịch phải tổ chức sơ tán du khách.

Vào lúc 13 giờ 15, ông Võ Lâm Phi - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tàu hải quân đã được điều đến Vũng Ngán thuộc vịnh Nha Trang để đưa dân vào bờ. Việc di dân ở những vùng nguy hiểm trong toàn tỉnh cơ bản đã hoàn tất. Vào lúc 15 giờ tại Nha Trang sẽ có cuộc họp quan trọng của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa với Đoàn công tác tại miền Trung của Ban chỉ đạo PCBL trung ương.

Bộ đội biên phòng thuyết phục người dân vùng trũng Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh đến nơi an toàn

Xuân Hòa - Diệp Đức Minh

Phú Yên: 3 người chết, 2 người mất tích

• Sạt lở vùng triều cường, 70 tàu mắc cạn

Từ rạng sáng 4/12, địa bàn Phú Yên có mưa to đến rất to, kèm theo gió lớn từng đợt dài. Trên đường lấy tin, mưa gió đập dữ dội vào mặt chúng tôi, xe máy nhiều phen muốn lao xuống vệ đường. Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN Phú Yên, trên 2.700 tàu của tỉnh đã nhận được liên lạc thường xuyên của đát liền, trong đó, 1.375 tàu đã về tỉnh, số còn lại đã tìm được nơi thuận lợi để trú bão. Đến 12h trưa nay - 4/12, toàn tỉnh đã có 1.066 người vùng triều cường, nguy cơ sạt lở, cô lập thuộc 6 huyện được di dời đến địa điểm an toàn; và đã không còn bất cứ ngư dân nào ở trên các lồng bè nuôi hải sản. Lực lượng vũ trang và thanh niên xung kích đã ra quân một cách toàn diện và hiệu quả để trợ giúp dân di chuyển người già, trẻ em cùng tài sản thiết thân của các gia đình ở trong vùng nguy hiểm khi cơn bão đi qua.

Tin chúng tôi vừa nhận được, lực lượng chức năng đã tìm được xác ông Nguyễn Lạc (50 tuổi) đi trên tàu cá BĐ5020 của 3 ngư dân Bình Định bị chìm do sóng lớn và va vào đá ngầm tại lao Mái Nhà (huyện Tuy An) vào sáng 3/12. Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chính thức có 3 người chết do bão số 9, còn lại 2 người được xác định mất tích. Cũng trong sáng 4/12, sóng biển đã làm sạt lở, đổ sập xuống biển một dải đất có chiều dài 120m tại khu dân cư vùng triều cường An Vũ, xã An Ninh Đông (Tuy An); khoảng 70 tàu hiện đang bị mắc cạn tại cửa biển Lễ Thịnh trên đường vào cảng Tiên Châu (Tuy An).

Ông Nguyễn Bá Lộc, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN Phú Yên cảnh báo người dân không nên chủ quan vì cho rằng tâm bão đã rời địa bàn Phú Yên…

Hùng Phiên

Bình Thuận: Quyết liệt di dời dân ra khỏi vùng tâm bão

10h trưa nay 4/12, ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh văn phòng Ban PCLB & tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, trong cuộc họp với các ban ngành sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Tấn Thành đã phân công các Phó chủ tịch và Giám đốc các sở về những vùng xung yếu mà theo dự kiến bão số 9 sẽ đi qua như huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, thị xã La-gi, TP Phan Thiết.

Cho đến 9h sáng nay, Bình Thuận đã di dời được 1.626 hộ (trong tổng số 6.590 hộ phải di dời khẩn cấp). Chủ tịch tỉnh yêu cầu các địa phương, bằng mọi biện pháp cho đến 12h trưa nay - 4/12, phải di dời xong hơn 6.000 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng khi tâm bão đi qua, đặc biệt là vùng ven biển phải quyết liệt di dời dân và có biện pháp bảo vệ tàu thuyền. Các huyện miền núi như Tánh Linh, Đức Linh quyết không được chủ quan và phải di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất khi có mưa lớn. Đến 10h trưa 4/12, hơn 7.300 tàu thuyền của Bình Thuận đã neo đậu an toàn vào các địa điểm tránh bão. UBND tỉnh yêu cầu tất cả các lực lượng quân đội, công an, các ban ngành và các địa phương hủy bỏ tất cả các cuộc họp và trực 24/24 giờ để đối phó với bão. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giáo dục cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày hôm nay 4/12 cho đến hết ngày mai 5/12 để chống bão. Lê Hân

