Suốt 25 năm nay, ông Nguyễn Mạnh Hiệp, cựu chiến binh sống ở Q.Tây Hồ, Hà Nội bôn ba khắp các chiến trường xưa và các cửa hàng phế liệu để sưu tầm hơn 1.000 kỷ vật chiến tranh.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp đã sưu tầm hơn 1.000 kỷ vật chiến tranh - Ảnh: Hoàng Trung Hiếu
|
Năm 1967, tuy thuộc diện được miễn nhập ngũ (vì có anh trai là liệt sĩ), nhưng người thanh niên 18 tuổi Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn xếp bút nghiên, tình nguyện vào quân ngũ. Cuối năm 1969, ông bị thương nặng trên chiến trường Hải Lăng (Quảng Trị), đồng đội chuyển ông về tuyến sau điều trị. Sau đó ông được điều về làm cán bộ khung, huấn luyện tân binh cho các đơn vị. Cuối năm 1972, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Văn hóa rồi về Bộ GTVT đến lúc nghỉ hưu.
|
Khi được hỏi về ý tưởng lập bảo tàng, ông chia sẻ: “Bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường ác liệt. Tôi muốn được làm gì đó để giữ những đồng đội năm xưa mãi bên tôi, cũng để thế hệ trẻ bây giờ biết đến và trân trọng những giá trị thuộc về lịch sử”. Thoạt đầu, thấy ông khuân về nhiều thứ cũ gỉ sét như vỏ bom đạn... bày đầy nhà, lại tốn tiền, bà Phan Hồng Liên (vợ ông) tỏ ra không vui, nhưng rồi hiểu ra suy nghĩ của chồng, bà hết lòng ủng hộ. Từ năm 1990, ông Hiệp lặn lội khắp các chiến trường xưa, đi các tỉnh thành, tìm vào các bãi phế liệu, bỏ tiền túi sưu tầm các “ký ức chiến tranh” còn sót lại đó đây.
Chính thức ra mắt công chúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN 22.12.2011 tại số 9 ngõ 144/2 An Dương Vương (Q.Tây Hồ, Hà Nội), “bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông Hiệp là căn nhà hơn 30 m2, bên trong có các tủ kính trưng bày hiện vật, bên ngoài trưng bày đủ loại vỏ đạn pháo, tên lửa, mảnh xác máy bay trực thăng... Đặc biệt, ông còn lưu trữ hơn cả ngàn tấm ảnh sinh động chưa từng công bố, gồm rất nhiều ảnh tư liệu do phía bên kia chụp và những hình ảnh các nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Gặp chúng tôi tại bảo tàng, cựu chiến binh, đại tá Nguyễn Xuân Hoạt (sống tại Vinh, Nghệ An) nói ông rất trân trọng công sức sưu tầm hiện vật chiến tranh của ông Hiệp. “Đây là việc làm rất có ý nghĩa. Các cựu chiến binh chúng tôi có thêm một điểm đến quen thuộc để cùng nhau ôn lại những năm tháng máu lửa hào hùng”, ông Hoạt nói. Còn đại tá Hồ Hữu Lạng (Nghệ An) thì chia sẻ: “Anh Hiệp là người có tâm với đồng đội, việc làm bảo tàng của anh rất hợp lòng anh em đồng chí. Tôi rất cảm động nên hôm nay tôi mang tới đóng góp bộ sưu tập 40 tấm ảnh cho bảo tàng”.
Bình luận (0)