Bảo tồn khu dự trữ sinh quyển

26/05/2014 08:57 GMT+7

Ngày 23.5, tại xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm (TP. Hội An, Quảng Nam), Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND TP. Hội An phối hợp tổ chức Hội thảo Chặng đường phát triển 10 năm Khu bảo tồn biển và 5 năm Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An.

Bảo tồn khu dự trữ sinh quyển

Lượng khách đến Cù Lao Chàm ngày càng đông là thách thức lớn của công tác bảo tồn - Ảnh: An Dy

Tại đây, các vấn đề liên quan  đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, hài hoà giữa lợi ích còn người và sinh quyển trong khu dự trữ sinh quyển,  một số vấn đề cần quan tâm trong công tác quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tri thức khoa học phục vụ quản lý và phục hồi đa dạng sinh học biển, Cù Lao Chàm qua 10 năm hoạt động Khu bảo tồn biển và 5 năm Khu dự trữ sinh quyển… được đưa ra thảo luận.

Theo chủ tịch UBND TP. Hội An, ông Lê Văn Giảng thì, “Khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, lượng khách đến Hội An khá đông, và đây cũng là một thách thức lớn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên nhờ công tác tuyên truyền, nhất là sự đồng thuận của người dân nên đến nay, bước đầu công tác bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học đã có bước tiến đáng kể. Quan trọng là phải để cho người dân, các doanh nghiệp lữ hành hiểu rằng bảo vệ môi trường đa dạng sinh học của Cù Lao Chàm tức là bảo vệ “nguồn sống” của chính họ”.

Cù Lao Chàm  được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 26.5.2009, có tổng diện tích 33.146ha, dân số khoảng 84.000 người, được phân chia thành 3 vùng chức năng gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Qua khảo sát phát hiện ở đây có hơn 311 ha rạn san hô, với khoảng 300 loài; có 50 ha thảm cỏ biển, với 5 loài đặc trưng; 76 loài rong biển; hơn 270 loài cá; 97 loài thân mềm; 11 loài động vật da gai... Tại khu rừng đặc đụng Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao...

An Dy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.