Bảo tàng online của CIA về chiến tranh VN

01/05/2017 08:52 GMT+7

Từ máy đếm voi đến bản đồ 14 điểm sơ tán khỏi Sài Gòn, bảo tàng trên mạng này trưng bày nhiều vật dụng từng được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sử dụng trong cuộc chiến tại VN.

Trái với các bảo tàng trên thế giới luôn mở cửa chào đón khách tham quan, bảo tàng của CIA không dành cho công chúng khi lưu giữ nhiều thiết bị, tài liệu tuyệt mật được thu thập trong gần 70 năm hoạt động. Nằm trong một góc khuất tại trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia, bảo tàng lưu giữ hơn 3.500 hiện vật đa số chưa giải mật và hiện vẫn được sử dụng trong công tác tuyển dụng, huấn luyện và hoạt động của cơ quan này.
Cùng với một số ít hiện vật đôi khi được mang đi trưng bày tại các cuộc triển lãm phối hợp với các thư viện tổng thống Mỹ, bảo tàng hiện công khai 211 hiện vật được giải mật và “trưng bày” trên phiên bản bảo tàng online, trong đó có 24 hiện vật liên quan đến hoạt động bí mật của tình báo Mỹ trong cuộc chiến tranh VN và tại Đông Dương. Theo trang Global Voices, bảo tàng online cung cấp cái nhìn rõ hơn về vai trò của Mỹ trong việc tác động và thay đổi tình hình thế giới.
Một góc bảo tàng của CIA tại Langley, bang Virginia Ảnh: Bảo tàng CIA

