Cổ đổng kỳ quan, mở kho báu cổ vật phương Đông

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
01/09/2024 06:00 GMT+7

Triển lãm Cổ đổng kỳ quan - nơi hội tụ các nền văn hóa giới thiệu đến người xem hơn 150 hiện vật tiêu biểu của các nền văn hóa phương Đông, trong đó có nhiều hiện vật vô giá từng xuất hiện trong các bưu ảnh xưa. Một số bộ sưu tập quý hiếm lần đầu ra mắt nên tạo ấn tượng mạnh và kinh ngạc cho công chúng.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm Quốc khánh 2.9 và mừng 45 năm thành lập Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, 95 năm thành lập Bảo tàng Blanchard de la Brosse - bảo tàng đầu tiên ở khu vực phía nam, tiền thân của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Trong đó, phải kể đến bộ sưu tập hiện vật gốm men ngọc thời Tống (thế kỷ 11 - 13) mang đến người xem những cảm xúc đặc biệt, gồm: gốm sứ men xanh trắng, men trắng, men độc sắc và gốm men tam thái, ngũ thái thời Thanh thế kỷ 17 - 19; bộ sưu tập chất liệu ngà được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ; tượng Phật bằng gỗ sơn son, thếp vàng, dát kim loại ngồi theo kiểu Vajrasana, hai bàn tay trong tư thế trầm mặc; mặc áo thụng, viền hình mây, hoa sen và tượng Phật ngồi nhỏ; tóc lọn xoắn ốc; cặp chân đèn đồng pháp lam là hiện vật quý thể hiện sự phát triển và biến đổi trong công nghệ chế tác pháp lam cốt kim loại của Trung Quốc...

Cổ đổng kỳ quan, mở kho báu cổ vật phương Đông- Ảnh 1.

Ấm (phỏng “ấm Phụ Phủ Đinh thời Thương”) - Cổ khí Minh Mạng - năm 1839

ẢNH: TUẤN HOÀNG

Dòng gốm Nhật Bản Satsuma ở chuyên đề Cổ đổng kỳ quan cũng cực kỳ xuất sắc. Ra đời vào thời kỳ Edo thế kỷ 17 - 18 với sự thừa hưởng kỹ thuật làm gốm Hizen kết hợp với việc học hỏi kỹ thuật của người Triều Tiên, Satsuma được đánh giá đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật làm gốm. Qua bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân, gốm Satsuma kế thừa đầy đủ yếu tố để làm nên những tiêu bản rực rỡ nhất về màu sắc cũng như nước men. Trên cốt xốp mịn của đất Kyusu miền nam Nhật Bản được phủ một lớp men rạn trong mịn, bên ngoài được vẽ bằng nhiều màu sắc kết hợp nhũ bột vàng khiến khuôn mặt từng nhân vật hiện lên rất thần thái. Nhờ đó, danh tiếng của gốm Satsuma đã vượt đại dương và lan tỏa đến các nước phương Tây. Gốm Satsuma không chỉ chiếm lĩnh thị trường gốm nội địa ở Nhật Bản mà còn được xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu thông qua các chuyến tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan.

Nhiều tượng thờ Hindu giáo, Phật giáo của Ấn Độ làm bằng các chất liệu độc đáo như đá sa thạch, kim loại, gỗ; các di tích đền tháp Hindu giáo hay loại hình nghệ thuật dân gian truyền tải sử thi Ramayana, Mahabharata, dưới hình thức phù điêu trên các công trình kiến trúc, chạm khắc và thơ ca dân gian, rối bóng… cũng hé lộ "dung nhan" tại trưng bày quy mô lần này.

Cổ đổng kỳ quan, mở kho báu cổ vật phương Đông- Ảnh 2.

Đôn thời Khải Định năm 1921

ẢNH: TUẤN HOÀNG

SÁNG TẠO Việt Nam "GẶP GỠ" TRONG VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG

Việt Nam là quốc gia ở phương Đông có lịch sử văn hóa lâu đời. Với vị trí nằm giữa hai nền văn minh lớn của thế giới là Ấn Độ và Trung Hoa nên nước ta có sự giao lưu, tiếp nhận các yếu tố tinh hoa để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Dấu ấn mỹ thuật Việt đầu tiên xuất hiện qua các bức vẽ trên vách hang động của người tiền sử. Đến thời sơ sử, mỹ thuật của người Việt cổ dần được định hình rõ nét hơn thông qua hoa văn trên một số đồ gốm thô, các loại vật dụng bằng đồng và đặc sắc nhất chính là trên mặt trống đồng Đông Sơn. Sang thời phong kiến, thì có sự phát triển rực rỡ qua mỗi triều đại.

Vì vậy, xem các hiện vật góp mặt tại trưng bày Cổ đổng kỳ quan, người xem nhận thấy chất liệu tạo tác rất đa dạng như: đá, gỗ, gốm, đồng…; đề tài thể hiện cũng rất phong phú, từ các loại hoa lá trong tự nhiên cho đến hình tượng linh vật trong huyền thoại… làm cho nhiều sản phẩm mang tính mỹ thuật cao, như dòng gốm Chu Đậu thời Lê. Trên cơ sở của những chất liệu truyền thống, các nghệ nhân Việt Nam còn sáng tạo nhiều thủ pháp chế tác mới: đồng phủ sơn, đồng cẩn tam khí… tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Việt.

Bí ẩn kho báu từ những con tàu đắm dưới đáy Biển Đông

Được biết, xuất hiện vào đầu thế kỷ 19, đồng tam khí là một loại hình sáng tạo của nghệ nhân tại Bắc Ninh khi dùng ba kim loại quý (vàng, bạc và đồng đỏ/xanh/đen) khảm vào bề mặt sản phẩm. Tuy xuất hiện muộn nhưng với ưu điểm là màu sắc đẹp, đề tài sống động và có ý nghĩa biểu đạt nên sản phẩm này nhanh chóng được thị trường ưa chuộng. Không chỉ phổ biến trong dân gian, đồng tam khí còn được xuất hiện trong cung đình triều Nguyễn. Với hai nhóm chính là đồ thờ cúng (tượng thờ, chân đèn, lư hương, đỉnh trầm) và đồ gia dụng (hộp, lồng ấp, bình rượu), sản phẩm đồng tam khí…, chứng minh sự độc đáo, tinh xảo của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, tạo điểm nhấn cho cuộc "gặp gỡ" văn hóa phương Đông Cổ đổng kỳ quan, đang thu hút du khách đến với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Cổ đổng kỳ quan, mở kho báu cổ vật phương Đông- Ảnh 3.

Gốm men ngọc thời Tống thế kỷ 11 - 13 - sưu tập Gannay

ẢNH: TUẤN HOÀNG

Cổ đổng kỳ quan, mở kho báu cổ vật phương Đông- Ảnh 4.

Lư đồng tam khí - Việt Nam cuối thế kỷ 19

ẢNH: TUẤN HOÀNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.