Ngày 24.7, PV Báo Thanh Niên đã đến trao số tiền 5 triệu đồng của bạn đọc giúp ông Trần Văn Cuộn (79 tuổi), thương binh hạng 3/4, ngụ ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái, H.Phong Điền (TP.Cần Thơ). Do đất sản xuất ít nên gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Sức khỏe ông ngày một suy giảm do các vết thương thường xuyên đau nhức.
Ngoài ra, năm 2011, vợ ông là bà Nguyễn Thị Bảy (76 tuổi) bị tai biến rồi té gãy 2 chân, ông đã bán hết 2 công đất để lấy tiền chữa trị cho vợ, giờ bà phải nằm liệt một chỗ. Hiện ông bà sống dựa vào tiền thương binh hằng tháng của ông và tiền bảo trợ xã hội của bà. Ông Cuộn đã rất cảm kích trước sự quan tâm của Báo Thanh Niên dành cho gia đình ông.
tin liên quan
Báo Thanh Niên thăm, tặng quà cho gia đình thương binh - liệt sĩTrong các ngày 21 và 22.7, đại diện Báo Thanh Niên đã đến thăm và tặng quà cho nhiều gia đình thương binh - liệt sĩ ở Đà Nẵng và TP.HCM.
Trước đó, đại diện Báo Thanh Niên đã đến ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, H.Châu Thành (Hậu Giang) trao số tiền 5 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Mót. Gia đình ông Mót có 3 liệt sĩ (cha và 2 người anh), 2 thương binh. Mẹ ông là bà Lê Thị Nữ, một trong những người phụ nữ đầu tiên của H.Châu Thành được Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Mót cho biết gia đình có 5 nhân khẩu, trong đó con gái Nguyễn Thị Xuân Đào bị bệnh thận nặng. Cả nhà chỉ có khoảng 2.000 m2 vườn tạp nên cuộc sống rất khó khăn. “Tui cảm ơn thật nhiều tấm lòng của Báo Thanh Niên dành cho gia đình. Tui mong Báo tiếp tục tạo nhịp cầu đưa các tấm lòng hảo tâm đến với những mảnh đời khó khăn, bệnh tật giúp họ sớm khỏe, vươn lên trong cuộc sống”, ông Mót xúc động nói.
Đại diện Báo Thanh Niên tại Nha Trang cũng đã đến thăm và trao tặng 5 triệu đồng cho ông Phạm Thành Thông (59 tuổi, thương binh loại 1/4, trú tại thôn Phò Thiện, xã Diên Phước, H.Diên Khánh, Khánh Hòa). Năm 1979, khi chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông vấp phải mìn, bị thương ở bụng, mặt và mắt, bác sĩ phải bỏ đôi mắt để cứu mạng ông. Sau thời gian dài điều trị tại các trại thương binh, năm 1988 ông trở về nhà với cơ thể không còn nguyên vẹn nhưng tinh thần vẫn rất lạc quan.
Ngưỡng mộ người thương binh giàu nghị lực này, bà Phạm Thị Láng ở xã kế bên đem lòng yêu mến và hai người thành vợ chồng. Cuộc sống hai ông bà khá vất vả vì bà vừa chăm sóc cho chồng, vừa lo việc đồng áng. Những khi vết thương của ông tái phát, bà lại phải nghỉ việc chở chồng trên chiếc xe đạp đến trạm y tế để khám, điều trị.
tin liên quan
Bác sĩ hết lòng với người nghèo16 năm theo nghề y cũng là quãng thời gian bác sĩ Phùng Phước Nguyên (45 tuổi, ngụ H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) hết lòng với những bệnh nhân nghèo khó.
Tại Lâm Đồng, đại diện Báo Thanh Niên đã cùng lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh đến thăm hỏi và trao 5 triệu đồng tiền bạn đọc hỗ trợ thương binh Nguyễn Tuấn Khanh (65 tuổi, ngụ 14/1 đường 3 Tháng 4, TP.Đà Lạt). Ông Khanh quê ở Yên Bái, năm 1972 vào hoạt động ở chiến trường Tuyên Đức - Đà Lạt (đội biệt động 860). Ông bị thương 2 lần vào năm 1974 và 1977, là thương binh loại A, thương tật hạng 1/8. Hiện ông Khanh ở một mình, thường xuyên đau ốm, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Bình luận (0)