Bảo tồn di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại

11/06/2019 07:40 GMT+7

Gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát triển di sản tại TP.HCM là nhiệm vụ tất yếu...

Gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát triển di sản tại TP.HCM là nhiệm vụ tất yếu, được các chuyên gia nhấn mạnh trong hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng qua (10.6).

Di sản “có giá” hơn cao ốc

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định những khái niệm “đô thị thông minh”, “thành phố hiện đại”, “quá trình đô thị hóa”... đang ngày càng hình thành rõ nét trong sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không thể phủ nhận giá trị to lớn mà các di sản kiến trúc mang lại. Thực tế, nhiều di sản kiến trúc đã trở thành biểu tượng của các thành phố lớn tại VN và trên thế giới, thậm chí trở thành thương hiệu quốc gia.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm, tiếp xúc với nhiều nền kiến trúc trên khắp thế giới, kiến trúc sư (KTS) Aldo Zoli Lo Prinzi (người Ý) khẳng định kiến trúc cổ điển có thể trường tồn trong các đô thị hiện đại và mang theo những giá trị rất lớn. Kiến trúc cổ điển được kết tinh qua các thời kỳ và vẫn đang tiếp tục được truyền bá khắp nơi trên thế giới. Điển hình như ở Pháp có Khải hoàn môn; ở Anh có Bảo tàng Anh; tại Mỹ, nhiều công trình cũng mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển từ cách thức cột, mái vòm, sảnh tiền… như tòa nhà Quốc hội Capitol, Đài tưởng niệm Jefferson (Washington D.C), Đại học Virginia (bang Virginia), Caesars Palace (Las Vegas, bang Nevada)…
“Những công trình này cũng đang đóng góp rất lớn những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa cũng như kinh tế cho cả địa phương và nhân loại”, ông Aldo nói.
Bảo tồn di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại
Tại hội thảo, các ý kiến đều nhấn mạnh giá trị của kiến trúc di sản Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Dẫn chứng kết quả khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với ĐH Quốc gia, ĐH Huế thực hiện năm 2017, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, khẳng định các công trình di sản, kiến trúc cổ đang phục vụ trực tiếp, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành du lịch TP.HCM.
Cụ thể, số lượng tài nguyên du lịch trên địa bàn TP khá khiêm tốn, chỉ dừng lại ở con số 258 và trong đó, cũng chỉ có 111 tài nguyên có tiềm năng. Toàn TP có 172 di tích và chỉ khoảng 30% trong số đó có thể phát huy thành điểm đến du lịch. Tuy nhiên, trong danh sách 10 điểm phải đến khi tới TP.HCM - theo bình chọn của các trang truyền thông du lịch quốc tế - thì tất cả đều là những công trình kiến trúc mang tính di sản.
Đồng tình, PGS-TS-KTS Trần Văn Khải, nguyên Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học và đào tạo sau ĐH - Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến di sản bị phá hủy là do tư duy sai lầm. Khi giá đất tăng, đa số mọi người tin rằng xây nhà cao ốc có lời hơn để lại chùa chiền, miếu mạo... “Họ không hiểu và không biết chơi đồ cổ, tự đánh vào doanh thu của mình”, KTS Khải nói và dẫn chứng khi hòn Phụ Tử tại Rạch Giá sụp do thiên nhiên tác động, lượng khách du lịch đến Rạch Giá giảm, hãng hàng không cũng cắt giảm bay tuyến này… Việc phá hủy một di sản kiến trúc là đập bể “chén cơm” của đồng bào và doanh nghiệp (DN) địa phương.

