Bảo tàng Bình Định nói gì về tường thành cổ bí ẩn dưới biển?

Thanh Quân
Thanh Quân
04/08/2023 14:15 GMT+7

Tại xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn, Bình Định) có một tường thành cổ dưới biển, đến nay nguồn gốc về bờ tường này vẫn là một bí ẩn.

Tường thành nối liền vách đá thôn Hải Nam (xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn) ra đến đảo Hòn Khô của thôn Hải Đông. Bề mặt tường thành phẳng, rộng hơn 10m nhưng độ cao chưa xác định được. Nhiều ngư dân ở địa phương khẳng định tường thành này không xây bằng đá hoặc gạch, mà bằng hồ vữa đặc nguyên khối.

Vì sao tường thành dưới đáy biển Quy Nhơn vẫn luôn bí ẩn? - Ảnh 1.

Tường thành cổ dưới biển TP.Quy Nhơn

THANH QUÂN

Cách tường thành không xa, tại thôn Hải Giang (hơn 5 km) cũng có bờ thành chìm dưới mặt nước biển, thủy triều xuống sẽ nhìn thấy đoạn thành dài hơn 3 km ở gần bờ, người dân địa phương gọi là Rạng Cầu. 

Hai đoạn bờ thành này có kết cấu giống nhau, nên nhiều người cho rằng đó là một tường thành kéo dài. Tuy nhiên, không ai tính chính xác tường thành này dài đến đâu và được xây dựng từ thời nào.

Vùng núi thôn Hải Giang lại có một lũy đá kéo dài, bao quanh đỉnh núi Tam Tòa (thuộc hệ thống núi Phương Mai) của khu vực Hải Minh (P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn). Lũy được xây dựng bằng cách xếp chồng những viên đá núi có nhiều kích cỡ khác nhau. Ở những nơi còn nguyên vẹn, chiều cao của lũy đá khoảng từ 1 - 1,5m, đáy rộng 2m, bề mặt rộng 1,2m.

Vì sao tường thành dưới đáy biển Quy Nhơn vẫn luôn bí ẩn? - Ảnh 2.

Tường thành lộ thiên khi nước cạn

THANH QUÂN

Các chuyên gia nhận định, tường thành Nhơn Hải và lũy đá trên núi Tam Tòa là những công trình phòng thủ khác nhau. Theo thư tịch cổ để lại thì người Champa xây dựng 4 thành lớn tại Bình Định gồm: Thị Nại (H.Tuy Phước), Đồ Bàn (TX.An Nhơn), Chas (TX.An Nhơn), Uất Trì (H.Tây Sơn) và một số thành nhỏ khác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện có tư liệu nào nhắc đến bờ thành được xây dựng ở vùng biển Nhơn Hải.

Người dân xã Nhơn Hải cho biết, không rõ các tường thành ở đây có từ bao giờ, từ hơn 40 năm trước đã nhìn thấy khi thủy triều xuống. Mỗi tháng, chỉ có một vài ngày nước cạn, tường thành mới lộ rõ, thường là vào mùng 1 và ngày rằm (âm lịch).

Đến nay, công tác khảo cổ bờ tường vẫn đang gặp nhiều khó khăn nên tường thành tiếp tục là một bí ẩn. Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: "Chúng tôi đã lấy nhiều mẫu ở tường thành này để nghiên cứu, hiện vẫn chưa có kết quả. Cho tới nay vẫn không có bất kỳ tài liệu nào nói về nguồn gốc của tường thành này. Để có thể chắc chắn về nguồn gốc phải gửi mẫu ra nước ngoài giám định, nhưng kinh phí rất lớn nên chưa thực hiện được".

Ngoài ra, ông Tĩnh cũng chia sẻ, những năm gần đây, có rất nhiều đơn vị đã đến khảo sát và tìm hiểu về tường thành, nhưng vẫn chưa có kết luận về nguồn gốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.