Cả bản chung nhà
Đó là nhà dài truyền thống C’Tu (đông achuôr ơng cơ tu) được đặt tại trung tâm H.Tây Giang (Quảng Nam). Trước khi được chuyển đến đây vào năm 2007, căn nhà này nằm tại bản A Tu, xã Ch’Ơm (cách đó khoảng 100 km) của chủ hộ J’ngol Vă (sinh năm 1944). Theo Ban chỉ đạo Văn hóa H.Tây Giang, căn nhà được xây dựng vào năm 1978, là ngôi nhà dài nhất hiện có tại huyện biên giới này. Già Tơngôl Yêng (56 tuổi), già làng A Tu nhớ lại: “Thuở đó vui lắm, cả làng của bố cùng ở trong ngôi nhà này. Cùng ăn, cùng ngủ cùng lên rẫy cuốc đất trỉa bắp, trồng sắn. 30 gia đình, người già với trẻ con sống với nhau hòa thuận như cây mọc giữa rừng già. Đến bữa cơm, nhà nào săn được con lợn, bắt được con cá cũng bày ra để mọi người ăn chung”.
Nhiều bậc cao niên tại bản A Tu vẫn còn nhớ như in cái ngày cả bản cùng kéo nhau vào rừng chặt gỗ về làm nhà. Trai tráng khỏe mạnh mang cưa, rựa để chặt cây rồi vác về; phụ nữ, trẻ em thì lo luộc ngô, nướng sắn mang theo để phục vụ bữa ăn cho cả bản. Chuẩn bị vật liệu xong xuôi, chọn được miếng đất ưng bụng gần mạch nước, cả làng bắt tay đục đẽo để dựng nhà. Già Pơloong Din (60 tuổi) kể: “Để có đủ gỗ dựng nhà, bố cùng nhiều khác đã trèo đèo lội suối, vào những cánh rừng xa mới chặt được cây cao. Tìm đủ gỗ dựng nhà mất mấy tháng ròng, dựng xong nhà ngót nghét cũng cả năm trời”.
|
Vào những năm cuối của thập niên 70 thế kỷ trước, A Tu gần như hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của cộng đồng người C’Tu tại bản này theo đó cũng thiên hướng tự cung tự cấp. Cả bản A Tu làm ăn dựa vào sự chỉ đạo của adol (phụ trách chung). Người này có vai trò như một tộc trưởng, có trách nhiệm hướng dẫn, phân công các gia đình từng nhiệm vụ cụ thể. Khi nhà đã xong, 30 gia đình được chia từng góc riêng để sinh hoạt. Và tại mỗi góc đó, biểu tượng thiêng liêng nhất là bếp lửa được họ chọn đặt ở nơi trang trọng nhất.
Tính cộng cư của người C’ Tu thể hiện rõ nhất khi đến bữa ăn. Theo già Yêng, để phục vụ bữa ăn cho hơn 150 người, phải có 5-7 gia đình nấu cơm, 5-7 gia đình khác nấu canh, trong khi nhiều gia đình khác lại luộc sắn… rồi cùng dọn ra để tất cả cùng ăn. Chỉ hơn 5 năm về trước, khi nhà dài này chưa được chuyển đi, người dân A Tu sống chan hòa với nhau như thế.
Bảo tồn nhà “độc”
Sau hơn 30 năm che chở cho cả làng A Tu, ngày 25.9.2007, căn nhà dài này được cơ quan chức năng H.Tây Giang xin chủ hộ chuyển về trung tâm huyện để phục vụ công tác bảo tồn. Không chỉ hiếm có, ngôi nhà này còn như một biểu tượng của quyền uy khi những cuộc họp, gặp mặt, chính quyền H.Tây Giang lại mời những người đứng đầu các bản, làng về đây. Trưởng bản A Tu, ông Tơngôl Pít nói: “Căn nhà là nơi gắn với chúng tôi nhiều kỷ niệm, nhà chuyển đi rồi cũng buồn lắm. Nhưng để ở huyện sẽ tốt hơn vì ngôi nhà được bảo tồn bền vững”.
|
Tính theo cách tính đơn giản của trưởng thôn Pít thì căn nhà dài vừa đúng 25 sải tay người lớn, được dựng lên với ít nhất 32 cái cột theo kiểu nhà sàn. Điểm độc đáo là khi làm ngôi nhà này, dân bản A Tu đã không dựng thêm bất cứ chiếc cột nào bên trong nhà. Do vậy, với độ dài khoảng 35 m, rộng chừng 6 m, diện tích mặt sàn sử dụng được tương ứng khoảng 210 m2. Nhìn bên ngoài có thể thấy, ngôi nhà có 6 cửa lớn, xen kẽ là các cửa sổ nhỏ; mái nhà được lợp cao bằng tranh hoặc lá rừng kiểu như mái nhà Gươl truyền thống.
Dù được làm hoàn toàn bằng gỗ, tre nhưng ngôi nhà rất bền bỉ, ít nhất là đã chịu được sức nặng của hơn 150 người trong suốt hơn 30 năm. Nghe có chủ trương bảo tồn, người bản A Tu đã không ngần ngại hiến tặng, rồi họ tự giác chia tách nhau, lập thành 2 thôn A Tu 1 và A Tu 2 với nhiều ngôi nhà khác nhau mọc lên như bây giờ. Già Tơngôl Yêng tiếp lời: “Năm 2007, cả làng dỡ nhà để đem về huyện bảo tồn. Năm đó, đường vào A Tu chưa mở, cả làng phải tháo cột, xà nhà vác về huyện trong vòng 7 ngày mới xong. Nhà về đến nơi, chúng tôi lại cùng lắp ráp vì chỉ người A Tu mới biết cách”.
Là người khởi xướng việc bảo tồn ngôi nhà này, ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết: “Tôi là người dân sinh sống tại địa phương này. Khi thấy ngôi nhà dài quý hiếm của đồng bào mình đang dần hư hỏng, cùng với đó là việc xóa nhà tạm (theo Chương trình 134 của Chính phủ) trong nay mai nếu không có biện pháp gìn giữ thì căn nhà sẽ không còn. Do vậy, tôi đã chỉ đạo các cấp chuyển ngôi nhà này về huyện để bảo tồn cho con cháu mai sau”.
Ngôi nhà dài nhất còn lại của người C’Tu Ông Nguyễn Tri Hùng, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam - một người nghiên cứu văn hóa người C’ Tu cho biết, đến thời điểm tại, có thể khẳng định ngôi nhà dài được đưa về từ bản A Tu (xã Ch’Ơm) đến trung tâm H.Tây Giang là ngôi nhà dài nhất của người C’ Tu còn giữ được. “Năm 1985, có một ngôi nhà tại thôn K’ra vẽ (xã Lăng, H.Hiên cũ) dài đến gần 40 m được ghi nhận là ngôi nhà dài nhất của người C’ Tu từng tồn tại. Tuy nhiên, đến năm 1986, ngôi nhà bị hư hỏng nặng nề buộc người dân phải phá bỏ”, ông Hùng nói. |
Hoàng Sơn
Bình luận (0)