Bảo tồn hò Đồng Tháp

17/04/2014 11:01 GMT+7

Hò Đồng Tháp nói riêng và hò Nam bộ nói chung từng đi vào lòng với nhiều cảm xúc. Thế nhưng, cuộc sống hiện đại đang làm những điệu hò trôi dần vào quên lãng...

Bảo tồn hò Đồng Tháp

Tiết mục hò múa trong báo cáo nghiệm thu công trình sưu tầm, nghiên cứu phục hồi hò Đồng Tháp - Ảnh: Hữu Nghĩa

Ma lực hò Đồng Tháp   

Trong cuộc họp báo cuối năm 2013, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kể lại chi tiết thú vị về hò Đồng Tháp. Số là nghệ nhân Kim Nhụy (quê ở Đồng Tháp) là bậc thầy về hò, khi bà cất tiếng hò thì người nghe lòng dạ xuyến xao. Chất giọng bà Nhụy hút hồn đến độ GS-TS Trần Văn Khê lúc ở Pháp nghe xong phải nhớ tới hò Đồng Tháp cũng như nhớ tên Kim Nhụy.

Thế rồi trong kỳ họp mặt hội đồng hương Đồng Tháp tổ chức ở TP.HCM vào năm 2013, UBND tỉnh Đồng Tháp đã khéo léo mời bằng được nghệ nhân Kim Nhụy và GS-TS Trần Văn Khê đến giao lưu. Buổi giao lưu ấy, Kim Nhụy đã bước qua tuổi 80, còn ông Khê đã bước qua hàng 90 nhưng hai mái đầu bạc trong giây phút ý hợp tâm đầu đã ngẫu hứng cùng cất giọng hò xuất thần  khiến khán giả ngồi nghe ngẩn ngơ, bồi hồi.

Hò Đồng Tháp là thể loại dân ca Nam bộ do nghệ nhân Kim Nhụy trình bày đã đi cùng năm tháng. Vậy nên không lạ gì khi nhiều nghệ sĩ khẳng định chính nghệ nhân Kim Nhụy đã giúp hò Đồng Tháp được cả nước và thế giới biết đến. Nhạc sĩ Cao Văn Lý, quê Đồng Tháp hiện đang sống ở TP.HCM, khi đề cập đến nghệ nhân Kim Nhụy đã miêu tả: “Những chiến sĩ ngày xưa kiên cường, gan dạ bất khuất trước kẻ thù nhưng khi nghe giọng hò dịu ngọt của nghệ sĩ Kim Nhụy phải thổn thức trái tim và họ đã bật khóc khi tiếng hò vừa dứt”.

Bảo tồn hò Đồng Tháp

Các điệu hò Đồng Tháp từng mê đắm lòng người nhưng đang dần biến mất theo trào lưu và lối sống hiện đại. Nhạc sĩ Cao Văn Lý đã quặn lòng khi điệu hò ngày càng mai một. Ông từng nhận định, hò Đồng Tháp là điệu hò đặc biệt hay nhất trong các điệu hò ở Nam bộ. Ông lý giải, địa hình ở Đồng Tháp Mười mênh mông rộng lớn, cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp hữu tình, người dân nơi đây hiền hòa, chất phác, sống hòa quyện cùng thiên nhiên nên âm hưởng hò Đồng Tháp mang tính độc đáo rất riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Trung, cán bộ Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, nhận xét sự ra đời của hò Đồng Tháp gắn với lịch sử khai hoang lập ấp của cư dân người Việt. Do điều kiện tự nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười, thiên nhiên, đất nước, con người, nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước, đồng ruộng mênh mông nên hò Đồng Tháp ra đời mang tính sáng tạo nghệ thuật dân gian của cộng đồng cư dân nơi đây.

Chính vì sợ các điệu hò mai một và biến mất, nhạc sĩ Cao Văn Lý và đồng sự Nguyễn Kim Cúc đã không ngại khó khăn từ TP.HCM trở về Đồng Tháp quyết tâm sưu tập khôi phục lại các điệu hò. Nhiệt huyết này đã được UBND tỉnh Đồng Tháp ủng hộ, tạo điều kiện cho nhóm nghiên cứu hoạt động. 

Trong giai đoạn 1 của giai đoạn bảo tồn và nghiên cứu, từ tháng 6.2010 đến tháng 11.2011, đoàn đã có mặt tại 12 huyện, thị, thành phố của tỉnh Đồng Tháp, gặp gỡ và tiếp xúc với các nghệ nhân cao tuổi. Sự lo lắng của những người tâm huyết quả không dư thừa bởi các nghệ nhân từng gắn bó với điệu hò Đồng Tháp ngày nào chỉ còn nhớ lại mang máng các điệu hò xưa, còn giới trẻ thì lớp hò lạc nhịp, lớp hò điệu khác. Cho nên nhiều nghệ nhân dí dỏm ngâm: “Câu hò tôi đựng một khạp da bò. Tôi quên đậy nắp nó bò hết trơn”.

Đoàn nghiên cứu nhận định sưu tầm điệu hò Đồng Tháp là công đoạn rất khó, vì cho đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào hoàn chỉnh  được chính thức công bố. Điệu hò đã đi dần vào quên lãng từ hơn 50 năm nay, không còn nghệ nhân nào có thể hò được nguyên một bài... Nhưng có khó đoàn vẫn quyết tâm đưa các câu hò Đồng Tháp phát triển sâu rộng để trong tương lai trở thành di sản văn hoá.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.