UBND TP.Hội An (Quảng Nam) vừa công nhận, xếp hạng xuất sắc kết quả nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ “Điều tra thành phần loài, vùng phân bố, hiện trạng khai thác và xây dựng mô hình đồng quản lý nguồn lợi tôm hùm, ốc vú nàng tại Cù Lao Chàm” do BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chủ trì.
Hoạt động bảo tồn loài quý hiếm tại Cù Lao Chàm được xúc tiến, đẩy mạnh trong thời gian qua - Ảnh: C.T.V
|
Trước nguy cơ tôm hùm và vú nàng bị khai thác theo kiểu tận diệt dẫn đến suy giảm nghiêm trọng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra thành phần loài, tham chiếu mức độ bảo tồn, miêu tả phân bố sinh thái và diễn biến nguồn lợi, phân tích hiện trạng khai thác, xác định và phân tích bản chất của các loại mâu thuẫn làm cơ sở xây dựng mô hình đồng quản lý. Theo khảo sát, mỗi năm ở vùng biển Cù Lao Chàm có khoảng 14,9 tấn tôm hùm bị khai thác, trong đó có 23% khối lượng do ngư dân các địa phương khác (Quảng Ngãi, Bình Định…) đến khai thác.
Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 14.5, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết địa phương rất lo lắng trước các hình thức khai thác tận diệt như đánh lưới, dùng hóa chất, đánh thuốc nổ, xung điện…; đồng thời khẳng định luôn hỗ trợ lực lượng để cùng với Bộ đội Biên phòng tuần tra. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn liên quan đến phương tiện, chức năng xử lý… nên ông An đề nghị sớm có lực lượng Kiểm ngư để kiểm soát tình hình.
Trước mắt, những đề xuất của đề tài nghiên cứu như xây dựng mô hình bảo tồn tại vị, tức khoanh vùng bảo vệ; kiến nghị có quy định nghiêm ngặt về kích thước đối với 6 loài tôm hùm khi khai thác; nuôi cấy san hô, bảo vệ rong biển, tảo biển… để tạo nên trú ẩn cho các loài hải sản quý hiếm đã được các cơ quan chuyên môn ghi nhận, xúc tiến thực hiện.
Thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu bảo tồn hải sản quý hiếm ở Cù Lao Chàm cũng thu đạt nhiều kết quả, trong đó có việc kiểm soát khai thác cua đá, thả rùa biển…
Bình luận (0)