Ninh Thuận: Sẽ hoàn thành việc di dời dân trước 12h trưa nay (4/12)

Từ sáng sớm hôm nay 4/12, phóng viên Báo Thanh Niên đã đi cùng Ban PCLB tỉnh Ninh Thuận về các vùng ven biển, nơi chịu ảnh hưởng rất lớn khi cơn bão số 9 đi qua, để nắm bắt tình hình di dời dân đến nơi an toàn.

Mặc dù đã đến 10h sáng nhưng trời vẫn không có mưa nhưng gió lớn nên việc di dời dân hết sức khó khăn. Chính quyền địa phương đã đi đến từng nhà động viên và thông báo về mức độ nguy hiểm của cơn bão số 9 cho từng người. Đưa xe đến từng khu phố để vận chuyển trẻ em và phụ nữ đến nơi cư trú an toàn. Bà Hoàng Thị Út Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ 5h sáng cho đến 10h hôm nay đã di dời được 2.000/7.000 dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Sau 12h trưa nay, nếu hộ dân nào không di dời thì kiên quyết cưỡng chế. Tất cả những người dân di dời đến nơi trú ẩn được cấp lương thực, nước uống và thuốc chữa bệnh. Hơn 2.000 người (gồm bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ, lực lượng Quân đội) đã xuống các xã, phường ven biển giúp dân gia cố nhà cửa, che chắn bờ kè đề phòng khi bão đến. Thiện Nhân

Di dời người dân đến nơi an toàn. Ảnh Thiện Nhân

Nam Trung bộ: Dốc toàn lực ứng phó bão số 9 (bão Durian)

Bão Drian với sức gió mạnh cấp 12 đang tiến vào các tỉnh Nam Trung bộ. Chính quyền và nhân dân các tỉnh nằm trong vùng (dự báo) cơn bão sẽ đi qua đang từng giờ dốc toàn lực ứng phó với cơn bão trái mùa này. Sau đây là ghi nhận của phóng viên Thanh Niên về công tác phòng chống bão tại các địa phương:

Phóng viên Đình Phú, Cao Nguyên từ Bình Định cho biết: Ngay từ sáng sớm 4/12, UBDN tỉnh đã huy động các lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên... trực tiếp xuống các địa bàn dân cư nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng do bão giúp dân chằng chống nhà cửa; tu bổ đê điều, kênh mương nội đồng và ứng trực tại các công trình thủy lợi.

Theo tin từ Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, vào sáng nay, có một chiếc sà lan chở 10.000 m3 gỗ từ Malaysia về nhập tại cảng Quy Nhơn, khi đang neo đậu trong khu vực cảng để bốc xếp gỗ đã bị bứt neo trôi dạt vào vùng biển Bãi Dại (thuộc khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Ngay sau đó, lực lượng Biên phòng đã tiếp cận và đưa ra phương án bảo vệ tài sản, phương tiện gặp nạn. Hiện trên sà lan còn 7.000m3 gỗ và rất có khả năng sóng to gió lớn có thể đánh vỡ thân sà lan.

Tại địa bàn phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã khẩn trương vận chuyển bao cát để gia cố nhà cửa cho các hộ dân ven biển. Tại khu neo đậu cảng cá Đề Gi (Phù Cát), nhiều tàu thuyền của ngư dân các vùng lân cận đã vào neo đậu trú bão an toàn từ những ngày qua. Tại xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), chính quyền sở tại cùng với Đồn Biên phòng 332 đã di dời hàng chục hộ dân có nhà cửa ven biển vào các trường học trú bão; kéo lên bờ 16 tàu cá của ngư dân. Về vấn đề lương thực, UBND xã Nhơn Châu đã kịp thời chuẩn bị 10 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân xã đảo trong thời gian bão số 9 hoành hành.

