Bảo tàng về cha mẹ tôi xưa...

17/02/2015 05:57 GMT+7

(TN Xuân) “Cô nghe có biết bài hát này của ai không, bài Ngọc lan của Dương Thiệu Tước. Một bài hát của những năm 1930”, Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy hỏi rồi xoay người vị khách về phía một chú thích ảnh. Trên đó, có câu chuyện tình dang dở của một thành viên gia đình ông...

(TN Xuân) “Cô nghe có biết bài hát này của ai không, bài Ngọc lan của Dương Thiệu Tước. Một bài hát của những năm 1930”, Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy hỏi rồi xoay người vị khách về phía một chú thích ảnh. Trên đó, có câu chuyện tình dang dở của một thành viên gia đình ông...

 
Ảnh cưới của ông bà Giáo sư Nguyễn Văn Huyên được trưng bày trong bảo tàng. Trong ảnh: Hai ông bà ăn mặc theo lối truyền thống
Ảnh cưới của ông bà Giáo sư Nguyễn Văn Huyên được trưng bày trong bảo tàng. Trong ảnh: Hai ông bà mặc theo lối truyền thống - Ảnh: nhân vật cung cấp
Bài ca Ngọc lan
Bàn tay của vị khách thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đột nhiên đưa vụt lên ngang cổ rồi ấn mạnh xuống như muốn nén điều gì thật xáo trộn đang trỗi dậy. Cô vừa đọc xong một chú thích ảnh, ở đó con gái bà Huyên kể về thời trẻ của mẹ mình. “Hồi mẹ 13 tuổi, ông ngoại nhận gả mẹ cho một người họ Dương Thiệu. Năm 16 tuổi, khi biết chuyện, mẹ đòi ông sêu trả 3 năm. Tục lệ xưa, khi đã được nhận lễ, hằng năm nhà trai biếu tết nhà gái cho đến khi con gái họ đến tuổi gả chồng. Nhà gái phải trả lễ nếu phá bỏ lời ước. Lễ đó gọi là sêu trả”, bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, con gái đầu của vị Bộ trưởng Giáo dục suốt gần 30 năm hồi tưởng.

Cái còn lại là giá trị mà người ta lựa chọn. Như mẹ tôi, đã luôn chọn giá trị gia đình và tình yêu

Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy
“Đây chính là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết để tặng bà. Chúng tôi kể câu chuyện này trong bảo tàng để nói về thời điểm xã hội Việt Nam đang chuyển từ hôn nhân bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy sang hôn nhân tự do. Mẹ tôi chính là một trung gian của câu chuyện đấy. Trong khi nhiều người bạn của bà đều không hạnh phúc. Vì trong số họ chỉ có bà là tự dấn thân”, Phó giáo sư Huy nhớ lại. Ngọc lan sau đó trở thành một trong những nhạc phẩm tiêu biểu của vị nhạc sĩ tài hoa thời kỳ đầu tân nhạc. Hình dung về chuyện tình dang dở ấy chỉ còn lời ca về nhành liễu nghiêng nghiêng trong nắng thơm ngoài song cửa đến tận bây giờ...
“Cái còn lại là giá trị mà người ta lựa chọn. Như mẹ tôi, đã luôn chọn giá trị gia đình và tình yêu”, ông Huy nói chậm rãi, trong giọng nói ngân khẽ lòng tự hào kín đáo. “Trong suốt những năm cải cách ruộng đất đầy xáo trộn, mẹ đã từ chối nhiều việc mà người khác cùng cực cũng phải làm. Nhiều gia đình trí thức cũng có con cái kể tội cha mẹ mình. Nhưng mẹ tôi thì không. Mẹ giữ giá trị gốc của gia đình. Chúng tôi cũng giữ nếp mỗi năm một lần tụ họp cả gia đình. Con cháu thắp hương rồi báo cáo với tổ tiên những gì mình đã làm được trong năm”.
Gia đình Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy bên nhánh cây phả hệ của mình - Ảnh: nhân vật cung cấp
Cây phả hệ, trục lịch sử
Ngay từ đầu, ông Huy đã chủ ý xây dựng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên như một câu chuyện gia đình trên nền xã hội. Ở đó, ứng xử của mỗi người vừa bùng nổ sức mạnh tự thân, vừa như một mẫu vàng thử lửa của chính thời đại ấy. Bảo tàng về cha mẹ của ông Huy tại làng ảnh Lai Xá có cả cây phả hệ lẫn trục lịch sử cho mỗi câu chuyện. Ở tầng trưng bày về tuổi trẻ của ông bà Nguyễn Văn Huyên, ông Huy treo các mốc lịch sử của những năm 1930. Âm nhạc vang lên khi khách thăm tầng này cũng là những bài hát thịnh hành thời kỳ đó. Để nói về bối cảnh trong nước và thế giới, ông Huy cũng nhắc đến mốc chiến tranh Nga - Nhật, Cách mạng Tháng Mười Nga... Như thế, hình dung về thời đại cũng rõ hơn. Cả hình dung về gia tộc, tổ tiên mình cũng rõ hơn nhiều.
Cây phả hệ của gia đình ông Huyên được dựng với 6 thế hệ của cả họ nội Nguyễn và họ ngoại Vi. Có 71 nhân vật trong cây phả hệ đó. Có người có ảnh, một số người không còn hình thì dùng bóng tả lại. Thỉnh thoảng phả hệ lại có câu trích để phong phú thêm. Bản thân các hình ảnh cũng cho những so sánh thú vị. “Ví dụ, có những nhánh tôi đưa thêm hình đám cưới. Những thế hệ khác nhau có trang phục, hoa đám cưới rất khác nhau. Nó cho thấy xã hội đã thay đổi, con người đã thay đổi như thế nào”, ông Huy nói. Phần chú thích này cũng được chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp.
Trong câu chuyện của những người hậu duệ cụ Vi Văn Định, cũng còn nhiều điều chưa được giải ảo. Những khoảng trống thời gian, nhân vật ấy vẫn đang trên đường được điền thêm cho kín.
“Đây là ông Vi Văn Lê, anh của mẹ tôi, con của cụ Vi Văn Định”, ông Huy chỉ vào một tấm hình rồi nói. “Cụ tốt nghiệp luật ở Pháp. Có thông tin rằng phía Pháp rất sợ ông này theo cộng sản nên đã tìm mọi cách ép cụ Vi đưa về Việt Nam. Khi về nước, là con cụ Vi, tốt nghiệp luật mà dứt khoát bác Lê không ra làm quan, chỉ xin mở văn phòng luật sư riêng để hoạt động. Gác xép của ông ở quận Lộc Bình, Lạng Sơn có nhiều sách cộng sản, trong đó có cả Tư bản luận”.
Một người khác trong cây phả hệ là ông Phú - một trong những người tham gia làm phim đầu tiên ở Việt Nam - bộ phim Cánh đồng ma. Ông đã sang tận Hồng Kông để làm phim. “Sau này sẽ phải tra tìm những phim đầu tiên ở Việt Nam. Nó cũng sẽ liên quan đến lịch sử làng mình vì đây chính là làng ảnh đầu tiên trong nước. Công việc đó chắc sẽ giao cho thế hệ sau”, ông Huy vừa nói vừa nhìn con trai mình.
