Bảo tàng Nam Định 'mở chợ' cổ vật

10/09/2016 14:58 GMT+7

Nhờ giao lưu với giới chơi cổ vật , Bảo tàng tỉnh Nam Định đã nhận được rất nhiều cổ vật hiến tặng.

Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, cơ quan này từng "mở chợ" cổ vật vào ngày 7 tháng Giêng, trùng với ngày họp chợ Viềng. Chợ Viềng vốn nổi tiếng về mua bán đồ cổ, thu hút người chơi cả nước nên bảo tàng cũng tổ chức chợ đồ cổ vào dịp này để người chơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm để tránh mua phải đồ rởm, đồ giả.
Từ mục đích này, Bảo tàng tỉnh Nam Định nay đã tổ chức các phiên chợ thường xuyên về cổ vật. Theo anh Trần Trung Hưng, hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường, các buổi họp của hội này hầu như đều tổ chức tại Bảo tàng Nam Định. Các buổi họp chợ cổ vật tổ chức tại đây cũng thuận lợi vì không gian rộng, có nơi trưng bày, lại được cán bộ, nhân viên bảo tàng là những người am hiểu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cổ vật.
Anh Trung cho biết, khi đã say mê, người chơi không tiếc tiền, nhưng trình độ làm giả đồ cổ bây giờ rất tinh vi, nhiều người mất cả trăm triệu, thậm chí tiền tỉ vì mua phải đồ giả, nên sự tư vấn ở "chợ" là rất cần thiết. Còn theo anh Trần Văn Phúc, một người chơi đồ cổ lâu năm tại TP.Nam Định, "chợ" cổ vật tại Bảo tàng Nam Định hấp dẫn giới chơi cổ vật vì cơ quan này còn sẵn sàng mời các chuyên gia có uy tín của Bảo tàng Lịch sử VN, các nhà sử học về nói chuyện, cung cấp thông tin cũng như giúp giám định cổ vật.
Nhờ tổ chức các buổi chợ đồ cổ, mối quan hệ của Bảo tàng Nam Định với giới sưu tầm đồ cổ được gắn kết và nhiều người đã đến đây hiến tặng cổ vật. Gần đây nhất, ngày 30.6, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tiếp nhận 55 cổ vật thời Lê - Nguyễn và các hiện vật Trung Quốc từ thế kỷ 16-19, do ông Nguyễn Thanh Nam, một nhà sưu tầm ở H.Thanh Trì (Hà Nội) hiến tặng. Dịp này, Bảo tàng Nam Định cũng nhận được 22 cổ vật là đồ đồng, đá, thủy tinh... là hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh, Phùng Nguyên, Đồng Đậu... do ông Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử trao tặng. Đây cũng là các hiện vật có giá trị về nghiên cứu cũng như giá trị thương mại.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, khoảng 10 năm nay, bảo tàng đã tiếp nhận 15 lần hiến tặng với 960 cổ vật, trong đó nhiều món có giá trị mà dân chơi cổ vật "thèm khát". “Chúng tôi nhận được nhiều cổ vật vì bảo tàng đã đầu tư rất nhiều công sức để các phiên chợ cổ vật đem lại kiến thức, lợi ích cho người tham gia. Đặc biệt, sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã hết sức quảng bá, trưng bày để nhiều người cùng biết. Nhờ vậy, Bảo tàng Nam Định đã có được một kho hiện vật đa dạng, phong phú, không kém nhiều bảo tàng cấp quốc gia mà nếu chỉ trông vào ngân sách thì không bao giờ có”, ông Thư cho biết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.