>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 10: Ba khẩu thần công dưới đáy biển
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 9: Mộ thuyền Việt Khê
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 8: Bia Vĩnh Lăng - bản hùng ca trên đá
|
Hồ sơ bảo vật quốc gia của tỉnh Bắc Ninh cho biết tượng tam thế chùa Linh Ứng ra đời đầu đời Trần, thế kỷ thứ 13. Chùa đã bị phá hủy nhiều lần, nhưng 3 pho tượng tam thế tạc bằng đá này vẫn còn. Đây là những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ.
Từ bi và phật tính
Cũng theo hồ sơ, cả 3 pho tượng đều có nhiều nét giống nhau là từ bi và phật tính. Các pho tượng bằng đá xanh, cấu tạo thành 3 phần: bệ tượng, tòa sen, thân tượng, đều ở trong tư thế, sắc tướng của tượng tam thế trong tòa tam bảo. Chúng cũng giống nhau về trang phục. Tuy nhiên mỗi pho tượng đều có những chi tiết, họa tiết riêng, thể hiện cá tính, hình thức và sắc thái tư duy khác nhau. Cụ thể là khác nhau cách ngồi thiền.
Pho tượng thứ nhất ngồi ở tư thế đang thuyết pháp, hai ngón bàn tay phải chỉ lên trời, tay trái để ngửa trước lòng, vẻ mặt từ bi, áo thụng có hoa dây. Pho tượng thứ hai, phần bệ có 5 bậc. Các bệ này lần lượt được chạm rồng và sóng nước cách điệu, rồng mây, hoa cúc cách điệu, hoa sen, rồng ẩn hiện trong mây. Pho tượng thứ ba, phần tòa sen có 16 cánh sen, trong mỗi cánh sen đều được trang trí hình rồng cuốn. Bệ được chạm hình hổ phù, hình rồng và hoa chanh cách điệu.
Căn cứ vào các biểu hiện như hình rồng trơn, không có vây, không có bờm, hoa sen mãn khai phô tám nhị, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là nhóm tượng tam thế thời Trần. Hình rồng của 3 pho tam thế này có các đường cong tròn nối nhau uyển chuyển, với phần kết thúc như đuôi rắn. Dáng rồng uốn lượn cũng thoải mái với động tác dứt khoát.
Bia mô tả việc làm lại gác chuông chùa Linh Ứng cũng cho thấy trước đây chùa có rất nhiều tượng. Bia ghi rõ ngoài việc làm lại kiến trúc, có sửa 37 pho tượng. Giờ đây, tam thế là bộ tượng đá duy nhất thời đó còn lại trong chùa.
“Sự tồn tại nguyên vẹn của 3 pho tượng tam thế chùa Linh Ứng là rất hiếm. Tượng đá thời Trần hầu như không còn nguyên vẹn”, TS Nguyễn Văn Anh (Trung tâm nghiên cứu kinh thành) cho biết. Cũng theo ông Anh, lăng vua Trần Hiến Tông còn hai tượng đá dạng quân hầu, nhưng không nguyên vẹn.
“Tiêu hoang” trong thời khó
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ, việc có một pho tượng đá lớn thời Trần là hiện tượng không phổ biến. Nhà Trần thay nhà Lý bằng cuộc đổi ngôi êm thấm. Do đó, các thành quả nghệ thuật xây dựng suốt hơn 200 năm của nhà Lý được nhà Trần tiếp thu gần như nguyên vẹn. Bản thân các thợ của đời Trần cũng là các thợ của đời Lý.
Tuy nhiên, ông Tín nhận định chất liệu đá không còn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo như thời Lý mà thay vào đó là chất liệu đất nung. Tại hầu khắp các di tích quan trọng ở Tường Long, Tức Mạc, Côn Sơn, hiện vật sưu tập tại nhiều bảo tàng, trung ương cũng như địa phương thì di vật điêu khắc đất nung chiếm ưu thế.
“Đương nhiên, chất liệu đá vẫn được tiếp tục làm các bệ thờ Phật và một số chân tảng, một số bộ phận kiến trúc tháp. Tuy nhiên, sự rực rỡ của đất nung thời Trần vẫn lấn át màu xám trang nghiêm của các loại chất liệu đá thời Lý”, PGS-TS Tín phân tích.
