Bảo vật quốc gia phải có đời sống

24/12/2016 10:00 GMT+7

Thủ tướng vừa ký quyết định công nhận 14 bảo vật quốc gia trong đợt công nhận lần thứ 5. Như vậy, đến nay đã có 88 bảo vật. Làm thế nào để bảo vệ và phát huy giá trị của chúng?

Quảng bá nhờ nước ngoài
Cuộc trưng bày Báu vật khảo cổ học Việt Nam ở Đức đã được chuẩn bị gần chục năm kể từ khi lên ý tưởng vào năm 2007. Cuối cùng nó đã được khai mạc hồi tháng 10 vừa qua với 400 tài liệu, hiện vật tiêu biểu... “Đấy là những câu chuyện sinh động nhất về lịch sử VN”, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chia sẻ.
Với những triển lãm như thế này, theo ông Cường, các bảo vật quốc gia sẽ được vang danh trên thế giới. Chưa kể, nếu có trưng bày tương tự trong nước, người dân cũng được tiếp cận các hiện vật tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại, cái khó đang bó cái khôn. “Mình không đủ tiền. Từ trưng bày, vận chuyển đến bảo hiểm đều là tiền của họ”, ông Cường nói.
Thậm chí, theo ông Cường, trong triển lãm tại Đức, cán bộ bảo tàng được sang Đức học hàng tháng trời về kỹ thuật bảo quản.
Bảo vật quốc gia phải có đời sống 1
Phù điêu Trà Liên 1 Ảnh: Bảo tàng tỉnh Quảng Trị


Có trường hợp không phải do thiếu tiền. Bia Sùng Thiện Diên Linh đã bị “tắm trắng” cho sạch rêu mốc bằng những dụng cụ cọ rửa cứng trước ngày đón nhận danh hiệu



