HÌNH MẪU TIÊU BIỂU VỀ VŨ NỮ Apsara
Khi đề cập đến phù điêu vũ nữ Apsara Trà Kiệu, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, nguyên quản thủ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đã thốt lên: "Tác phẩm nghệ thuật này đáng phải được công nhận bảo vật quốc gia từ sớm". Ông Phương cho hay, hình tượng vũ nữ trên phù điêu được chọn làm biểu trưng cho bảo tàng trong một thời gian dài và trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Các tiêu chí dù khắt khe đến đâu thì phù điêu vẫn đáp ứng và xứng đáng là bảo vật quốc gia.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho hay, bảo vật phù điêu vũ nữ Apsara Trà Kiệu (ký hiệu BTC 118, ký hiệu cũ 22.5) có chất liệu bằng sa thạch, niên đại vào khoảng thế kỷ 10. Hiện vật cao 63 cm, rộng 106 cm, dài 110 cm, trọng lượng khoảng 600 kg và đang trưng bày tại Phòng Trà Kiệu. Hiện vật có 2 mặt quay ra ngoài gồm mặt A và B, mỗi mặt chạm nổi hình một vũ nữ Apsara và một nhạc công.
"Vẻ đẹp toát lên từ đường nét của vũ nữ trên đài thờ này gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem và thường được nói đến như một hình mẫu điêu khắc Chăm tiêu biểu về vũ nữ Apsara", hồ sơ bảo vật thông tin thêm.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phù điêu là một hiện vật có hình thức độc đáo, một trong những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ nhất trong điêu khắc Chăm thể hiện hình ảnh vũ nữ. Các vũ nữ Apsara có thân hình quyến rũ, trong tư thế múa cân đối, hài hòa và tuyệt đẹp về mặt thẩm mỹ. Hình ảnh Apsara vừa đẹp, lạ, vừa có sức lôi cuốn với tạo hình mang đậm bản sắc dân tộc Chăm. Vũ nữ Apsara là đỉnh cao của việc sử dụng cơ thể con người làm phương tiện biểu hiện nét tinh tế, sống động mang tính đặc trưng cơ bản của nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phân tích, bằng bàn tay tài hoa, các nghệ nhân Chăm xưa đã thổi hồn vào khối đá vô tri, vô giác để hình thành một đường nét tổng hòa, một tư thế mềm mại, khỏe khoắn, đầy sức lôi cuốn và sống động. Các vũ nữ Apsara Trà Kiệu đã trở thành hình tượng nghệ thuật luôn gây sự chú ý và niềm cảm hứng mãnh liệt cho các nhà nghiên cứu và biên đạo múa. Phù điêu vũ nữ Apsara Trà Kiệu thật sự là kiệt tác của nền nghệ thuật Champa và nó trở thành tài liệu quý trong việc nghiên cứu, phục dựng hình thái múa đã bị chìm khuất nay chỉ còn tồn tại trên các phù điêu, tượng đá trong điêu khắc Chăm…
ĐÀI THỜ HAY CHÂN THÁP ?
Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, phù điêu vũ nữ Apsara Trà Kiệu đang trưng bày hiện nay có thể là một bộ phận của đài thờ lớn xưa kia, mà kích thước thật của đài thờ này có thể cao hơn 1,15 m và rộng ít nhất 3 m. Hiện vật này được đưa về bảo tàng năm 1918. Trong cuộc khai quật năm 1927 - 1928 ở Trà Kiệu (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), Jean Yves Claeys và các cộng sự đã tìm thêm được hơn 30 mảnh vỡ, hiện nay hầu như đều đã bị thất lạc, chỉ còn lưu lại qua những bức ảnh.
Trong bài nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết bằng năng khiếu nghề nghiệp sắc sảo, từ năm 1919 khi mới sưu tầm được 2 khối đá (trong đó có phù điêu vũ nữ Apsara), H.Parmentier căn cứ theo bố cục điêu khắc trên 2 khối đá này đã phán đoán "2 khối chính là bộ phận của một đài thờ cổ xưa gồm 2 tầng đá". Đài thờ này, nếu không có các bậc thềm thì sẽ gồm tất cả 12 vũ nữ và 8 nhạc công to bằng nửa người thật. Mỗi chiều của đài thờ phải rộng 3 m, không kể bậc thềm và cao 1,15 m; nó phải được cấu tạo bởi 16 khối đá mà chúng ta mới chỉ có được 2 khối và một số mảnh vỡ vụn của các phần chạm khắc trên các khối kia.
Ông Võ Văn Thắng cũng cho biết, sau khi khảo sát hình ảnh và thực địa về một số trang trí điêu khắc bao quanh chân các tháp Chăm ở Thạch Hãn, Khương Mỹ, Chiên Đàn, nhà nghiên cứu P.Baptiste đã kết luận đài thờ vũ nữ Trà Kiệu không phải là "đài thờ" mà là phần điêu khắc trang trí đá bọc ngoài các chân tháp, hoặc bọc ngoài một loại sân trước hay khán đài trước các công trình. Cá nhân ông Thắng thì cho rằng, do chỉ còn nhìn thấy một vài khối và các mảnh vỡ vụn của một kiến trúc đồ sộ, nên việc nghiên cứu, suy luận vẫn nằm ở phía trước.
"Thiết nghĩ, dù là đài thờ hay chân tháp, một việc mà bảo tàng cần làm là tập hợp lại tất cả những khối, những mảnh ấy và dùng phương tiện kỹ thuật cho phép để thử sắp xếp lại, kể cả cho đúc khuôn một số phần thất lạc, phục dựng thành một tổng thể. Được như vậy, phần còn lại ít ỏi của tác phẩm sẽ được tôn vinh và tỏa sáng, những "mảnh đời" lưu lạc của các vũ nữ và nhạc công sẽ "hội ngộ", tiếp tục trình diễn điệu múa và vẻ đẹp thiên thần, mặc cho dưới chân mình là sự réo gọi của thần thời gian và hủy diệt", ông Thắng gợi mở. (còn tiếp)
Nơi ghé thăm của nhiều nguyên thủ
Từ trước đến nay, nguyên thủ các nước và các đoàn khách ngoại giao khi đến thăm, làm việc tại TP.Đà Nẵng đều ưu tiên chọn Bảo tàng Điêu khắc Chăm làm điểm tham quan văn hóa trong chuyến công du của mình. Tiêu biểu là các chuyến thăm của Quốc vương Thái Lan Prajadhipok (năm 1930), Tổng thống Singapore S.P.Nathan (năm 2009), Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và phu nhân (năm 2018), Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni (năm 2018)…
Bình luận (0)