Sà lan mắc cạn tại vùng biển Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh Đình Phú

Sáng nay, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn khu vực Bình Định cho biết, từ ngày 2/12 đến sáng nay 4/12, lượng mưa bình quân tại các địa phương ven biển tăng cao. Lượng mưa đo được tại Quy Nhơn: 42,8mm, Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn): 44mm, Phù Cát: 34,1mm, Phù Mỹ: 28,6mm, An Lão: 64mm...

Tính đến thời điểm này (11h trưa nay), hơn 6.300 tàu thuyền của tỉnh Bình Định đã di chuyển khỏi các vùng biển nguy hiểm về nơi trú ẩn an toàn. Ban phòng chống lụt bão tỉnh này cho biết: trong đêm 3/12 và rạng sáng nay, các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng di dời 1.442 hộ dân với hơn 6.430 nhân khẩu ở các huyện, thành phố: Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn ra khỏi các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở...

Anh Huỳnh Cao Nhất - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định cho biết, gần 160 đội hình thanh niên xung kích mùa bão lũ với khoảng 3.000 đoàn viên, thanh niên đã liên tục ứng trực và phân tỏa về các khu vực dân cư giúp dân khi có tình huống bất lợi xảy ra. Sáng nay 4/12, theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học để đề phòng bất trắc.

Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định giúp dân chằng chống nhà cửa tại TP Quy Nhơn vào sáng 4/12. Ảnh Đình Phú

Phóng viên Trình Kế từ Phú Yên tường thuật: Từ ngày hôm qua 3/12 cho đến hôm nay, toàn bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Yên tập trung toàn lực cho công tác phòng chống bão số 9. Trên 2.000 cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã được huy động đến các địa phương nơi xung yếu để giúp dân di dời tài sản, bảo vệ an ninh trật tự trước, trong và sau bão. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liên lạc, kêu gọi hướng dẫn và tổ chức cho toàn bộ 4.200 phương tiện đánh bắt hải sản neo đậu tại các bến, bãi tập trung ở các điểm: Đầm Cù Mông (huyện Sông Cầu), cảng Cá Tiên Châu, bến Lễ Thịnh, sông Bình Bá (huyện Tuy An), thôn Vũng Rô, Đông Tác (huyện Đông Hòa); cửa sông Đà Rằng dọc theo sông Chùa... Lực lượng bộ đội Biên phòng đã gọi được trên 200 phương tiện đánh bắt xa bờ vào bờ trú bão an toàn. Hiện còn 161 phương tiện với 1.093 ngư dân khác đang đánh bắt ngoài khơi ở các tỉnh Hải Phòng, Kiên Giang, Cà Mau - không chịu ảnh hưởng của bão số 9. Số tàu thuyền này vẫn liên lạc thường xuyên với cơ quan chức năng.