Theo các chuyên gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện vẫn là một trong những nơi bảo quản bảo vật quốc gia tốt nhất. Mặc dù vậy, theo ông Cường, khó khăn lớn nhất là tuy được xếp hạng bảo vật quốc gia nhưng cơ chế về mặt đầu tư so với những thứ khác đều chưa có gì thay đổi. “Đúng ra nó phải được đưa vào ưu tiên bảo quản, ưu tiên trưng bày bằng các thiết bị tối tân, có cơ chế phát huy hàng năm đặc biệt. Hiện nay mình mới làm được một phần thôi. Chẳng hạn, có những hiện vật mấy nghìn năm rất cần tủ chuyên dụng bảo quản. Đặt vào đó, điều kiện độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ và cả an ninh đều được bảo đảm tốt hơn”, ông nói.
Cần chương trình quốc gia
Theo ông Cường: “Chúng tôi có khó khăn nhưng các bảo tàng địa phương còn khó khăn hơn. Các bảo vật quốc gia nằm trong di tích thì điều kiện còn khó khăn hơn nữa”.
Tại Bảo tàng Hà Tĩnh, do chưa có tiền phục chế và xây phòng trưng bày nên nhiều năm nay, 2 trong số 3 khẩu súng thần công triều Nguyễn là bảo vật quốc gia phải để ngoài hành lang. Vạc đồng Cẩm Thủy, nặng hơn 1 tấn, cũng do thiếu kinh phí xây dựng chỗ trưng bày mà phải nằm ở hành lang Bảo tàng Thanh Hóa.
Bảo vật quốc gia phải có đời sống 2
Thống gốm hoa nâu, thế kỷ 13 - 14 Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nhưng có trường hợp không phải do thiếu tiền. Bia Sùng Thiện Diên Linh đã bị “tắm trắng” cho sạch rêu mốc bằng những dụng cụ cọ rửa cứng trước ngày đón nhận danh hiệu . Vụ việc cho thấy, hiểu biết về di sản rất hạn chế của người quản lý cấp địa phương. “Những hàng chữ trên bia sau nghìn năm cũng đã mờ. Tuy nhiên, giờ nó còn mờ hơn giữa nhằng nhịt vết xước. Rồng đá thời Lý sau khi bị cọ cũng trợt cả da, cả vảy”, TS Trần Trọng Dương đau xót về hiện trạng của một trong những tấm văn bia hay nhất lịch sử.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, cho biết: “Các bảo vật quốc gia giá trị rất cao nhưng nhiều nơi chưa có điều kiện bảo tồn phát huy tương ứng giá trị của nó. Vì thế, cần có báo cáo định kỳ về việc bảo vật được trông nom và phát huy ra sao”.
Theo ông Cường, hiện tại, trong hồ sơ hiện vật xét bảo vật quốc gia trình Thủ tướng chỉ thường căn cứ vào ý nghĩa lịch sử văn hóa mỹ thuật của chính hiện vật đó. Còn điều kiện phải có kinh phí bảo đảm chương trình bảo tồn, phát huy thì vẫn phụ thuộc vào cơ quan chủ quản.
Bảo vật quốc gia phải có đời sống
Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, năm 1709 Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Ông Tín cũng đánh giá cao các chương trình quảng bá di sản theo kiểu ngoại khóa. Chẳng hạn, tới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ có chương trình giới thiệu về gốm hoa nâu đời Trần. Vừa hay, trong đợt xét duyệt mới nhất, bảo tàng này có chiếc thống gốm hoa nâu được công nhận bảo vật quốc gia. Hiện tại chiếc thống được trưng bày tại đây. “Nếu có điều kiện, nên đẩy mạnh giao lưu trưng bày các bảo vật quốc gia giữa các bảo tàng T.Ư và địa phương để người dân được chiêm ngưỡng”, ông Tín nói.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa, cho rằng hiện tại để phát huy giá trị hiện vật, các chương trình giáo dục lịch sử văn hóa rất quan trọng. “Nó nên được đưa vào giáo dục lịch sử văn hóa địa phương. Nó phải kết hợp cả văn học, sân khấu, báo chí, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng có lẽ vẫn cần phải có một chương trình kết hợp với truyền thông để quảng bá sâu rộng. Từ phía quản lý cấp Bộ, rất cần phải có chương trình quốc gia”, ông Bài nói.
14 bảo vật quốc gia mới
Hai bức tượng thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu (H.Thường Tín, Hà Nội) vừa trở thành bảo vật quốc gia. Đây là một trong 14 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được Thủ tướng công nhận trong đợt công nhận bảo vật quốc gia lần thứ 5. Năm 1983, TS Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học) chính là người đã phát hiện bên trong bức tượng chùa Đậu có nhục thân của các vị thiền sư. Theo TS Cường, trong quá trình nghiên cứu, ông không thấy dấu vết của việc bức tượng được tạo ra để xếp bộ xương vào. Các xương đều nằm đúng vị trí giải phẫu và không hề có chất kết dính hay khung đỡ nào.
Ngoài hai bức tượng táng này, có 6 bảo vật quốc gia khác cũng nằm trong di tích, gồm: 1/ Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”, năm 1362, đời vua Trần Dụ Tông, chùa Thanh Mai, TX.Chí Linh, Hải Dương; 2/ Bia vua Lê Thái Tổ, năm 1431, đền thờ vua Lê Thái Tổ, H.Nậm Nhùn, Lai Châu; 3/ Bia Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi, cuối thế kỷ 15, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa; 4/ Đôi chuông chùa Đà Quận, năm 1611, thời nhà Mạc, Khu di tích chùa Đà Quận, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; 5/ Tượng Trấn Vũ đền Quán Thánh, khoảng cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18, đền Quán Thánh, Q.Ba Đình, Hà Nội; 6/ Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Động Ngọ, năm 1692, đời vua Lê Hy Tông, chùa Động Ngọ, H.Thanh Hà, Hải Dương.
Nhóm 6 bảo vật quốc gia nằm tại các bảo tàng gồm: 1/ Ngẫu tượng Linga - Yoni, thế kỷ 5 - 6, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Trà Vinh; 2/ Phù điêu Trà Liên 1 và 2, nửa cuối thế kỷ 9, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị; 3/ Phù điêu Thần Brahama, thế kỷ 12 - 13, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định; 4/ Thống gốm hoa nâu, thế kỷ 13 - 14, Bảo tàng Lịch sử quốc gia; 5/ Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, năm 1709, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Riêng Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946 (từ 30.8.1945 - 28.2.1946) hiện được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Bộ Nội vụ.
Ở các đợt công nhận trước, số lượng bảo vật lần lượt là: đợt 1 có 30 bảo vật, đợt 2 có 37 bảo vật, đợt 3 có 12 bảo vật và đợt 4 với 25 bảo vật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.