(TNO) Các điều tra viên độc lập ở Anh đang điều tra vụ máy bay MH17 cho rằng một lữ đoàn Nga đã bắn hạ chiếc máy bay này, và đang nỗ lực tìm hiểu ai đã ra lệnh cho lữ đoàn này, theo trang tin 9News (Úc) ngày 15.7.
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine tháng 7.2014 - Ảnh: AFP
|
Một năm đã trôi qua kể từ khi chiếc máy bay Boeing 777-400 (chuyến bay số hiệu MH17) chở 298 người bị rơi tại khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine vào ngày 17.7.2014 khiến tất cả người trên máy bay thiệt mạng. Đến nay, Ủy ban An toàn Hà Lan, chịu trách nhiệm chính trong nhóm điều tra quốc tế, vẫn chưa thể đưa ra bằng chứng cuối cùng kết luận nguyên nhân rơi máy bay MH17, theo trang tin 9News (Úc) ngày 15.7.
Báo cáo điều tra sơ bộ công bố hồi năm 2014 phát hiện MH17 bị bắn hạ bởi “những vật thể có năng lượng cao”, trong khi bản dự thảo báo cáo điều tra chính thức cuối cùng đã được bí mật gửi cho chính phủ các nước hồi tháng 6.2015 và sẽ được công bố chính thức vào tháng 10.2015.
Hồi tuần rồi, cảnh sát đã thẩm tra lần thứ hai ông Eliot Higgins, nhà sáng lập nhóm điều tra độc lập Bellingcat (trụ sở ở Anh) đang điều tra vụ MH17, về những phát hiện của ông. Ông Higgins cho hay Ủy ban An toàn Hà Lan sẽ không thể đưa ra kết luận ai là thủ phạm trong vụ bắn hạ MH17, nhưng cho rằng có “nhiều chứng cứ” cho thấy MH17 bị trúng tên lửa BUK của Nga.
“Thông qua việc tiếp cận hiện trường rơi máy bay, các mảnh vỡ MH17 và khám nghiệm tử thi nạn nhân, các điều tra viên Hà Lan có thể xác nhận loại tên lửa nào đã được dùng để bắn hạ MH17. Đó có thể là lý do vì sao Nga luôn chỉ trích báo cáo điều tra và phản đối đề xuất mới đây của Malaysia lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về việc lập tòa án quốc tế xét xử hung thủ bắn hạ MH17”, ông Higgins cho biết.
Ông Higgins cho hay đã gửi trực tiếp kết quả quá trình điều tra độc lập cho các điều tra viên Hà Lan và đã thảo luận với họ về những biện pháp và công cụ mà tổ chức của ông dùng để điều tra.
Bellingcat điều tra vụ MH17 bằng kỹ thuật “nguồn mở” bao gồm hình ảnh vệ tinh, mạng xã hội để theo dõi hoạt động của các xe quân sự và các đơn vị quân đội.
“Tôi chắc chắn các điều tra viên sẽ phát hiện máy bay MH17 bị lữ đoàn 53 của Nga dùng tên lửa BUK bắn hạ. Theo điều tra độc lập của chúng tôi, lữ đoàn 53 từ Kursk vượt biên giới vào khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine từ ngày 23 đến 25.6.2014”, ông Higgins tiết lộ dựa vào kết quả điều tra của nhóm Bellingcat.
Sau đó, lữ đoàn 53 bắn tên lửa từ một cánh đồng cách thị trấn Snizhe (miền đông Ukraine) 2 km về phía nam vào ngày 17.7.2014 rồi di chuyển đến thành phố Luhansk và trở về Nga vào ngày 18.7.2014, theo ông Higgins.
Mảnh vỡ của chiếc MH17 - Ảnh: Reuters
|
Trong khi đó, công tố viên Hà Lan Fred Westerbreke, người đứng đầu cuộc điều tra hình sự vụ MH17, cách đây hai tuần cho biết khả năng rất cao vẫn là MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa BUK.
Ông Westerbreke cho hay các điều tra viên đã nhận diện được nhiều đối tượng có liên quan, nhưng không nêu rõ chi tiết. “Các điều tra viên cũng đang muốn tìm ra ai đã ra lệnh bắn hạ MH17, điều này có thể rất khó để chứng minh”, ông Higgins cho biết thêm.
Trong tuần này, chính phủ Malaysia, Úc, Bỉ, Hà Lan và Ukraine kêu gọi các thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ đề xuất lập toà án quốc tế để tìm công lý cho các nạn nhân trong vụ MH17.
Phái đoàn ngoại giao 5 quốc gia trên đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Gennady Gatilov tại thủ đô Moscow (Nga) vào ngày 13.7. Họ kêu gọi Nga ủng hộ đề xuất của Malaysia và bỏ phiếu ủng hộ dự thảo trên, theo trang tin Sputnik (Nga) ngày 14.7.
Tuy nhiên, chính phủ Nga phản đối đề xuất này. Ông Gatilov gọi đề xuất của Malaysia là “không đúng thời điểm và phản tác dụng”, cho rằng cuộc điều tra vụ bắn hạ MH17 cần phải được hoàn tất trước khi có những biện pháp tiếp theo.
Sputnik cũng cho biết Bộ Ngoại giao Nga trong một thông cáo ngày 14.7 đã khẳng định rằng “Phía Nga tái khẳng định cam kết của mình với các bên theo Nghị quyết 2166 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc trong việc đảm bảo cuộc điều tra vụ rơi máy MH17 là toàn diện, độc lập và đưa được thủ phạm ra trước công lý”.
Nhưng Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng "việc đẩy cao vấn đề thành lập một tòa án quốc tế về các thảm họa MH17 là hấp tấp và phản tác dụng" và kêu gọi "nên quay về khuôn khổ pháp lý của Nghị quyết 2166 là tiền đề chấp nhận duy nhất cho việc hợp tác quốc tế trong việc xác định nguyên nhân đằng sau vụ tai nạn máy bay của Malaysia".
Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận đề xuất của Malaysia vào cuối tuần này. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin lên tiếng đề nghị Hội đồng bảo an đợi đến khi Ủy ban An toàn Hà Lan công bố kết quả điều tra cuối cùng.
Chuyến bay số hiệu MH17 từ thành phố Amsterdam (Hà Lan) bay về thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ngày 17.7.2014. Chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, phi hành đoàn liên lạc với đài kiểm soát không lưu đề nghị chuyển hướng vì thời tiết xấu. 20 phút sau, chính quyền Ukraine phát hiện MH17 biến mất khỏi màn hình radar khi đang bay qua không phận nước này.
Chính quyền Ukraine và phương Tây tố cáo Nga và phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đứng sau vụ bắn hạ MH17. Trong khi đó, Moscow và phe ly khai bác bỏ cáo buộc này, tố cáo quân đội Ukraine mới là thủ phạm
Chuyến bay số hiệu MH17 từ thành phố Amsterdam (Hà Lan) bay về thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ngày 17.7.2014. Chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, phi hành đoàn liên lạc với đài kiểm soát không lưu đề nghị chuyển hướng vì thời tiết xấu. 20 phút sau, chính quyền Ukraine phát hiện MH17 biến mất khỏi màn hình radar khi đang bay qua không phận nước này.
Chính quyền Ukraine và phương Tây tố cáo Nga và phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đứng sau vụ bắn hạ MH17. Trong khi đó, Moscow và phe ly khai bác bỏ cáo buộc này, tố cáo quân đội Ukraine mới là thủ phạm.
|
Bình luận (0)