Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân tăng mạnh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/02/2023 07:14 GMT+7

Đợt công nhận bảo vật quốc gia mới nhất có tới 7 bảo vật thuộc sở hữu tư nhân.

Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân tăng mạnh   - Ảnh 1.

Trống đồng Kính Hoa II

TL Cục Di sản văn hóa

Danh sách Bảo vật quốc gia 2022 vừa công bố có một hiện vật với tên gọi được đánh số: Trống đồng Kính Hoa II. Hồ sơ bảo vật cho biết: "Tên hiện vật gắn với tên của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính, chủ nhân hợp pháp của Trống đồng Kính Hoa đã được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2020. Tên gọi Trống đồng Kính Hoa II là để phân biệt với trống Kính Hoa trước đó". Trước đó, Trống đồng Kính Hoa là bảo vật quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân.

Năm nay, ông Nguyễn Văn Kính còn có một hiện vật khác cũng được công nhận bảo vật quốc gia là Thạp đồng Kính Hoa. Theo hồ sơ bảo vật, Thạp đồng Kính Hoa đã tồn tại hơn 2.000 năm, bề mặt có lớp pa-tin mỏng màu xanh ngọc, bóng mịn và khá đều, bảo vệ tốt cho cốt đồng bên trong và các mảng hoa văn trang trí bên ngoài. Việc đặt tên "Kính Hoa" chung cho những hiện vật này cũng giúp nhận diện hiện vật cùng chủ nhân dễ dàng hơn.

Cũng là thạp, năm nay, danh sách bảo vật còn có Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn. Đây là hiện vật của Bảo tàng hoàng gia Nam Hồng (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), chủ sở hữu là ông Nguyễn Thế Hồng. Theo hồ sơ, trên thạp có những con thú được đúc trong tư thế vận động, cong mình như đang đuổi nhau theo chiều ngược kim đồng hồ, tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động. Đó là nghệ thuật thể hiện động trong tĩnh, được nghệ nhân đúc đồng thời Đông Sơn vận dụng vô cùng hiệu quả.

Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân tăng mạnh   - Ảnh 2.

Đĩa gốm men lam tím (trong sưu tập cổ vật An Biên - Hải Phòng)

Một bảo vật quốc gia khác trong đợt này là nhóm 2 chiếc đĩa gốm men ngọc (trong sưu tập cổ vật An Biên - Hải Phòng). Bảo vật còn tên gọi khác là cặp đĩa gốm men ngọc thế kỷ 12 - 13. Chúng thuộc sở hữu của nhà sưu tầm cổ vật Trần Đình Thăng (Hải Phòng). Theo các nhà nghiên cứu, hai chiếc đĩa gốm men ngọc trong sưu tập cổ vật An Biên cũng có nhiều đặc điểm tương đồng về xương gốm, kiểu dáng, hoa văn trang trí và lớp men phủ với gốm men ngọc thời Lý tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Từ đó, có thể xác định đây là hiện vật được sản xuất tại lò gốm của kinh thành Thăng Long, để phục vụ hoàng gia.

Ông Trần Đình Thăng cũng có một bảo vật khác được ghi danh lần này là đĩa gốm men lam tím (trong sưu tập cổ vật An Biên - Hải Phòng). Đây là chiếc đĩa gốm men lam tím vẽ vàng kim trên men, được đánh giá là hiện vật tiêu biểu, đại diện cho dòng gốm men thúy lam cao cấp thời Lê Sơ.

Một bảo vật khác cũng thuộc sở hữu của ông Thăng và được công nhận lần này là lư hương gốm hoa lam, còn có tên khác là lư hương gốm men trắng vẽ lam thế kỷ 15. Chiếc lư hương có kích thước lớn, trang trí kết hợp chạm đắp nổi và dùng bút lông vẽ men xanh chi tiết theo lối công bút rất tỉ mỉ. Nó cũng được đánh giá là hiện vật tiêu biểu, đại diện cho dòng gốm men hoa lam cao cấp thời Lê Sơ.

Bảo vật quốc gia thứ tư thuộc sở hữu của ông Thăng trong đợt công nhận này là Hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê. Theo hồ sơ bảo vật, đây là một loại đồ tế khí dùng trong ban thờ hay trong các thư phòng của nho sĩ. Để đáp ứng nhu cầu linh thiêng thần bí khi đốt trầm nên cấu trúc của mỗi chiếc đài cơ bản gồm 2 phần rời lắp khớp lại khi sử dụng.

Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân tăng mạnh   - Ảnh 3.

Chiếc đĩa gốm men ngọc (trong sưu tập cổ vật An Biên - Hải Phòng)

Bảo tàng tư nhân "khoe" hiện vật

Còn nhớ, chúng ta đã phải chờ tới 9 đợt công nhận bảo vật quốc gia mới có được bảo vật quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân. Bảo vật khi ấy là Trống đồng Kính Hoa. GS Trịnh Sinh, người đã thực hiện cuốn sách về bảo vật này, thậm chí còn cho rằng có lẽ chưa có bảo vật quốc gia nào ở nước ta lại được xem xét khắt khe như đối với chiếc trống đồng Kính Hoa. Nếu so sánh tương quan giữa 191 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước với 1 hiện vật thuộc sở hữu tư nhân ở thời điểm đó, có lẽ việc công nhận chính là một cuộc "cởi trói".

Chính vì thế, việc có tới 7/27 bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân ở lần công nhận này là một tín hiệu đáng mừng. Mừng vì các nhà sưu tập đã dần dần "mở" các hiện vật của mình ra để khoe với công chúng. Việc này cũng cho thấy sẽ có những cuộc trưng bày để người yêu cổ ngoạn có thể thưởng lãm.

Ông Nguyễn Văn Kính cũng thể hiện ý chí của mình qua hồ sơ nộp để công nhận bảo vật thạp đồng Kính Hoa như sau: "Hiện tại, thạp đồng Kính Hoa được bảo quản trong tình trạng tốt. Chủ sở hữu đang xây dựng kế hoạch và mời chuyên gia xử lý bảo quản theo phương pháp khoa học, tiến tới trưng bày trong tủ kệ chuyên dụng với điều kiện bảo vệ, bảo quản tốt nhất".

Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân tăng mạnh   - Ảnh 4.

Lư hương gốm men trắng vẽ lam thế kỷ 15

Nói về tỷ lệ cao 7/27 này, ông Phạm Định Phong, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết hoàn toàn không có việc có "tỷ lệ" ấn định phải đạt cho các hồ sơ bảo vật thuộc sở hữu tư nhân. "Không có một tỷ lệ nào như vậy cả. Bất cứ hiện vật nào có giá trị sẽ được hội đồng xem xét và nếu đủ giá trị sẽ được công nhận bảo vật quốc gia", ông Phong nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.