Máy đếm... voi
Một trong các thiết bị CIA từng sử dụng trong cuộc chiến tại VN mang tên “máy đếm voi”. Đây là thiết bị có khả năng theo dõi số lượng người và hàng hóa vận chuyển từ xa. Thiết bị này được CIA cho ra đời vào thập niên 1960 để theo dõi việc bộ đội ta từ miền Bắc tiếp tế và chi viện cho miền Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh nằm gần biên giới Lào và Campuchia.
Theo website bảo tàng, trước đây CIA thuê một số người Lào cung cấp thông tin tình báo về hoạt động của bộ đội ta. Tuy nhiên, do những người này mù chữ nên máy đếm voi được chế tạo để bổ sung khả năng thu thập tin. Loại máy này thu nhận hình ảnh bộ đội, xe tải, xe máy, xe bò, xe đạp, xe tăng, súng cối, lừa và cả... voi. Mỗi hình ảnh được chụp sẽ có nút vặn để điều chỉnh số lượng tương ứng. Thiết bị còn có một nút bấm để gửi thông tin thu thập được đến máy bay Mỹ nhằm mục đích tấn công ngăn chặn đường tiếp tế của bộ đội. CIA nhận định thiết bị này sáng tạo về mặt ý tưởng và thiết kế nhưng lại không hiệu quả trong điều kiện thực tế.
Chiếc “máy đếm voi” này dùng ghi nhận hình ảnh của bộ đội ta trên đường mòn Hồ Chí Minh
Bản đồ 14 điểm sơ tán khỏi Sài Gòn
Những ngày cuối cùng của chiến tranh VN, CIA chuẩn bị kế hoạch sơ tán khỏi Sài Gòn, với một tấm bản đồ xác định 14 địa điểm tập trung khẩn cấp trong Chiến dịch Gió lốc (Frequent Wind). Đây là chiến dịch do thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện, dùng trực thăng di tản người Mỹ và các quan chức, tướng lĩnh của chính quyền Sài Gòn từ ngày 29 - 30.4.1975. Khi đó, CIA và Hãng hàng không Air America đã phối hợp triển khai kế hoạch di tản tại 14 địa điểm phần lớn nằm ở Q.1, Q.3 và Q.Phú Nhuận ngày nay. Đáng chú ý, điểm sơ tán số 9 là nơi phóng viên ảnh Hubert van Es của Hãng tin UPI chụp được bức ảnh trực thăng đáp xuống sân thượng tòa nhà số 22 Gia Long (nay là Lý Tự Trọng, Q.1) để sơ tán người Mỹ rời Sài Gòn ngày 29.4.1975. Air America cũng chính là hãng hàng không mang “vỏ bọc” tư nhân do CIA điều khiển từng tham gia nhiều nhiệm vụ bí mật tại VN và Lào.
Chiến dịch giải cứu phi công
Trong số các hiện vật lưu giữ tại bảo tàng của CIA có bức tranh do họa sĩ người Mỹ chuyên vẽ tranh về hàng không Keith Woodcook thực hiện, tặng cho bảo tàng năm 2008. Bức tranh mô tả chiến dịch giải cứu phi công một máy bay Mỹ bị bắn rơi tại cánh đồng Chum ở Lào, do Air America thực hiện.
Tranh vẽ một chiến dịch giải cứu phi công Mỹ bị bắn rơi ở cánh đồng Chum tại Lào
Vào những năm 1960, CIA phát động một cuộc “chiến tranh bí mật” ở Đông Dương nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền Bắc cho miền Nam VN theo con đường qua Lào. CIA đã huấn luyện các nhóm bán vũ trang tại đây và cung cấp tiếp tế bằng đường hàng không, do điều kiện đi lại bằng đường bộ rất khó khăn. Dù máy bay Mỹ có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết bất thường và hạ cánh trên địa hình khó khăn, nhưng cũng không thoát khỏi nguy cơ bị bộ đội VN và Pathet Lào bắn hạ. Air America liền thành lập lực lượng đối phó gồm các máy bay tấn công hạng nhẹ T-28D và trực thăng tìm kiếm và cứu hộ UH-34D. Bức tranh của ông Woodcook vẽ một máy bay UH-34D đáp xuống cánh đồng Chum để cứu hộ 2 phi công trên chiếc T-28D bị bắn rơi. Cùng với bức tranh, bảo tàng online của CIA chú thích thêm rằng cánh đồng Chum là một trong những nơi bị ném bom nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên theo Global Voices, bảo tàng này lại không nói rõ nhiều quả bom ném xuống không nổ và vẫn gây thương vong cho người dân Lào đến ngày nay.
Bảo tàng còn trưng bày chiếc đèn tín hiệu hồng ngoại được CIA chế tạo từ chiếc đèn dầu Coleman thông thường, còn gọi là đèn măng xông. Chiếc đèn dầu được cải tiến phát ra tia hồng ngoại có thể nhìn thấy từ xa và được dùng để đánh dấu các vị trí thả quân từ máy bay hoặc hạ cánh trong chiến tranh tại VN. Ngoài ra, còn nhiều hiện vật khác như thiết bị gây nhiễu tín hiệu, dao xếp bỏ túi của lính dù hay các loại rựa của lính Mỹ dùng để mở lối đi trong rừng.
Chiếc đèn dầu được cải tiến phát ra tia hồng ngoại có thể nhìn thấy từ xa
Bảo tàng của CIA được cựu Giám đốc William E.Colby đề xuất thành lập vào năm 1972. Khi đó, ông chỉ đạo hội đồng mỹ thuật và các bộ phận trực thuộc khác xác định những vật dụng, tư liệu có giá trị quan trọng để tạo nên “một bộ sưu tập chọn lọc”. Khi mở rộng trụ sở tại Langley, Virginia vào năm 1980, CIA đã xây thêm một bảo tàng và thành lập văn phòng giám đốc bảo tàng.
Bảo tàng CIA ngày nay trở thành nơi lưu trữ nhiều bộ sưu tập từ quần áo hóa trang, vũ khí, thiết bị đặc biệt, huy chương, huy hiệu và những bản ghi chép. Ngoài những bộ sưu tập của chính CIA, bảo tàng còn giữ các vật phẩm từ Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS) là tiền thân của CIA, cũng như từ các tổ chức tình báo nước ngoài. Một số vật phẩm bảo tàng thường mang đi trưng bày đều đã được giải mật. Hiện bảo tàng này không mở cửa phục vụ khách tham quan vì nằm trong khuôn viên trụ sở CIA. Đến năm 2012, một phần bảo tàng này được đưa lên mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.