Bảo tàng do cộng đồng làng đầu tư và tổ chức trưng bày giới thiệu về truyền thống của một làng nghề nhiếp ảnh. Bảo tàng được xây dựng ở giữa làng, cạnh đình Đụn, dự kiến 3 tầng, nhưng trong giai đoạn khai trương mới dừng lại ở 2 tầng với tổng diện tích trưng bày gần 300 m2.
Bảo tàng trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Bảo tàng sử dụng ánh sáng đèn là chính, đồ họa có tính chuyên nghiệp, ngôn ngữ sử dụng trong các thuyết minh là tiếng Việt và tiếng Anh (ảnh). Trưng bày được thực hiện trong thời gian 2 năm kể từ ngày bắt đầu nghiên cứu tìm kiếm tư liệu. Những người chịu trách nhiệm nội dung và trưng bày có PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học và bà Veronique Dollfus, chuyên gia tư vấn thiết kế bảo tàng người Pháp. Là con cháu của làng, ông Huy cũng đã dựng bảo tàng về cha mình là nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên.
Câu chuyện làng nghề trong bảo tàng được kể từ khi ông tổ nghề Nguyễn Đình Khánh mang nghề nhiếp ảnh về làng, truyền dạy cho các học trò cũng là người thân trong làng của mình, sau đó họ cùng nhau gây dựng để nhiếp ảnh trở thành một làng nghề. Bảo tàng cũng “kể” câu chuyện những người dân Lai Xá đã gây dựng các hiệu ảnh trên khắp cả nước như thế nào, xây dựng thương hiệu ảnh của mình ra sao, đã đóng góp gì vào sự phát triển văn hóa ảnh ở nước ta.
Việc ra đời của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá sẽ góp thêm một điểm đến nữa trong làng, bên cạnh Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery ảnh Nguyễn Anh Tuấn cùng các hiệu ảnh trong thôn. Điều này tạo ra một mạng lưới giới thiệu thế mạnh về di sản văn hóa truyền thống của làng, hướng tới việc làng Lai Xá sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch - làng nghề mới của Hà Nội.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Có thể đọc nhiều về câu chuyện nhiếp ảnh ở đây. Đây có lẽ là bảo tàng làng nghề đầu tiên ở nước ta”.
Bình luận (0)