Vị trí cán bộ quản lý nhà nước giờ chẳng khác gì "ghế nóng", khi mà các áp lực về phát triển đặt ra những hối thúc quyết liệt, nếu cán bộ không "dám nghĩ, dám làm", không dám theo đuổi, ủng hộ cái mới, cái chưa có sẵn trong thực tiễn thì sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nhưng cũng chính sự can đảm dấn thân của cán bộ cũng có thể đặt họ trước những rủi ro chính trị và pháp lý khó lường, khi mà các quan điểm về phát triển, về tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề còn chưa được thống nhất, nếu không muốn nói là còn rất nhiều bất cập. Nhất là, không phải lúc nào cũng có thể phân định rõ ràng giữa cái gọi là "tạo ra lợi ích" với cái gọi là "gây thiệt hại nghiêm trọng" cho lợi ích chung. Lịch sử đổi mới, cải cách đất nước cũng cho ta nhiều bài học đủ thấm thía để soi chiếu những lựa chọn của hiện tại. Không có những trường hợp cán bộ dám "trả giá" cho sự đổi mới thì có khi "cỗ xe" đổi mới của đất nước không biết đang còn dừng lại ở đâu.
Nghị định Chính phủ xác nhận quan điểm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là điều mà nhiều người mong đợi. Không chỉ cán bộ mong đợi, mà chắc chắn là những người dân quan tâm cũng mong đợi. Vì nếu bộ máy nhà nước mà không còn cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì thiệt thòi chắc chắn cuối cùng cũng sẽ thuộc về người dân.
Nhưng đã mong đợi thì cũng sẽ kèm theo không ít băn khoăn. Nghị định 73/2023 cũng đặt thẳng vấn đề khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám chọn cách giải quyết vấn đề, điểm nghẽn thực tiễn, nút thắt cơ chế "chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật" nhưng "mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ". Cách đặt thẳng vấn đề này tuy có thể giúp tháo gỡ một loại tình huống trước mắt, nhưng về căn bản cần cân nhắc khía cạnh "siêu pháp luật" như khuyến khích những việc làm "chưa được quy định trong văn bản pháp luật". Chưa kể, cách đặt vấn đề đó cũng còn hàm ẩn một "khoảng không" của sự mơ hồ. Xác định một việc gì đó là "mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực" hay "tạo được chuyển biến mạnh mẽ" thường là không dễ dàng. Nhất là, những "hiệu quả thiết thực" và "chuyển biến mạnh mẽ" thường có độ trễ, nhiều khi ngày một ngày hai chưa kịp nhìn thấy thì sinh mệnh chính trị của cán bộ liên quan có thể đã được kết luận.
Có lẽ còn phải cần thêm những hướng dẫn thi hành cụ thể, những kiểu như "án lệ" được đúc kết để nghị định không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà thật sự là công cụ, là động lực thúc đẩy sự phát triển, cái đúng, cái tốt, cái mới…
Bình luận (0)