Kế thừa để tiếp nối di sản cho thế hệ sau

Với tư cách là một nhà đầu tư bất động sản, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang, nhận định hầu hết DN hiện nay đều muốn đóng góp công sức hoàn thiện hình dáng đô thị TP.HCM. Nhưng có thể do hạn chế về thông tin, nhận thức, nhiều công trình, dự án bất động sản đang vô tình phá hủy, làm mai một các công trình mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử quan trọng của TP.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với việc quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay là tạo ra những công trình di sản mới phù hợp với thế hệ công dân mới. Với các công trình có tuổi thọ lên tới 50 - 70 năm, mỗi nhà đầu tư đang góp phần xây dựng cho TP một đô thị hàng trăm năm tuổi. Bảo tồn các di sản là nhiệm vụ tất yếu của tất cả công dân đang sinh sống tại TP.HCM.
“Nhận thức rõ nhiệm vụ này, chúng tôi mạnh dạn làm công trình bất động sản theo hướng đánh thức di sản nhân loại để truyền lại cho thế hệ sau. Từ “Rome” trong công trình Rome By Diamond Lotus của chúng tôi không phải để nhái mà để đánh thức kiến trúc La Mã cổ - một điều gì đó mang tính di sản của nhân loại. Đó là một phần hơi thở của Sài Gòn, một phần bản sắc văn hóa chúng ta và cũng là một phần để kích hoạt đô thị du lịch quốc tế của TP.HCM”, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang nhấn mạnh.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty xây dựng - thiết kế Mai Archi, KTS trưởng của dự án Rome By Diamond Lotus, bày tỏ tình yêu lớn lao với kiến trúc cổ, khao khát xây dựng nên một cái gì đó để bảo tồn, phát triển kiến trúc cổ ở TP.HCM và bắt tay cùng Phúc Khang phát triển dự án bất động sản theo kiến trúc La Mã ở khu Đông chính là bước hiện thực hóa tình yêu đó.
“Từng góc ngách, từng chi tiết tỉ mỉ nhất cũng được chúng tôi mô phỏng theo hơi hướng kiến trúc La Mã cổ một cách tinh tế và tiện lợi, phù hợp với sinh hoạt của người dân hiện đại. Tất cả đều dựa theo triết lý: Không biến di sản thành bất động sản mà biến bất động sản thành di sản”, bà Mai khẳng định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quan niệm: Chúng ta sẽ là người tạo ra di sản trong tương lai 100 năm tới cho con cháu. Do đó, nhiệm vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng, chính quyền cũng như các nhà đầu tư là sáng tạo và thực hiện các công trình kiến trúc mang tầm vóc, giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử của TP.
TP.HCM nhiều công trình kiến trúc do người Pháp để lại, có thêm dấu ấn của người Hoa ở chợ Bình Tây, các chùa đền... Đây vừa là tài nguyên lớn, vừa là nỗi khổ của những TP di sản, khi mà người dân bản địa rơi vào tình cảnh “sợ” khách du lịch, sợ sở hữu công trình được công nhận là di sản. Hiện nay nhiều người dân sống trong các biệt thự cổ rất khổ, khi miếng đất rất giá trị nhưng không được bán, chuyển nhượng hay xây mới... Vấn đề đặt ra là làm sao làm tốt công tác bảo tồn di sản mà không gây mâu thuẫn, có sự bù đắp giúp người dân được hưởng sự phát triển.

Phá di sản, đô thị không còn bản sắc

Bảo tồn di sản kiến trúc
Ảnh: Đ.N.T
       
Muốn bảo tồn, phát triển di sản thì việc đầu tiên phải thay đổi từ quan điểm. Phải thấy di sản là bản sắc của đô thị, phá di sản thì đô thị không còn bản sắc, không thể phát triển văn hóa, du lịch. Phải xác định trong đô thị có những di sản không thể đánh đổi, đó là các khu trung tâm, là khu chứa đựng các giá trị di sản, lịch sử lớn nhất. Để bảo tồn di sản, vai trò quyết định thuộc về chính quyền và nhà đầu tư, vai trò quan trọng là nhà nghiên cứu và cộng đồng.
TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu (Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM)

Di sản tạo điều kiện cho phát triển

Bảo tồn di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại
Ảnh: Đ.N.T
       
Việc giữ di sản trong giai đoạn mới là thể hiện được cái tầm của nhà đầu tư và tầm của TP. Bản thân di sản là câu chuyện của người dân và chính sách phải dành cho người dân. Làm thế nào để người dân thấy tự hào, mong muốn được đưa vào danh sách di sản thay vì họ chạy trốn và sợ danh sách đó. Khi đó họ mới giữ gìn và có thể tự bỏ tiền ra để bảo tồn di sản. Không chỉ du lịch, kinh tế hay văn hóa mà các ngành đều được hưởng lợi từ di sản. Di sản không hề cản trở mà tạo điều kiện và là động lực cho sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội.
TS-KTS Nguyên Hạnh Nguyên (Trưởng bộ môn lý luận lịch sử, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM)

Chung tay bảo tồn di sản

Bảo tồn di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại
nh: Đ.N.T
       
Với một khu đất có di sản, DN vẫn có thể giữ gìn và phát huy giá trị khu đất. Có rất nhiều giải pháp quy hoạch, thiết kế công trình vẫn bảo đảm giá trị cho chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo giá trị di sản. Vì vậy xin đừng bao giờ xem di sản là bất động sản, vì nó có giá trị cao hơn rất nhiều. Nếu xóa đi di sản là xóa đi văn hóa, xóa đi bản sắc thì Sài Gòn chỉ còn cái tên. Rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư cũng như các nhà nghiên cứu, cơ quan truyền thông để cứu di sản.
KTS Cao Thành Nghiệp (Thành viên Hội Kiến trúc sư TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.