Một trường hợp đáng tiếc đã xảy ra tại huyện Sông Cầu ngay trong lúc cơn bão chưa đổ bộ vào đất liền. Ông Nguyễn Kháng (51 tuổi, ở Bãi Rạng, Thôn 1, xã Xuân Hải, huỵên Sông Cầu) do bất cẩn trong lúc chèo thúng chai từ thuyền lớn vào bờ đã bị sóng biển cuốn trôi mất tích từ sáng 2/12 đến nay vẫn chưa tìm được xác. Tại cửa biển Lễ Thịnh, xã An Ninh Đông lúc 10h sáng nay, trên 2.000 chiếc tàu thuyền của bà con tại các xã An Ninh Đông, An Chấn, An Hải và An Hòa đang tranh nhau chỗ đậu rất khó khăn vì cửa biển cạn và chật hẹp. Tại đây  đã có 4 chiếc tàu bị mắc cạn, đã được nhân dân hỗ trợ kéo lên bờ.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong cuộc họp với tỉnh chiều qua, UBND tỉnh Phú Yên đã hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng tránh cơn bão số 9. Vấn đề quan trọng số 1 vẫn là công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân sống ven vùng triều cường thuộc các xã ven biển như An Hòa, An Chấn, An Ninh Đông (huyện Tuy An); Xuân Hải, Xuân Thịnh (huyện Sông Cầu); một số xã ven biển của huyện Đông Hòa... Một số xã sống ven núi, ven sông của một số huyện miền núi Đồng Xuân, Tây Hòa, Sông Hinh cũng đều có các đội xung kích ứng trực sẵn sàng di dời dân khi cần thiết. Được biết từ hôm qua và đến hết ngày hôm nay toàn tỉnh Phú Yên di dời 600 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, từ rạng sáng nay sóng biển và thủy triều đã lớn dần và uy hiếp trực tiếp đến một số địa phương ven biển. Tại thôn An Vũ, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) có 40 hộ dân đã di dời người, nhưng nhà cửa, tài sản vẫn còn. Tại đây sóng đã đánh sập 120m và khoét sâu 4m vào khu vực nhà dân. Sáng nay, ông Nguyễn Phụng Ngoạn - Phó chủ tịch UBND huỵên Tuy An đang chỉ đạo lực lượng tại chỗ dùng bao cát chắn sóng. Tuy nhiên với dự báo đêm nay và sáng mai sóng sẽ mạnh lên thì nguy cơ một số vùng sẽ không chịu nổi. Tỉnh Phú Yên đang tăng cường lực lượng hỗ trợ.

Trên 200.000 học sinh các cấp học từ mầm non đến các trường CĐ, THCN trên địa bàn Phú Yên được Sở GD - ĐT tỉnh Phú Yên thông báo nghỉ học trong ngày hôm nay 4/12. Tỉnh đoàn Phú Yên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huy động 161 đội thanh niên xung kích với hơn 2.300 thanh niên đã có mặt ở 9/9 huyện, thành phố. Lực lượng này sẽ ứng trực 24/24 ở những địa bàn xung yếu đến hết bão số 9. Tỉnh Phú Yên đang tập trung toàn lực để hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản do ảnh hưởng của bão số 9. Nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên đang có mưa to, gió lớn, mực nước các sông suối đang lên. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm này, tôm hùm giống xuất hiện khá nhiều ở các vùng biển thuộc huyện Tuy An, Sông Cầu. Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo không được ra khơi nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp hiểm nguy hành nghề đánh bắt tôm hùm giống...

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng một số người dân Phú Yên vẫn ra khơi bắt tôm hùm giống trong lúc sóng to gió lớn. Ảnh Trình Kế

* Khánh Hòa: Sáng nay (4/ 12), tại thành phố Nha Trang, một cuộc họp khẩn cấp giữa các ban, ngành hữu quan của tỉnh Khánh Hòa để bàn về công tác phòng chống trước cơn bão số 9 đang tiến vào đất liền, mà trọng tâm là triển khai các biện pháp cấp bách để di dời khẩn cấp trên 10.000 dân tới nơi an toàn. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa: đến 7h ngày 4/12, vẫn còn hơn 10.000 người (chủ yếu tại các huyện: Vạn Ninh, Cam Ranh và thành phố Nha Trang) ở trong diện phải di dời tránh bão vẫn trụ lại giữ nhà cửa ven cửa sông, ven biển; hoặc tại các lồng bè nuôi tôm trên biển, tập trung. Suốt chiều tối và đêm qua, chính quyền các địa phương, các lực lượng quân đội đã phối hợp vận động, cưỡng chế và giúp dân chuyển tài sản của hơn 2.550 hộ với tổng số 13.177 người đến trú tạm tại các công sở, các công trình công cộng nằm sâu trong đất liền, nhưng tới sáng 4/12 vẫn còn hơn 10.000 người chưa chịu di dời.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo bằng văn bản cho chính quyền cơ sở thực hiện các biện pháp cưỡng chế để di dời đồng bào tới nơi an toàn; đồng thời cử 4 đoàn công tác về phối hợp chỉ đạo công tác đối phó với bão tại các địa phương vùng trọng điểm. Ông Trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát cũng chỉ đạo: trước khi bão đổ bộ vào đất liền, tỉnh Khánh Hoà cần huy động tối đa các lực lượng, tiếp tục biện pháp cưỡng chế để di dời toàn bộ số dân chưa sơ tán, chủ yếu là trên 1.400 dân tại đầm Môn, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) và gần 1.000 người ở vịnh Nha Trang đang nuôi tôm cá bằng lồng trên biển. Địa phương nào còn để người ở lại ở những nơi nguy hiểm, để dẫn đến chết người trong bão, thì chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Do chủ quan vì suốt 60 năm qua, Khánh Hòa chưa có cơn bão nào gây ảnh hưởng trực tiếp, nên tới giờ phút này, hầu hết các hộ dân ở Khánh Hòa vẫn chưa chằng chống nhà cửa; thậm chí có một số cần cẩu thi công xây dựng các công trình cao tầng vẫn chưa được hạ xuống hoặc tháo dỡ. TTXVN

