Trong thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (ngày 6 và 7.6), bạn đọc có thể truy cập vào địa chỉ thanhnien.vn hoặc chuyên mục Giáo dục của Báo Thanh Niên để tham khảo những nhận xét của các giáo viên có kinh nghiệm về đề thi các môn thi.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, có khoảng 96.000 thí sinh đăng ký và sẽ tham dự kỳ thi với lần lượt các môn ngữ văn, ngoại ngữ, toán (nếu đăng ký lớp 10 thường) và môn chuyên, tích hợp (nếu đăng ký trường, lớp chuyên; tích hợp).
Một số điểm học sinh cần lưu ý khi đi thi
Ông Võ Thiện Cang, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đưa ra một số lưu ý dành cho thí sinh:
- Mỗi buổi thi, thí sinh có mặt tại phòng thi tuyển sinh lớp 10 đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh có mặt tại cổng điểm thi chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.
- Thí sinh đến cổng điểm thi trễ trong thời gian cho phép, trưởng điểm thi chịu trách nhiệm xác định đủ điều kiện tham gia thi hay không. Nếu được đồng ý cho phép thi, cán bộ coi thi dẫn thí sinh lên phòng thi và cho làm bài thi theo thời gian còn lại. Tất cả trường hợp đến trễ mà được phép dự thi thì vẫn nộp bài theo thời gian quy định, không được cộng thêm thời gian.
Trong phòng thi, thí sinh phải tuân thủ các quy định sau:
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.
- Trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi, ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, giấy nháp.
- Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.
- Không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi. Nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi, sau khi được phép, thí sinh đứng trình bày công khai với cán bộ coi thi ý kiến của mình.
- Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ). Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay.
- Bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình; phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý các trường hợp bài thi của mình bị người khác lợi dụng hoặc cố ý can thiệp.
Ngoài ra, thí sinh chỉ có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Thi lớp 10 TP.HCM: Phụ huynh nghỉ làm, dậy từ 3 giờ sáng, đội mưa đồng hành cùng con
Trong trường hợp cần thiết, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do trưởng điểm thi quyết định.
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS của TP.HCM năm học 2023-2024 là 70% tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập. Năm nay, 108.000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS ở TP.HCM nhưng có khoảng 96.000 em đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Với chỉ tiêu khoảng 77.000 học sinh thì sẽ có khoảng 20.000 em không học trường công lập sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết những học sinh này và khoảng 12.920 học sinh không đăng ký dự thi lớp 10 công lập mà lựa chọn các phương thức học tập khác không thiếu chỗ học bởi các trường tư thục, quốc tế, trường CĐ, trung cấp, trung tâm GDTX-GDNN tuyển khoảng 50.000 học sinh. Qua đó, học sinh không trúng tuyển trường công lập có thể chọn lựa mô hình học tập phù hợp nhất với năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình.
Bình luận (0)