Di sản tư liệu thế giới cất trong phòng ngủ
Dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) những năm gần đây nổi tiếng cả nước với các di sản tư liệu, thu hút sự quan tâm của người dân và bạn bè quốc tế. Hai di sản của dòng họ này đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là mộc bản Trường học Phúc Giang và sách cổ Hoàng Hoa sứ trình đồ.
Trong những năm qua, mặc dù dòng họ Nguyễn Huy phối hợp với chính quyền các cấp đã rất nỗ lực trong công tác bảo tồn, song việc gìn giữ, phát huy giá trị các di sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ (duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu) nói rằng sau khi 2 di sản của dòng họ được UNESCO ghi danh, vào năm 2018 UBND H.Can Lộc đã ra quyết định thành lập Ban Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu, lấy trụ sở UBND xã Trường Lộc cũ làm trụ sở để phục vụ công tác trưng bày, bảo quản và tham quan. Tuy nhiên, nơi này chủ yếu đang trưng bày những hình ảnh và bản photocopy của các di sản chứ không phải bản gốc vì cơ sở cùng các trang thiết bị bảo quản còn tạm bợ.
"Bản gốc 2 di sản của dòng họ lâu nay vẫn đang được gia đình tôi lưu giữ tại nhà riêng. Mộc bản Trường học Phúc Giang được làm từ gỗ thân cây thị, còn Hoàng Hoa sứ trình đồ được vẽ bằng một số loại mực trên giấy dó. Nhiều năm nay, tôi phải cất giữ những tư liệu quý này rất cẩn thận trong tủ phòng ngủ, nhưng nếu không có phòng chức năng chuyên biệt được trang bị hệ thống máy móc chống ẩm mốc thì nguy cơ chúng sẽ bị hủy hoại", ông Mỹ lo lắng.
Ông Mỹ tỏ ra rất áy náy khi 2 di sản tư liệu thế giới của dòng họ đang phải cất giữ trong nhà riêng của mình. Nhưng ông cho biết đây là phương án tối ưu để các "bảo vật" của dòng họ không bị thất lạc hoặc hư hỏng. "Nếu di sản không được đưa ra cho công chúng thì chẳng có gì quý hiếm cả. Do vậy, ngành chức năng vẫn đang nghiên cứu để sửa đổi luật Di sản văn hóa và dự kiến thông qua vào cuối năm nay. Trong đó, di sản tư liệu có thể sẽ được đưa lên ngang hàng cùng với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chỉ khi luật được sửa đổi và thông qua thì di sản tư liệu mới khẳng định được tầm giá trị, nhờ đó ngành chức năng mới quan tâm để bảo quản", ông Mỹ bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Can Lộc, địa phương đã làm đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của dòng họ Nguyễn Huy nói riêng cũng như làng Trường Lưu nói chung. Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch làng Trường Lưu gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn, song đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.
"Chỉ khi đề án và quy hoạch được phê duyệt thì mới có nguồn kinh phí để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và phòng trưng bày, bảo quản các di sản. Tuy nhiên, để làm được việc này cần kinh phí rất lớn nên phải chờ thời gian. Thời gian qua, địa phương cũng rất ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực gìn giữ, bảo vệ di sản của ông Nguyễn Huy Mỹ", ông Dũng nói.
Bảo vật quốc gia bụi phủ trong nhà để xe
Bảo tàng Hà Tĩnh được thành lập vào năm 1992 là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh. Nơi này đang lưu trữ khoảng hơn 11.000 hiện vật, trong đó có nhiều cổ vật, bảo vật quý như: bộ hài cốt người Việt cổ có niên đại hơn 4.000 năm; 3 khẩu súng thần công triều Nguyễn đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013; bộ sưu tập sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn; bộ sưu tập các ngành nghề truyền thống; nhiều kỷ vật chiến tranh qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm…
Tuy vậy, kể từ khi trụ sở của Bảo tàng Hà Tĩnh nằm trong Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (ở P.Tân Giang, TP.Hà Tĩnh) bị xuống cấp nghiêm trọng, buộc phải di dời vào năm 2018, thì đến nay trụ sở mới vẫn chưa được xây dựng. Từ nhiều năm qua, các cán bộ, nhân viên của bảo tàng cùng các bảo vật, hiện vật quý đang phải "ở nhờ" tại tòa nhà Thư viện tỉnh (ở P.Nguyễn Du, TP.Hà Tĩnh) với không gian vô cùng chật hẹp.
Theo ghi nhận của PV, do không có phòng trưng bày nên những bảo vật quốc gia, hiện vật, cổ vật mà Bảo tàng Hà Tĩnh đang lưu giữ phần lớn bị cất giữ trong kho. Thậm chí, một khẩu súng thần công là bảo vật quốc gia đang phải chịu cảnh nằm phủ bụi im lìm trong nhà để xe hay một số cổ vật có niên đại hàng trăm năm như hai chiếc thuyền độc mộc nằm lăn lóc dưới góc sân.
Ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho hay đơn vị này được bố trí không gian làm việc tại trụ sở Thư viện tỉnh với diện khoảng 800 m² diện tích mặt sàn. Do không gian chật hẹp nên đơn vị này không bố trí được phòng chức năng để trưng bày các hiện vật.
"Việc hiện vật, cổ vật nếu không được trưng bày mà cất giữ trong kho lâu năm không chỉ khiến công tác bảo tồn bị ảnh hưởng mà giá trị của chúng cũng không thể phát huy. Trong đó, có nhiều hiện vật được làm bằng giấy, vải, kim loại bị tác động rất lớn bởi môi trường tự nhiên, nếu không có phòng chuyên dụng thì nguy cơ bị hư hỏng. Do vậy, việc xây dựng bảo tàng hiện nay là vô cùng cấp thiết", ông Công chia sẻ.
DỰ KIẾN XÂY DỰNG TRỤ SỞ MỚI CỦA BẢO TÀNG HÀ TĨNH VÀO NĂM SAU
Theo ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, việc xây dựng trụ sở mới của Bảo tàng Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh này phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2018. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng, được quy hoạch xây dựng trên khu đất rộng 2 ha, gần tòa nhà Thư viện của tỉnh này. Sau thời gian dài chờ đợi, hiện chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức thi tuyển kiến trúc xây dựng bảo tàng, dự kiến sẽ triển khai xây dựng vào đầu năm sau.
Bình luận (0)