Một số thay đổi có thể nhìn thấy là sự thay đổi hoa văn trang trí. Trên bệ thờ thời Trần, các hoa văn trang trí được xếp khá tự do. Trong khi thời Lý các trang trí thường có đề tài thống nhất. Thời Trần, các hoa văn được phối hợp tùy từng di tích. Do đó, không bệ thờ nào giống bệ thờ nào. Điêu khắc thời Trần có mảng khối mập, đường nét to bè, độ cong dần dần tạo nên các hình tượng nghệ thuật khỏe khoắn, đơn giản.
“Về hình thức, có thể dễ dàng thấy sự thay đổi của điêu khắc Trần so với điêu khắc Lý là sự suy thoái”, theo ông Tín. “Chất liệu đất nung bình dị không hề tốn kém, trang trọng như chất liệu đá uy nghi thời Lý. Phong cách khỏe, giản lược thời Trần không thể tinh mỹ, cầu kỳ như phong cách mềm mại, trau chuốt thời Lý. Mở rộng sang kiến trúc, ta cũng thấy hiếm có một công trình chùa tháp thời Trần nào sánh được quy mô to lớn, bề thế của thời Lý”.
“Sự thay đổi nào cũng có nguyên nhân của nó. Ở đây chắc chắn tình hình kinh tế xã hội là ảnh hưởng quyết định”, ông Tín nói tiếp. “Dưới thời Lý, qua các phân tích ở trên, ta thấy tình hình kinh tế trong nước rất giàu mạnh. Việc được mùa, miễn thuế... có thể tìm thấy liên tục trong các trang biên niên sử thời Lý. Chính cơ sở kinh tế vững mạnh là điều kiện tiên quyết để nhà Lý cũng như các địa phương có thể huy động nhân lực, vật lực ở quy mô lớn cho các công trình xây dựng tốn kém”.
Thời Trần, kinh tế xã hội phát triển trên cơ sở thời Lý. Nhưng hoàn cảnh cụ thể đều biến đổi khác trước. Trong thế kỷ 13, nhà Trần tập trung vào 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và khắc phục các hậu quả tàn phá của chiến tranh. Trong thế kỷ 14, kinh tế thời Trần phục hồi trong một thời gian ngắn rồi lại suy thoái nhanh. Đất nước lại mắc vào các âm mưu thoán đoạt quyền bính và sự quấy rối của quân ngoại xâm. Chính vì thế, kinh tế thời Trần vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển nhưng không ổn định dài lâu như thời Lý. Trên nền tảng kinh tế như trên, có thể thấy, việc thực hiện tượng tam thế đá thời Trần là một cuộc chi tiêu phóng khoáng.
Suýt bị... nung vôi Theo tư liệu, năm 1952, do chiến tranh, chùa Linh Ứng đã bị phá hủy gần như toàn bộ. Ba pho tượng bị phơi trên nền chùa cùng mưa nắng. Một số người khi đó thậm chí còn định mang tượng đá đi nung vôi nhưng đã bị ngăn lại. Năm 1980, ông Nguyễn Phú Thật - người phụ trách văn hóa xã đã vận động nhân dân dựng lại chùa. Sau này, ông Thật được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc do đóng góp trên. |
Trinh Nguyễn
>> Đề xuất rùa Hồ Gươm làm báu vật quốc gia
>> Ba báu vật quốc gia của Huế
>> Người thổi hồn cho báu vật quốc gia
>> Khánh thành đại bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 10: Truyền kỳ những pho tượng Phật lồi
>> Bộ tượng Phật gỗ 100 năm
>> Người xây tượng Phật trên núi Cấm
>> Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm đạt kỷ lục châu Á
>> Hàng loạt tượng Phật cổ bị mất trộm
>> Cung nghinh tượng Phật ngọc lớn nhất Việt Nam
>> Mất trộm 3 tượng Phật
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Cơ duyên với 300 tượng Phật cổ
>> Tượng Phật ngọc bích lớn nhất Việt Nam
Bình luận (0)