Ảnh cưới của ông bà Giáo sư Nguyễn Văn Huyên được trưng bày trong bảo tàng. Trong ảnh: Hai ông bà ăn mặc theo lối mới Ảnh cưới của ông bà Giáo sư Nguyễn Văn Huyên được trưng bày trong bảo tàng. Trong ảnh: Hai ông bà ăn mặc theo lối mới - Ảnh: nhân vật cung cấp
Bảo tàng nhỏ, giá trị lớn
Cũng vì kể câu chuyện gia đình, về cha mẹ như thế nên Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên dù trùng điệp câu chuyện giá trị vẫn nhất mực giản dị. “Chúng tôi không nói câu chuyện danh nhân mà nói câu chuyện con với bố mẹ. Mọi người đến thăm chúng tôi thì chúng tôi kể câu chuyện của ông bà. Kể giản dị và trung thực”, ông Huy nói.
Câu chuyện giản dị đến mức chỉ lãng đi là có thể đã vô ý bước qua. Ở khu vườn nhỏ dưới sân, ông Huy không dùng những lời lời, bia bia tưởng niệm lớn. “Vườn ký ức trồng tất cả các loại cây đã có trong vườn của cha mẹ khi xưa. Có cả những viên gạch được đưa từ ngôi nhà cũ về. Cây khế, cây sấu, cây ổi, cây roi ngày trước. Cả cây mắc mật của Lạng Sơn”, ông Huy cho biết.
Ký ức của cha mẹ đã được ông Huy cùng gia đình giữ nguyên vẹn như thế. Cuốn gia phả họ Nguyễn. Giấy khai sinh của cả 4 chị em ông. Gia phả họ Vi. Nhật ký của cụ Vi, trong đó ghi cả việc nước việc nhà. Chiếc đồng hồ có in hình Bác Hồ - một kỷ niệm của Hội nghị Geneva. Hồi ấy, ông Phạm Văn Đồng, thành viên của Chính phủ đã đặt mấy chục chiếc đồng hồ như vậy để tặng các bộ trưởng. Gia huy của dòng họ Vi, có ghi chữ An Phước Nam. Tấm gia huy này cũng là một nhiệm vụ ông Huy giao cho con trai mình phải tìm hiểu, liệu nó được sử dụng như thế nào.
Cũng còn nhiều câu chuyện nữa về cha mẹ ông Huy qua lời kể của bạn bè cụ. “Tôi nhớ, mẹ có ý thức rất sớm về việc giữ những ký ức, những câu chuyện của cha tôi. Khi bố tôi mất, mẹ mời những người bạn của bố đến kể chuyện về bố cho chúng tôi ghi chép hay ghi âm lại”, ông Huy nói.
Một pano trong bảo tàng giới thiệu về vợ chồng Giáo sư Nguyễn Văn Huyên thời trẻ
Một pano trong bảo tàng giới thiệu về vợ chồng Giáo sư Nguyễn Văn Huyên thời trẻ - Ảnh: nhân vật cung cấp
Đến nay, gia đình ông Huy đã có ba đời theo ngành dân tộc học kể từ thời cụ Nguyễn Văn Huyên làm luận án tiến sĩ về hát giao duyên của trai gái Việt Nam. “Đây là nơi chúng tôi đặt sách nghiên cứu của các thế hệ. Sách của cha tôi. Sách của thế hệ tôi. Sách của Huyền Chi (một người cháu ngoại của cụ Huyên, tiến sĩ nhân học -NV). Và chỉ còn chờ thêm sách của con tôi nữa”, ông Huy nói về giá sách được đặt ngay trên trưng bày gia huy của chính gia đình mình, thoáng rưng rưng.
Hàng sách đặt ngay ngắn như điểm danh, như đại gia đình ông vẫn thường quây quần trước bàn thờ để báo với tổ tiên những việc làm được mỗi năm của con, của cháu. Giờ đây, việc sum họp cả gia đình lớn để báo công với tổ tiên cũng khó khăn hơn do nhiều thành viên đã ra nước ngoài định cư. Vì thế, giá sách này cũng như một lần họ dâng lên tổ tiên nén hương thành kính.
Nhu cầu dịch lại gia phả mỗi lúc một tăng
Phó giáo sư - tiến sĩ Lã Minh Hằng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết: “Gần đây có hiện tượng mọi người tìm đọc gia phả mỗi lúc một nhiều hơn. Trong Viện Hán Nôm chúng tôi cũng nhận được những lời nhờ dịch gia phả nhiều lên. Do đời sống kinh tế khá giả hơn nên mọi người cũng chú ý cho đời sống tâm linh nhiều hơn. Mọi người muốn tìm lại cội nguồn gốc rễ của mình.
Những gia phả đó được giữ rất cẩn thận, thường là được chôn giấu qua thời thái quá muốn triệt tiêu văn hóa cũ. Bia, sắc phong, câu đối đều được chôn. Xu hướng bây giờ mọi người lại muốn phục cổ. Họ mang bản dịch về, nhân bản rồi chia cho mỗi gia đình một cái để có thể hiểu về nguồn gốc của mình”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.