Bảo tồn đất ngập nước

21/06/2012 08:41 GMT+7

Cuối tháng 5 vừa qua, Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chính thức được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Sự kiện trên đặt ra vấn đề: chúng ta cần phải bảo tồn và sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước có tầm quan trọng này. Đó cũng là mục đích mà công ước Ramsar đặt ra.

Tràm Chim là vùng đất ngập nước tiêu biểu của ĐBSCL, với diện tích gần 7.500 ha. Tràm Chim có 231 loài chim - quý nhất trong số này là sếu đầu đỏ, 191 loài thực vật, và khoảng 150 loài cá nước ngọt. Trong hệ thực vật là đồng cỏ ngập nước theo mùa, tiêu biểu và quý nhất là cây lúa ma mọc hoang dã.

Theo các nhà khoa học, việc bảo tồn vùng đất ngập nước này trong thời gian qua có một số vấn đề về nhận thức cần phải thay đổi. Theo chuyên gia về đất ngập nước Nguyễn Hữu Thiện thì vấn đề lớn nhất đe dọa hệ sinh thái Tràm Chim hiện nay vẫn là các đê bao xung quanh khu vực này theo kiểu “chống lũ triệt để”. Trước năm 2003, hệ thống đê này chỉ cao khoảng 2 m, sau đó nó được nâng lên đến 4 - 5 m để trữ nước quanh năm nhằm phòng chống cháy rừng. Nhưng hệ thống đê bao này đã làm cho Tràm Chim bị cách ly với môi trường bên ngoài. Vào mùa lũ, nước không tràn qua đê được nên lượng cá tự nhiên vào bên trong Tràm Chim bị hạn chế rất nhiều. Theo thời gian, lượng cá sẽ giảm từ đó kéo theo lượng chim sẽ giảm vì thiếu thức ăn.

Ở một góc độ khác, TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, ở Tràm Chim, loại cây quý nhất không phải là tràm mà là cây lúa ma. Trong những năm qua hệ thống đê chống lũ triệt để đã biến mực nước ở đây thành “mực nước chết”. Mùa lũ, nước dâng không đủ cao để ngập hết những loại cỏ khác để tạo điều kiện tự nhiên cần thiết cho cây lúa ma phát triển; trong khi lúa ma là sinh cảnh tốt cho cá, chim và là nguồn gien cần bảo tồn. Vào mùa khô, nước lại được giữ ở mức tương đối cao đã ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của các loại cỏ, trong đó có cỏ năn - thức ăn cho sếu đầu đỏ trong mùa khô. Những loại cây này vừa đóng vai trò là nguồn thức ăn cho các loại chim trong từng giai đoạn cụ thể, vừa là cây “chỉ thị môi trường” - nếu có nó thì môi trường đang khỏe mạnh và ngược lại.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra với Tràm Chim là cần được bảo vệ theo hướng càng gần gũi với quy luật tự nhiên càng tốt. Xét ở bình diện rộng hơn, tôn trọng quy luật tự nhiên cũng là một giải pháp thích nghi tốt cho cả vùng ĐBSCL.

Bảo Nguyên

>> Đăng ký Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vào danh sách Ramsar
>> Sếu đầu đỏ di trú về Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ
>> Vườn Quốc gia Tràm Chim là khu Ramsar thứ 4 ở VN
>> Người canh giữ Tràm Chim
>> Đăng ký Vườn quốc gia Tràm Chim vào Ramsar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.