Món quà từ nền nhà bên cánh đồng
Bảo vật quốc gia Trống đồng Tiên Nội I được tìm thấy năm 1988, khi ông Đinh Văn Nhân (xã Tiên Nội, H.Duy Tiên, Hà Nam) đào đất đắp nền nhà ở cánh đồng Cầu Đất. Do phát hiện ở thôn Trì nên khi công bố trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1989, trống được gọi là trống Thôn Trì. Khu vực phát hiện trống đồng Tiên Nội I gắn với vùng đất cổ, nơi phát hiện nhiều tư liệu về văn hóa Đông Sơn như mộ thuyền, thạp, rìu, giáo, trống Đông Sơn…
Trống đồng Tiên Nội I sau đó được đưa về giữ tại UBND H.Duy Tiên cho tới năm 2000. Khi Bảo tàng tỉnh Hà Nam được thành lập, trống được chuyển về đây. Đây là hiện vật độc đáo nhất nằm trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam.
Hồ sơ của Bảo tàng tỉnh Hà Nam cho biết: Từ lúc phát hiện trong lòng đất và đưa về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh đến nay, trống Tiên Nội I vẫn trong tình trạng rất tốt. Đặc biệt, một số vành hoa văn trang trí trên mặt, tang hoặc thân trống rất độc đáo, chưa từng gặp ở bất kỳ trống đồng Đông Sơn nào đã được nghiên cứu và công bố ở nước ta.
Chim và cá
Hồ sơ bảo vật quốc gia mô tả rất kỹ hai lớp vành hoa văn trang trí mặt trống số 7 và băng số 5 ở tang trống. Đây là nhóm hình trang trí được đánh giá là đặc biệt so với các trống đồng khác.
Theo đó, băng số 5 là hoa văn tả thực về lớp chim ngược chiều kim đồng hồ. Hình vẽ trang trí cho thấy đây là loài chim nước có kích thước trung bình và lớn. Trên băng có 6 mô típ khác nhau về chi tiết trang trí bên trong. Tất cả chim đều được trang trí đường tròn chấm giữa tượng trưng cho mắt. Tuy nhiên, hai mang khuôn đúc trống lại có những hình trang trí chim bồ nông với chi tiết hoa văn khác nhau. Có chim được trang trí bằng các đoạn thẳng nằm ngang song song, có chim lại trang trí đường tròn có chấm giữa nằm trong hai cặp đoạn thẳng nằm ngang song song. Đôi mắt của chim cũng đa dạng: có đôi mắt được tạo từ vòng tròn bên trong có chấm to nhất, có đôi mắt lại được trang trí vòng tròn đồng tâm có chấm giữa.
Vành số 7 là hoa văn tả thực với sự xuất hiện của nhóm động vật bao gồm chim (sống trên cạn) và cá (sống dưới nước). Trong 6 mô típ chim lạc của vành này được trang trí thêm hoa văn hình thang. Hồ sơ bảo vật có đưa ra phỏng đoán có thể hình thang này là hình tượng hóa cho tim. Đối với nhóm cá, ở vành này cũng trang trí 6 mô típ. Trong đó 5 mô típ cá vị trí mắt và thân được trang trí 2 đường tròn có chấm ở giữa, mô típ cá còn lại có các đường vạch chéo song song hoặc hoa văn in chấm.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, sự độc đáo khác biệt của trống thể hiện rõ nhất ở vành hoa văn số 7 được trang trí chủ đề chim và cá. "Cho đến nay, sự kết hợp này duy nhất chỉ được bắt gặp trên mặt trống Tiên Nội I thuộc văn hóa Đông Sơn phát hiện ở tỉnh Hà Nam và cả nước, với niên đại dự đoán nằm trong khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 3 trước Công nguyên", hồ sơ cho biết.
Bên cạnh đó, băng số 5 ở tang trống được trang trí chim bồ nông cũng gần như chưa bao giờ bắt gặp trên tang trống đồng nhóm A của văn hóa Đông Sơn. Nét độc đáo của vành hoa văn này chính là các hình vẽ chim bồ nông ở mỗi mang khuôn không giống nhau.
Chiếm lĩnh đồng bằng
Việc phát hiện trống Tiên Nội I cùng nhiều trống đồng Đông Sơn khác ở gần đó phản ánh một thực tế rằng: cư dân Đông Sơn đã từng bước chiếm lĩnh và làm chủ đồng bằng khu vực này. "Các mô típ trang trí hoa văn trên tiêu bản trống Tiên Nội I cùng với các trống đã được phát hiện trên địa bàn H.Duy Tiên thực sự góp phần khẳng định quá trình làm chủ kỹ thuật pha trộn hợp kim, sự thành thục trong kỹ thuật tạo khuôn và trang trí hoa văn của cư dân Đông Sơn nói chung", hồ sơ bảo vật cho biết.
Các nhà khoa học cũng đưa ra các giả thuyết về trang trí trên trống Tiên Nội I. "Kiểu trang trí hoa văn hình học như đường tròn đồng tâm có tiếp tuyến, các đường khắc vạch ngắn song song có thể đã bắt gặp trên một vài trống Đông Sơn khác nhưng hình tượng trong băng hoa văn chim lạc và cá lần đầu tiên được bắt gặp trang trí trên mặt trống Đông Sơn nhóm A. Phải chăng, chim lạc biểu tượng cho yếu tố dương. Cá biểu tượng cho yếu tố âm. Ở một góc độ nào đó, 6 cặp chim lạc - cá cũng có thể liên tưởng về sự chuyển vận thời gian trong một năm với 12 tháng", hồ sơ nêu. Những hình trang trí trên trống cũng cho thấy sự đa dạng của bộ dụng cụ tạo hoa văn.
Nhờ những đặc điểm trên, Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng trống đồng Tiên Nội I là hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và đỉnh cao của kỹ thuật, nghệ thuật văn hóa Đông Sơn. Trống có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho nghệ thuật Đông Sơn ở vùng châu thổ Bắc bộ, mang trong đó tư duy, thẩm mỹ và vũ trụ quan của cư dân Việt cổ thời Đông Sơn. Cùng với trống Ngọc Lũ (bảo vật quốc gia), Mộ thuyền Yên Từ, Yên Bắc…, trống Tiên Nội đã tạo nên một trung tâm Đông Sơn thịnh vượng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Bắc bộ Việt Nam. (còn tiếp)
Bình luận (0)