Lâm Đồng: Triệu tập cuộc họp khẩn cấp đối phó với cơn bão số 9. Sáng 4/12, ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng, kiêm Trưởng ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các thành phố Đà Lạt, huyện, thị trong tỉnh cùng các ban ngành liên quan để triển khai thực hiện các công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ.

Trước nhận định, tâm bão số 9 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Hoàng Sĩ Sơn chỉ đạo trong hai ngày 4 - 5/12 các địa phương, ban ngành tạm ngưng tất cả các cuộc họp không cần thiết, tập trung lực lượng triển khai ngay các biện pháp phòng chống lụt bão phù hợp với đặc điểm tình hình mỗi địa phương. Để đảm bảo tính mạng cho học sinh, Sở Giáo dục ban hành công văn khẩn cho học sinh nghỉ học trong ngày 5/12. Các ngành Công an, Quân đội tăng cường lực lượng giúp các địa phương đối phó với bão. Sở Nông nghiệp tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến các hạng mục công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước để có phương án điều tiết nước hợp lý bảo đảm an toàn cho công trình và nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Lâm Viên

Ngay sau cuộc họp khẩn cấp Công ty Quản lý công trình Đà Lạt cho chặt tỉa ngay những cây thông có nguy cơ ngã đổ

* Tại Đắk Nông: Sáng nay (4/12), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống ảnh hưởng của cơn bão số 9 tại địa phương.

Các cơ quan quân sự, bộ đội biên phòng, công an, giao thông vận tải bố trí ngay các phương tiện cứu nạn ở những dòng sông lớn như sông Sêrêpốt, ĐắkTích, Đồng Nai và Đắk Nông sẵn sàng di dời và cứu hộ người dân khi có mưa bão, nước sông dân cao. Ngành công an thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân khi có mưa bảo xảy ra. Chính quyền các huyện thị phải thực hiện ngay biện pháp đề phòng nguy cơ xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; học sinh ở những vùng nguy hiểm, phải qua sông đi học thì cho tạm nghỉ học và bố trí học bù vào thời gian khác. TTXVN

* Cũng trong sáng nay 4/12, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Bình Dương cùng với các sở, ngành, huyện, thị đã họp khẩn cấp để đối phó với cơn bão số 9. Điều đáng lo ngại là: địa bàn tỉnh nằm dưới các hồ chứa nước lớn như hồ Dầu Tiếng, Trị An, Cần Đơn, Thác Mơ... và hiện nay, hồ Dầu Tiềng đang xả lũ với lưu lượng 200m3/giây. Theo cảnh báo, nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ vượt 400m3/giây sẽ có hàng chục xã ven sông Sài Gòn của tỉnh Bình Dương bị ngập nặng. Ngoài ra, chưa tính đến triều cường sẽ còn gây nhiều khu vực khác ngập sâu trên diện rộng và cô lập nhiều khu vực như xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, xã An Long huyện Phú Giáo và nhiều xã ven sông ở huyện Thuận An có khả năng vỡ đê, các xã huyện Tân Uyên nằm gần sông Đồng Nai sạt lở đất.... Đặc biệt, nhiều huyện như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát của tỉnh Bình Dương có nhiều con suối thường gặp lũ quét hết sức nguy hiểm. Hơn nữa, trên địa bàn huyện Bến Cát có hàng ngàn hecta đất Khu công nghiệp Mỹ Phước mới đang giải phóng mặt bằng, chưa có nhà máy, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh nên dễ dẫn đến lũ quét. Đó là những cảnh báo do mưa lũ, địa phương tỉnh Bình Dương chưa thể lường hết được nếu như ảnh hướng trực tiếp bão số 9 đi ngang qua sẽ gây ảnh hưởng hàng ngàn nhà máy, đặc biệt hàng chục ngàn nhà trọ tạm bợ công nhân đang ở thuê sẽ hết sức nguy hiểm...

