Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm: 'Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội'

28/05/2023 09:00 GMT+7

Thực trạng thiếu trầm trọng nhà ở xã hội đã kéo dài nhiều năm qua, nhất là ở các đô thị lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng… Tại các khu công nghiệp, nhà ở công nhân cũng là vấn đề chưa được giải quyết.

Gần đây, dư luận tiếp tục dậy sóng với thực trạng chen lấn nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội bất kể ngày đêm và sự kiện vào sáng 20.5, khoảng 1.500 người tập trung tại Nhà thi đấu Q.Cầu Giấy (Hà Nội) để bốc thăm quyền mua 150 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Khoảng 1.500 người tại buổi buổi bốc thăm căn hộ nhà ở xã hội NHS Trung Văn ngày 20.5 - Ảnh Lê Quân

Khoảng 1.500 người tại buổi buổi bốc thăm căn hộ nhà ở xã hội NHS Trung Văn ngày 20.5

Ảnh Lê Quân

Nhiều báo chí đã đưa tin về tỷ lệ chọi của cuộc bốc thăm mua nhà ở xã hội này cao như thi đại học. Sau buổi bốc thăm, truyền thông cũng đăng tải nhiều hình ảnh niềm vui vỡ òa của người bốc trúng quyền mua căn hộ. Đồng thời, những hình ảnh trên khuôn mặt của những người trượt quyền mua căn hộ cũng được báo chí đặc tả… Những hình ảnh đối lập như vậy là minh chứng rõ nét của thực trạng bất cập phát triển nhà ở tại nước ta.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ 2013 - 2016 là giai đoạn nước ta có nhiều dự án nhà ở xã hội được xây dựng nhất do có gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi. Nhưng khi gói tín dụng này kết thúc, phát triển nhà ở xã hội lại trì trệ.

Đầu tháng 4. 2023, Thủ tướng đã phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp", thực hiện đến hết năm 2030.

Trong cùng thời gian này, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng được thông qua với mức lãi suất thấp hơn thị trường từ 1,5 - 2%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, gói ưu đãi này chưa thực chất do lãi suất tín dụng hiện nay đang rất cao, người mua nhà khó có đủ khả năng chi trả. Nhiều người không đặt kỳ vọng gói 120.000 tỉ đồng sẽ tạo ra cú hích mạnh cho thị trường bất động sản được như gói 30.000 tỉ đồng trước đây.

Để đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội, bên cạnh giải quyết vấn đề về nguồn vốn thì việc tạo quỹ đất để xây nhà cũng không dễ khi nhiều địa phương chưa quan tâm đến nhà cho người thu nhập thấp. Đồng thời, vấn đề thủ tục hành chính khi triển khai dự án cũng là rào cản lớn đối với việc gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Tại không ít báo cáo về thị trường bất động sản trong nhiều năm qua do Bộ Xây dựng thống kê, điệp khúc thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân vẫn liên tục lặp lại, chưa có hồi kết. Sự lệch pha cung cầu trong nguồn cung nhà ở tại nước ta dù được nhận diện sớm nhưng sau nhiều năm vẫn không giải quyết được.

Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm: 'Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội' - Ảnh 1.

Làm sao để tạo ra nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của người thu nhập thấp? Để có thêm nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, có nên thành lập quỹ mua nhà? Khi có dự án rồi thì cách thức phân phối như thế nào để tránh tiềm ẩn nguy cơ mua, bán nhà ở xã hội "2 giá", người thu nhập thấp phải trả tiền chênh mới mua được nhà? Phát triển nhà ở xã hội có nhất thiết phải thiết kế như chính sách hiện nay hay còn cách nào khác?... Tất cả sẽ được các chuyên gia, đại diện Bộ Xây dựng, đại diện Sở Xây dựng, đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm: 'Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội', diễn ra lúc 9 giờ sáng ngày 31.5.2023 tại hội trường Báo Thanh Niên.

Bạn đọc có bất cứ câu hỏi nào liên quan chủ đề này hãy gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: tshanoi@thanhnien.vn từ bây giờ hoặc ngay tại buổi trực tuyến phát trên các nền tảng kênh YouTube; fanpage Facebook và TikTok Báo Thanh Niên.

Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm: 'Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội' - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.