Trước tình hình trên, ngay trong sáng nay 4/12, các địa phương được dự báo bị ảnh hưởng ngập do xả lũ đã chuẩn bị phương án sơ tán dân lên vùng cao. Di dời các lồng bè nuôi cá trên các sông và thu hoạch gấp các hồ nuôi thủy sản nằm dọc theo sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Ban chỉ đạo yêu cầu Sở giao thông kiểm tra gấp các bến đò ngang hoạt động trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, các bến đò không an toàn nên ngừng hoạt động trong thời gian có bão; đồng thời yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp và đồng bào chằng chống nhà xưởng, nhất là những nhà ở tạm bợ mà công nhân đang thuê trọ.

* Tại Tây Ninh: Để chủ động phòng chống cơn bão số 9, ngay từ chiều 3/12, UBND tỉnh đã họp khẩn cấp triển khai phòng chống bão, với phương châm 4 tại chỗ. Tỉnh chỉ đạo: di dời ngay dân ở các khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, rạch Tây Ninh, nhất là các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp từ nước xả lũ hồ Dầu Tiếng. Các khu vực khác có biện pháp chằng chống kho tàng, nhà cửa, đảm bảo an toàn cho các công trình, hồ đập. Tây Ninh không chỉ liên tục thông tin về diễn biến cơn bão, mà còn chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã bố trí lực lượng trực 24/24h để sẵn sàng đối phó với bão. Từ 17h ngày 3/12, Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng đã quyết định cho xả nước qua đập tràn với lưu lượng 200m3/giây. Sau đó tùy theo tình hình mưa bão, có thể lưu lượng xả lũ sẽ lớn hơn nhằm chủ động bảo vệ an toàn công trình trong những ngày có bão lớn. TTXVN

* Tại Bà Rịa- Vũng Tàu: ngay sau khi bão số 9 mạnh dần lên và chuyển hướng xuống phía Nam, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện các biện pháp quyết liệt gọi 1.210 ghe, tàu của ngư dân đang còn khai thác ngoài khơi vào bờ và tới chiều 3/12, chiếc ghe cuối cùng đã neo đậu an toàn tại cảng Bến Đá thành phố Vũng Tàu. Toàn bộ 3.595 ghe, tàu của tỉnh với 27.337 ngư dân và thủy thủ đã tìm được nơi neo trú an toàn (trong đó, 3.213 ghe, tàu với 24.469 ngư dân neo trú tại các cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu; 382 ghe, tàu với 2.868 ngư dân neo trú tại Côn Đảo và các tỉnh ven biển Tây Nam bộ). Ngoài ra 457 ghe, tàu ngoại tỉnh (đông nhất là Bình Định với 333 chiếc) đang hoạt động, lưu thông trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xin cập các cảng của tỉnh neo tránh bão. Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh phối hợp với các cảng đã tích cực hướng dẫn các ghe, tàu vào vị trí neo đậu, neo buộc đúng quy cách để đề phòng những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Các đơn vị Biên phòng tỉnh đang duy trì chế độ trực 24/24h để xử lý, sẵn sàng ứng cứu bảo đảm tài sản và của cải của nhân dân. TTXVN

 

ĐANG TIẾP TỤC CẬP NHẬT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.